‘Không thể đến lúc con em chúng ta béo phì mới bàn thuế’

‘Không thể đến lúc con em chúng ta béo phì mới bàn thuế’

bởi

trong

“Đánh thuế nước giải khát đến giờ phút này là muộn”

Góp ý cho dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí cao bổ sung mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo bà, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này trước tiên không chỉ nhằm tăng thu ngân sách, mà trước hết là để định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Anh, Mexico… đã áp thuế này.

Cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ về ngưỡng đường từ 5g/100ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam, tránh áp dụng tràn lan đối với các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sữa, nước trái cây nguyên chất không đường bổ sung.

‘Không thể đến lúc con em chúng ta béo phì mới bàn thuế’

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

ẢNH: GIA HÂN

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình cho hay, khi xây dựng dự thảo luật có rất nhiều ý kiến khác nhau. Với mặt hàng nước giải khát có đường, có luồng ý kiến băn khoăn nên đánh thuế chưa, nhưng có ý kiến càng đánh thuế mạnh càng tốt.

Ông dẫn thông tin WHO khuyến cáo Việt Nam là 1 trong những nước tiêu thụ nước có đường ngày càng lớn, nguy cơ béo phì. Thống kê người Việt tiêu thụ 46,5% đường tự do trong 1 ngày, phần lớn đến từ nước giải khát có đường, gây béo phì thừa cân. WHO khuyến nghị các nước trong đó có Việt Nam áp thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu 20%.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện 107 nước đã đánh thuế, với ASEAN 7/11 nước đánh thuế. “Cá nhân tôi cho rằng cần đánh thuế sớm hơn, đến giờ phút này là muộn. Không thể để thế hệ con em chúng ta béo phì mới bàn đánh thuế”, ông Thắng nói.

Theo đó, mức thuế theo hướng sẽ giãn thời hạn áp và giảm tỷ lệ năm 2027 là 8% và năm 2028 là 10%. Cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, để xem cái gì sẽ áp từ 1.1.2026 và mặt hàng nào lùi sang 2027, “tránh cú sốc với các doanh nghiệp”.

Xăng đang chịu 2 sắc thuế 

Đồng tình đánh thuế với mặt hàng xăng, song ông  Thắng cho rằng cần cân nhắc đánh loại thuế nào. Bởi xăng là mặt hàng duy nhất chịu cả hai loại thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Trong khi mặt hàng tương tự là dầu chỉ phải chịu thuế bảo vệ môi trường. 

 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng và đại biểu Hà Sỹ Đồng

ẢNH: GIA HÂN

Nếu mục tiêu thu thuế là nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường thì cần quy về thuế bảo vệ môi trường. Thời điểm 2008 khi xây dựng luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng ta đưa mặt hàng xăng vào nhưng khi đó chưa có thuế bảo vệ môi trường. 

“Cùng mục đích đánh thuế để giảm phát thải môi trường, nhưng xăng chịu 2 sắc thuế. Tôi cho rằng chuyển sang thuế bảo vệ môi trường hợp lý hơn, đúng bản chất gây ô nhiễm của xăng là đốt bao nhiêu thì ô nhiễm bấy nhiêu”, ông Đồng nói và đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, chuyển toàn bộ sang thuế bảo vệ môi trường.

Giải trình thêm, theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Thủ tướng đã cam kết tại Hội nghị COP 26 mục tiêu giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050 nên “càng không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng”.

“Ô nhiễm môi trường của Việt Nam ngày càng lớn, với các phương tiện trong lĩnh vực giao thông nếu chúng ta không đánh thuế xăng thì sẽ rất khó khăn thay đổi hành vi. Mong muốn sử dụng xe điện, hệ thống metro… nhiều hơn thì phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp liên quan đến xăng”, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Về việc xăng chịu 2 loại thuế phí, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, hiện nay trên thế giới, hầu hết các nước lớn và phát triển đều đánh thuế và phí, chỉ có tên gọi khác nhau. Có nước gọi là phí CO2, thuế CO2

“Thuế tiêu thụ đặc biệt và phí có các mục tiêu khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau. Với thuế tiêu thụ đặc biệt thì tập trung vào điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Trong khi phí bảo vệ môi trường nhắm đến tạo ra các quỹ cho các dự án về môi trường”, ông Thắng nói và cho rằng, cộng hai loại thuế, phí này thấp hơn rất nhiều so với các nước, đặc biệt châu Âu (đang thu 17.000 – 18.000 đồng/lít).