Kinh tế tư nhân được nghĩ lớn, làm lớn

Kinh tế tư nhân được nghĩ lớn, làm lớn

bởi

trong
Kinh tế tư nhân được nghĩ lớn, làm lớn

Dây chuyền sản xuất ô tô của Thaco – Ảnh: HỮU HẠNH

Theo ông Hiếu, nghị quyết 68 có ba thông điệp chính gồm: giảm phiền hà; tăng sự bảo vệ về quyền, tài sản và việc thực thi hợp đồng cho doanh nghiệp và thông nguồn lực với kinh tế tư nhân (KTTN). Đây cũng là bước ngoặt thứ ba trong quá trình phát triển khu vực KTTN ở Việt Nam.

Nghị quyết 68 có điểm mới đầu tiên là quan điểm về vị trí, vai trò của KTTN thay đổi và khẳng định luôn đây là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế – xã hội. Điểm mới nữa là nghị quyết nhắm đến việc thay đổi tư duy toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng nhất của KTTN, kiên quyết xóa các định kiến về KTTN.
Đại biểu PHAN ĐỨC HIẾU

Bước ngoặt về chất trong phát triển KTTN

* Thưa ông, hai bước ngoặt trước đây về phát triển KTTN và bước ngoặt lần này khác nhau như thế nào?

kinh tế tư nhân - Ảnh 2.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU

– Bước ngoặt đầu tiên là những năm 1988, 1989 với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, Luật Công ty 1990. 

Doanh nghiệp tư nhân từ chỗ không được thừa nhận sang cho phép tham gia sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực. Bước ngoặt thứ hai (giai đoạn những năm 1990 – 2000) với sự ra đời Luật Doanh nghiệp “mở trói” doanh nghiệp tư nhân từ chỗ chỉ được phép hoạt động một số ngành nghề sang được phép làm những gì luật không cấm hoặc hạn chế. 

Bước ngoặt quan trọng này tạo sự cải cách mạnh mẽ về thành lập và số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường. Quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp cắt giảm, dần được đơn giản hóa.

Có thể nói bước ngoặt đầu tiên thừa nhận, bước ngoặt thứ hai tạo ra sự bùng nổ về số lượng, tạo nên lực lượng doanh nghiệp tư nhân như hiện nay, dù chưa đạt kỳ vọng. Còn bước ngoặt thứ ba này tạo ra sự thay đổi về chất, thể hiện rõ mục tiêu nâng cao chất lượng khu vực KTTN, đảm bảo là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

* Trong ba thông điệp chính của nghị quyết, ông có nhắc đến thông điệp giảm phiền hà…

– Ba thông điệp chính được thấy rõ qua nghị quyết. Thông điệp đầu tiên giảm phiền hà, cắt giảm giấy phép kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp… Đáng chú ý nhất là chuyển cơ bản tư duy xây dựng, thực thi chính sách sang nguyên tắc hậu kiểm. Đồng thời yêu cầu giảm các quy định về gia nhập thị trường, điều kiện kinh doanh, giấy phép… để đảm bảo quyền tự do kinh doanh. 

Doanh nghiệp không phải trả lời câu hoạt động theo quy định nào, ngược lại hỏi câu việc làm đó có bị cấm không. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải dựa trên quyền tự do kinh doanh. Nếu doanh nghiệp làm chưa đúng phải tư vấn, hỗ trợ để doanh nghiệp làm cho đúng chứ không phải cấm doanh nghiệp làm. Việc gì chưa có, chưa đúng quy định sẽ không cấm mà phải hỗ trợ doanh nghiệp.

* Còn thông điệp khơi thông nguồn lực với KTTN thì sao, thưa ông?

– Thông điệp này rất mạnh mẽ trong nghị quyết. Nghị quyết lần này tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ về tiếp cận nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực. Quan trọng hơn là khơi thông cơ chế giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả. Có những hợp đồng trị giá nhiều triệu USD nếu bị tranh chấp sẽ tồn đọng nguồn vốn rất lớn của doanh nghiệp.

Do vậy, việc thúc đẩy các cơ chế để giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh, hiệu quả, thi hành án nhanh trong ba tháng sẽ tạo nguồn lực rất lớn để doanh nghiệp phát triển. 

Thêm vào đó, khi nâng cao, đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính sẽ tạo gia tăng vòng quay của tiền. Nếu một dự án mà thời gian xin cấp giấy phép lâu hơn thời gian thi công thì không được. Do đó thực hiện được sẽ nâng cao hiệu quả, nguồn lực rất lớn.

Không để doanh nghiệp tư nhân lo “rủi ro về thể chế”

* Vậy việc tăng sự bảo vệ về quyền, tài sản và việc thực thi hợp đồng cho doanh nghiệp được thể hiện như thế nào trong nghị quyết?

– Tăng sự bảo vệ ở đây gồm: bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN. Nội dung quan trọng này quy định một mục riêng. Việc này rất quan trọng, đáp ứng đúng lo lắng nhất của doanh nghiệp hiện nay là “rủi ro về thể chế”. 

Việc này dẫn đến doanh nghiệp sợ không dám làm hoặc không dám làm lớn. Trong kinh doanh không tránh khỏi sai lầm sai sót, nhưng nếu mắc phải sẽ không có cơ hội để làm lại. Sự bảo vệ sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và phát triển bền vững.

Phân tích rõ hơn, việc tăng cường bảo vệ đầu tiên thể hiện quan trọng quan điểm xử lý các sai phạm tùy theo mức độ. Trong đó, nếu buộc phải xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước, làm căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. 

Các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội khi điều tra, xét xử các vụ án giúp cho doanh nghiệp có cơ hội làm lại.

Quan trọng hơn, nghị quyết quy định phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án. Phân biệt rõ giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp. 

Quy định tách bạch rõ ràng của nghị quyết sẽ rất tốt, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn, mạnh mẽ hơn, sai có thể sửa sai, trách nhiệm rõ ràng. Thậm chí về lâu dài có thể hình dung trong quản trị công ty sẽ chủ động sàng lọc các cá nhân có đạo đức, kinh doanh không tốt. Đây là điều văn minh trong kinh doanh.

Từ nghị quyết đến xây dựng luật

Ông Hiếu cho rằng hiện trong các báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đều đề nghị Chính phủ phối hợp để rà soát lại các dự án luật mà Chính phủ đã, đang trình Quốc hội để xem có thể thể chế hóa ngay các nội dung ở nghị quyết của Bộ Chính trị. Chẳng hạn có thể lấy ngay tinh thần nghị quyết để rà soát, thể chế trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, sửa Luật Đầu tư…

Phát biểu tại thảo luận tổ chiều 6-5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội để có nghị quyết nhằm giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc cho KTTN phát triển. Cùng với đó, tiến tới cũng phải xây dựng luật về phát triển KTTN và đó sẽ là tiến một bước xa hơn.

Doanh nghiệp sẵn sàng suy nghĩ lớn trong bối cảnh nghị quyết cởi mở hơn

Kinh tế tư nhân được nghĩ lớn, làm lớn - Ảnh 3.

Cần các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ – Ảnh: N.KHANG

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, qua trao đổi với doanh nghiệp những ngày qua, ông thấy không khí, tinh thần rất phấn khởi nên việc thực thi kịp thời, đầy đủ, nhất quán nghị quyết này càng sớm bao nhiêu thì tác động tích cực càng nhân lên bấy nhiêu.

Cũng theo ông Hiếu, doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng suy nghĩ về kế hoạch sản xuất kinh doanh sắp tới trong bối cảnh có nghị quyết cởi mở hơn. Tư duy quản lý sắp tới sẽ thay đổi, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và duy trì một trật tự cạnh tranh, công bằng, bình đẳng, quyết liệt.

Khi cải cách thể chế được cởi mở, mức độ cạnh tranh cao hơn, khốc liệt hơn nên doanh nghiệp nào không chủ động đổi mới, sáng tạo, kinh doanh, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mô hình kinh doanh mới… khả năng bị đào thảo lớn hơn rất nhiều.

Như vậy, doanh nghiệp không có cách nào khác là phải chủ động ngay từ bây giờ; có chiến lược, kế hoạch, thay đổi sản phẩm, nâng cao mô hình kinh doanh, kỹ năng kinh doanh, sẵn sàng cho sự cạnh tranh và đào thải. Phải nâng cao quản trị doanh nghiệp…