Từ giấc mơ nhỏ đến khu vườn 30 m²
“Mơ ước có một khu vườn nhỏ để trồng rau từ lâu rồi nhưng đến đầu năm 2024 mình mới thực hiện được. Nó vừa là đam mê, vừa muốn gia đình dùng thực phẩm sạch, đồng thời mong muốn để vợ chồng, các con có chỗ thư giãn sau giờ làm việc và học tập”, chị Đan Vy (36 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) chia sẻ.

Khu vườn xanh mướt trên gác mái của chị Vy
ẢNH: NVCC
Không giống những vườn sân thượng phổ biến ở đô thị, khu vườn của chị Vy được thiết kế trên phần gác được cải tạo từ sân để xe trước nhà. Một kết cấu khung sắt kiên cố được dựng lên, lót sàn, làm cầu thang riêng dẫn lên khu vườn rộng khoảng 30 m². Chị gọi nơi ấy là “căn gác chữa lành”, nơi trồng trọt, thư giãn và tận hưởng những điều trong lành nhất giữa cuộc sống bộn bề.

ẢNH: NVCC

Một số loại trái cây trong khu vườn của chị Vy
ẢNH: NVCC
Chị Vy cho biết chi phí ban đầu khoảng 50 triệu đồng, phần lớn là để đầu tư cho khung sắt chắc chắn, chịu được sức nặng của đất trồng và vật tư làm vườn. Những hạng mục chính như làm khung, lót sàn, chậu trồng, quây lưới, mái che đều được vợ chồng chị tự tay thực hiện, dù không ít lần vận chuyển lên cũng hơi cực vì cầu thang khá dốc và cao.
Ban đầu, chị loay hoay trong việc xử lý đất, chọn giống, phân bón… nên chi phí đội lên khá nhiều. Sau này, nhờ học hỏi từ các hội nhóm trồng trọt, chị biết cách tận dụng nguyên liệu sẵn có để ủ phân hữu cơ, vừa tiết kiệm lại thân thiện với môi trường.

Những quả cà chua chín mọng được chị Vy thu hoạch trong chính khu vườn nhà mình
ẢNH: NVCC

Những quả táo xanh tươi do chị Vy trồng và chăm sóc
ẢNH: NVCC

Nhờ có khu vườn, gia đình chị Vy được ăn rau, quả sạch mỗi ngày
ẢNH: NVCC
Cách ủ phân mà chị Vy áp dụng dựa trên nguyên liệu dễ kiếm như bã mía, chuối chín, bã cà phê, vỏ trứng… được ủ trong thùng xốp đục lỗ, trộn với men cám gạo, tro trấu, phân chuồng. Sau 1 – 2 tháng, hỗn hợp sẽ hoai mục thành phân hữu cơ tơi xốp, không còn mùi hôi và giàu vi sinh vật có lợi.
“Thành phần quan trọng nhất trong khâu ủ này là men cám gạo. Nó giúp các nguyên liệu phân hủy nhanh hơn, không bị mùi hôi, bổ sung nhiều vi sinh vật có lợi rất tốt cho đất”, chị Vy cho hay.




Khu vườn xanh tốt của người phụ nữ 8X
ẢNH: NVCC
Với kinh nghiệm của mình, chị Vy cho biết khi làm vườn yếu tố nào cũng quan trọng, nhưng phần xử lý và trộn đất có lẽ là quan trọng nhất.
Rau trái nhà trồng là chân ái
“Trong thời đại mà hàng giả, hàng thật lẫn lộn, không ai còn dám chắc mình đang ăn gì mỗi ngày. Mình nhận ra một điều giản dị mà vô giá, đó là trồng được rau sạch cho gia đình ăn chính là chân ái”, chị Vy nói. Chị cho biết việc trồng rau theo phương pháp hữu cơ, không dùng phân hóa học, là hướng đi không dễ dàng. “Nhưng đổi lại, gia đình mình có những bữa cơm sạch sẽ. Các loại rau trái do chính tay mình chăm sóc là phần thưởng đầy giá trị”, chị Vy nói.




Với chị Vy, làm vườn tuy có những vất vả, nhưng đổi lại gia đình được sử dụng các loại rau trái sạch
ẢNH: NVCC
Vườn không chỉ là nơi cho ra nhiều thực phẩm sạch như: dưa lưới, dưa hấu, bầu bí, dưa leo, xà lách, ớt, hành, ngò quế, khổ qua, táo, cà chua… mà còn là điểm kết nối và chốn chữa lành của gia đình chị Vy. “Hạnh phúc là khi mỗi sáng lên sân thượng, thấy lá cải xanh mướt, bụi hành thơm nồng, cây cà chua lấp ló quả đỏ. Còn các con có chỗ chơi, phụ giúp ba mẹ trồng rau, thu hoạch”, chị kể.

Để có được khu vườn xanh mướt này là nhờ vào công sức và sự kiên trì của vợ chồng chị Vy
ẢNH: NVCC
Giữa một xã hội mà thực phẩm trở thành nỗi hoang mang, những luống rau do chính tay người mẹ, người vợ vun trồng không chỉ nuôi sống cơ thể, mà còn nuôi dưỡng lòng tin.
“Mình không nghĩ bản thân sẽ trở thành một người nông phố như bây giờ, càng trồng lại càng thấy mê”, chị nói và nhắn nhủ: “Nếu ai từng muốn bắt đầu nhưng chưa dám, mình chỉ muốn nói là hãy thử đi. Không cần sân vườn rộng, không cần nhiều kinh nghiệm. Chỉ cần một vài chậu nhỏ, chút ánh nắng, ít đất và sự chăm sóc mỗi ngày là đủ”.


Trong mỗi bữa cơm của gia đình chị Vy đều có rau xanh, trái cây nhà trồng được
ẢNH: NVCC
Trong hành trình gieo hạt, người phụ nữ ấy không chỉ nuôi rau, mà còn nuôi hy vọng, sự tử tế và bình an cho những người thân yêu của mình. “Cảm giác được ăn bát canh ngọt từ rau mình trồng, cho con ăn miếng dưa hấu đỏ au do chính tay mình chăm sóc thật sự rất hạnh phúc”, chị Vy nói.