Kiểm toán Nhà nước kiến nghị điều chỉnh chính sách về ưu đãi người có công

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị điều chỉnh chính sách về ưu đãi người có công

bởi

trong

Lúng túng vì thiếu quy định đồng bộ

Năm 2024, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề toàn ngành việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021 – 2023, tại Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (nay đã giải thể) và các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Gia Lai.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị điều chỉnh chính sách về ưu đãi người có công

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công

Kết quả kiểm toán cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công chưa quy định đầy đủ đối tượng thụ hưởng chế độ ưu đãi theo thực tiễn phát sinh, hoặc chưa quy định thống nhất giữa Pháp lệnh và các nghị định hướng dẫn. Điều này khiến các địa phương vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công.

Cụ thể, các nghị định của Chính phủ ban hành chậm so với thời điểm Pháp lệnh ưu đãi người có công có hiệu lực, dẫn tới các địa phương chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời về trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu, thời điểm hưởng… đối với từng đối tượng thụ hưởng, hoặc các đối tượng có cùng chế độ ưu đãi nhưng được hưởng tại các thời điểm khác nhau.

Một số đối tượng thực tế có công đóng góp cho cách mạng nhưng theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, thì chưa được hưởng chế độ ưu đãi người có công, hoặc thân nhân là người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học hiện chưa được hưởng chế độ chính sách theo yêu cầu tại Chỉ thị 14-CT/TW.

Đoàn kiểm toán cũng chỉ ra thực trạng, người dân giúp đỡ cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, tham gia giúp đỡ cách mạng trong vùng bị rải chất độc hóa học, nay mắc các bệnh tật, hoặc có con đẻ bị dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, hoặc bản thân họ bị địch bắt tù đày, nhưng hiện chưa được hưởng chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày (chỉ được hưởng chế độ đối với người có công giúp đỡ cách mạng).

Kiểm toán Nhà nước còn nêu rõ một loạt bất cập trong Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đơn cử, quy định chưa bao quát hết các đối tượng thân nhân người có công theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng.

Nghị định này quy định trợ cấp tuất hàng tháng đối với con người có công bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng kèm thêm các điều kiện (khoản 4 điều 121), trong khi Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH chỉ quy định thân nhân người có công bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng thì được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng.

“Việc quy định thêm sẽ làm giảm đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công, tăng thủ tục hành chính, phát sinh chi phí giám định và thời gian của người được thụ hưởng”, báo cáo kiểm toán nêu rõ.

Chính sách hỗ trợ người có công chưa đảm bảo

Kết quả kiểm toán cho thấy, các quy định liên quan đến mức hưởng hỗ trợ cùng kinh phí từ ngân sách cho đầu tư nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, việc điều chỉnh mức hỗ trợ… cũng còn nhiều bất cập.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị điều chỉnh loạt chính sách về ưu đãi người có công - Ảnh 2.

Đến năm 2030, 100% người có công và gia đình người có công sẽ có mức sống trung bình khá trở lên, được chăm lo toàn diện về vật chất, tinh thần

Điều này được thể hiện rõ trong Nghị định 75/2021/NĐ-CP và Nghị định 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021/NĐ-CP.

Đoàn kiểm toán chỉ ra, mức hưởng trợ cấp hàng tháng của một số đối tượng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, cần nghiên cứu xem xét, điều chỉnh.

Cụ thể, cùng tỷ lệ tổn thương cơ thể nhưng đối tượng người có công lại thấp hơn đối tượng bảo trợ xã hội (chưa kể cấp phát trang thiết bị bằng hiện vật); hoặc chưa phù hợp giữa đối tượng thương binh, bệnh binh có cùng tỷ lệ tổn thương cơ thể đang sống ở gia đình và tại cơ sở điều dưỡng.

Ngoài ra, còn một số khoản hỗ trợ chưa phù hợp thực tiễn và lộ trình tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi, tiền lương cơ sở qua các năm. Mức hỗ trợ trang cấp phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện phục hồi chức năng vẫn được thực hiện từ năm 2018 đến nay chưa điều chỉnh trong khi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi tăng 36%…

Từ hàng loạt bất cập trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần rà soát cơ chế, chính sách hiện hành, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách ưu đãi người có công, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công theo Nghị quyết 42-NQ/TW; tham mưu trình Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị định 75/2021/NĐ-CP, Nghị định 55/2023/NĐ-CP, Nghị định 131/2021/NĐ-CP…

Tại Nghị quyết 42-NQ/TW, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đặt ra mục tiêu: đến năm 2030, 100% người có công và gia đình người có công sẽ có mức sống trung bình khá trở lên, được chăm lo toàn diện về vật chất, tinh thần.