‘Khủng bố’ Viện trưởng viện kiểm sát để đòi nợ

‘Khủng bố’ Viện trưởng viện kiểm sát để đòi nợ

bởi

trong

TAND TP.Hà Nội đang xét xử 45 bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản, do liên quan đến đường dây chuyên siết nợ bằng thủ đoạn “khủng bố tinh thần” khách vay.

Một trong 2 người cầm đầu là Trần Hồng Tiến (51 tuổi, trú tại TP.HCM). Người còn lại là Lê Quốc Thống (47 tuổi, trú tại TP.HCM) hiện đang bỏ trốn.

‘Khủng bố’ Viện trưởng viện kiểm sát để đòi nợ

Trần Hồng Tiến (đứng) và các bị cáo tại tòa

ẢNH: PHÚC BÌNH

Cáo trạng cho hay, Công ty TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (gọi tắt là Công ty Mirae Asset, trụ sở tại TP.HCM) hoạt động cho vay thế chấp, tức là người vay phải để lại bản sao giấy tờ tùy thân, cung cấp số điện thoại của mình và người thân…

Với các khoản vay mà khách chậm trả hoặc không trả, Công ty Mirae Asset sẽ bán cho công ty khác để thu hồi nợ. Trong số này có Công ty Mua Bán nợ DSP do Tiến và Thống điều hành.

Để thu hồi nợ, Tiến và Thống chỉ đạo nhân viên cấp dưới sử dụng hàng loạt “trò bẩn” hòng đe dọa, gây sức ép, buộc khách vay phải trả tiền. Đến nay, cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh được 26 bị hại bị nhóm này cưỡng đoạt tổng số hơn 904 triệu đồng.

“Khủng bố” viện trưởng viện kiểm sát để đòi nợ

Tháng 4.2019, chị Đào Thị H. (31 tuổi, trú tại Hà Nội) vay của Công ty Mirae Asset 50 triệu đồng, thời hạn vay 36 tháng, mỗi tháng trả gần 2,7 triệu đồng. Chị H. đã trả được 6 tháng với tổng số hơn 16 triệu đồng thì mất khả năng thanh toán. Công ty Mirae Asset bán khoản nợ này cho Công ty Mua Bán nợ DSP.

Được phân công phụ trách, nhân viên thu hồi nợ gọi điện, yêu cầu chị H. trả 60 triệu đồng (gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt), nhưng chị H. không trả.

Nhân viên thu hồi nợ liền gọi cho mẹ chị H. là bà T. đang công tác tại Viện KSND H.Chương Mỹ (cũ), Hà Nội, yêu cầu trong 10 ngày bà T. phải trả tiền cho con gái. Đối tượng còn gọi điện, nhắn tin “khủng bố” viện trưởng và các viện phó Viện KSND H.Chương Mỹ để gây sức ép.

Thậm chí, nhân viên thu hồi nợ lên mạng xã hội tải hình ảnh các cán bộ của Viện KSND H.Chương Mỹ, cắt ghép, dùng tài khoản “ảo” đăng tải nội dung bà T. có quan hệ bất chính với viện trưởng. Vì liên tục bị đe dọa, chị H. đã đến công an trình báo.

Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Hữu N. (42 tuổi, trú tại Hà Nội) vay 50 triệu đồng của Công ty Mirea Asset vào năm 2017. Anh N. trả được 12 tháng thì hết khả năng, nên Công ty Mirea Asset bán khoản nợ cho Công ty Mua Bán nợ DSP.

Tính đến tháng 9.2022, “lãi mẹ đẻ lãi con”, khoản nợ của anh N. tăng lên hơn 175 triệu đồng. Nhân viên thu hồi nợ nhiều lần gọi điện với thái độ gay gắt, yêu cầu trả tiền, nhưng anh N. chưa trả được.

Để gia tăng sức ép, nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện đến trường học và cô giáo chủ nhiệm của con trai anh N., đồng thời dùng tài khoản “ảo” vào trang Facebook của trường học đăng tải các bình luận xúc phạm danh dự nhà trường và giáo viên.

Do bị đe dọa, anh N. liên hệ với công ty thu hồi nợ, xin giảm lãi còn 103 triệu đồng thì được đồng ý. Phía nhà trường làm đơn trình báo công an về việc có đối tượng xúc phạm uy tín, danh dự giáo viên.

Viện trưởng viện kiểm sát bị cắt ghép hình ảnh để khủng bố tinh thần siết nợ - Ảnh 2.

Lê Quốc Thống đang bị truy nã

ẢNH: CACC

Đe dọa làm hại cả gia đình nếu không trả nợ

Không chỉ “khủng bố” về mặt tinh thần, các đối tượng trong đường dây siết nợ còn sử dụng hàng loạt ngôn từ bạo lực, đe dọa làm hại đến tính mạng, sức khỏe của gia đình khách vay.

Điển hình là trường hợp ông Lê Đình T. (58 tuổi, trú tại Hà Nội) vay của Công ty Mirae Asset 30 triệu đồng năm 2017, trả dần trong thời hạn 36 tháng, mỗi tháng trả 1,4 triệu đồng.

Tháng 5.2022, Công ty Mirae Asset bán khoản nợ 46 triệu đồng của ông T. cho Công ty Mua bán nợ DSP. Nhân viên thu hồi nợ gọi điện thoại cho ông Triển không được, liền gọi cho vợ ông này, đe dọa nếu không trả tiền sẽ làm hại cả gia đình.

Các bị cáo còn cắt ghép hình ảnh 2 con gái của ông Triển, trong đó vu khống một người đang là sinh viên đại học “ăn chơi, sử dụng ma túy và có thai”. Lo sợ gia đình bị bôi xấu, vợ chồng ông T. đồng ý trả nợ với số tiền gần 47 triệu đồng.

Một trường hợp khác là anh Phạm Xuân H. (32 tuổi, trú tại Phú Thọ), vay 30 triệu đồng của Công ty Mirae Asset vào đầu năm 2017. Anh H. trả tiền được 4 tháng thì mất khả năng thanh toán. Công ty Mirae Asset bán khoản nợ này cho Công ty Mua bán nợ DSP.

Nhân viên thu hồi nợ sau đó gọi điện cho nữ đồng nghiệp của anh H. để gây sức ép trả nợ. Đối tượng còn thêm số điện thoại và thông tin của đồng nghiệp anh H. vào các hội nhóm đồi trụy để bôi nhọ danh dự, đe dọa sát hại con gái anh H. nếu không trả tiền… Quá lo sợ, anh H. đến trụ sở Công ty Mua bán nợ DSP trả 55 triệu đồng.

Không xử lý Công ty Mirae Asset

Viện kiểm sát xác định, với các thủ đoạn như đã nêu, từ tháng 7.2018 – tháng 8.2022, Lê Quốc Thống cùng đồng phạm mua lại hơn 238.000 hợp đồng vay từ Công ty Mirae Asset, tổng giá trị hơn 3.555 tỉ đồng. Trong đó, các bị cáo đã đòi nợ được hơn 571 tỉ đồng.

Đến nay, Thống đã bỏ trốn. Vợ của Thống cũng xuất cảnh ra nước ngoài, hiện chưa có thông tin nhập cảnh, chưa thu thập được lời khai nên cơ quan điều tra tách hồ sơ xử lý sau.

Đối với Công ty Mirae Asset, kết quả điều tra xác định khi bán nợ xấu cho các công ty của Thống, doanh nghiệp này không biết về hành vi cưỡng đoạt tài sản của các nhân viên thu hồi nợ, lãi suất các khoản vay đều dưới 100%/năm, nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Với nhóm nhân viên thu hồi nợ chuyên cắt ghép hình ảnh, do các hình ảnh này đã được gỡ bỏ sau khi khách vay trả tiền, khách vay cũng không đề nghị xử lý về hành vi vu khống hoặc làm nhục, nên chưa có đủ căn cứ để xử lý.