Nhà hát Opera Hà Nội diện tích 45.000 m2 với thiết kế mái vòm mô phỏng theo kết cấu vỏ trứng, công năng đa dạng được định vị là công trình biểu tượng mới tại Hồ Tây.
Ứng dụng các nguyên lý toán học và vật lý phức tạp
Nhà hát Opera Hà Nội do kiến trúc sư Renzo Piano – người từng đoạt giải Pritzker – thiết kế. Công trình có tổng diện tích sàn 45.000 m2, gấp 6 lần diện tích sân bóng đá 11 người, gồm hai khán phòng với hơn 2.800 chỗ ngồi. Trong đó, khán phòng opera có 1.805 chỗ – lớn gấp ba lần Nhà hát Lớn Hà Nội, khán phòng đa năng chứa từ 1.010 đến 2.000 chỗ, tùy mục đích tổ chức.

Nhà hát Opera Hà Nội mang cảm hứng sóng nước Hồ Tây. Ảnh: Ánh Dương
Điểm nhấn của công trình là mái vòm lấy ý tưởng từ sóng nước hồ Tây và vẻ đẹp của ngọc trai. Theo kiến trúc sư, hình dạng của mái vòm có vẻ tự do và ngẫu hứng, nhưng được thiết kế bởi các nguyên lý toán học và vật lý vô cùng phức tạp.
Hệ mái vòm dài và rộng hơn 130 m, nhịp vượt lên tới 80 m, được chống đỡ bởi bốn cột chính và phần mép mái. Cấu trúc mái được tạo thành từ các vòm đơn liên kết, áp dụng hình học dây xích catenary – nguyên lý truyền lực thường thấy trong kết cấu vỏ trứng, giúp tối ưu khả năng chịu lực.
Mái được thi công bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, độ dày phần mỏng nhất chỉ 250 mm. Bề mặt phủ lớp ceramic hiệu ứng ngọc trai, có khả năng phản chiếu ánh sáng và màu sắc môi trường, tạo hiệu ứng thị giác thay đổi theo thời gian trong ngày.
Theo đơn vị thi công, để hiện thực hóa thiết kế, đội ngũ kiến trúc đã sử dụng các phần mềm mô phỏng tiên tiến, phân tích phần tử hữu hạn và phi tuyến theo lịch sử thời gian. Các thử nghiệm hầm gió, động đất và địa kỹ thuật cũng đã được triển khai, đảm bảo tuổi thọ công trình tối thiểu 100 năm.

Kiến trúc sư Renzo Piano (áo xanh) và các cộng sự thảo luận về kiến trúc nhà hát Opera Hà Nội. Ảnh: Ánh Dương
Nội thất đáp ứng tiêu chuẩn biểu diễn quốc tế
Khán phòng opera được trang bị hệ thống tấm acoustic có thể điều chỉnh bằng cơ khí. Mỗi loại hình nghệ thuật như opera, hòa nhạc, ba-lê hay hội thảo các tấm acoustic sẽ được điều khiển đóng, mở, lên xuống theo các hướng và vị trí khác nhau, để đảm bảo độ phản xạ âm, hút âm và thời gian âm vang phù hợp với yêu cầu của từng show.

Nội thất nhà hát được thiết kế dành cho những màn trình diễn nghệ thuật tầm cỡ thế giới. Ảnh: Ánh Dương
Đơn vị thi công cho biết, đây là công nghệ hiện đại dành cho các nhà hát có nhiều loại hình trình diễn nghệ thuật khác nhau trên thế giới, có thể đáp ứng những tiêu chuẩn trình diễn khắt khe nhất của các ngôi sao âm nhạc hàng đầu quốc tế.
Bên cạnh đó, nhằm tăng tính cách âm đến mức độ cao nhất cho nhà hát, các khán phòng và phòng tập của nhà hát đều được thiết kế theo mô hình “box in box”. Theo đó, mỗi phòng trong nhà hát được thiết kế giống như một chiếc hộp, và nhà hát là một khối các hộp được xếp lại với nhau, gắn kết bằng một khoảng đệm cách âm quy định.
Để có thể đáp ứng được mọi loại hình nghệ thuật, các chương trình khác nhau với độ phức tạp không giống nhau, các khán phòng nhà hát sử dụng công nghệ linh hoạt điều chỉnh ghế ngồi tự động, giúp không gian có thể mở rộng tối đa, để phục vụ các chương trình quy mô lớn.
Ngoài hai khán phòng chính, nhà hát tích hợp các không gian chức năng như phòng diễn tập, khu triển lãm, bảo tàng, khu dịch vụ… theo mô hình tổ hợp văn hóa – giải trí hiện đại. Nhà hát hướng tới phục vụ cả mục tiêu biểu diễn nghệ thuật lẫn phát triển du lịch văn hóa quy mô lớn.
Theo kiến trúc sư Renzo Piano, nhà hát được kỳ vọng sẽ là một không gian nghệ thuật đẳng cấp và sáng tạo, thu hút các nghệ sĩ lừng danh và du khách từ khắp nơi trên thế giới về với Hà Nội.
“Tôi muốn đưa nhà hát ở Hồ Tây vào danh sách các nhà hát nổi tiếng nhất trên thế giới như tại Paris, Milan, Berlin, London, New York, Los Angeles…”, kiến trúc sư chia sẻ.
Minh Ngọc