
Hàng ngàn người với những trái tim nóng hổi hướng về ngày lễ trọng đại của đất nước – Ảnh: NAM TRẦN
Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong báo cáo công bố cuối năm ngoái, HSBC đã gọi Việt Nam là “ngôi sao tăng trưởng” Đông Nam Á.
Điều ấn tượng về kinh tế Việt Nam sau 50 năm
Nhấn mạnh với Tuổi Trẻ, PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thấy nhiều điểm ấn tượng khi nhìn lại nền kinh tế Việt Nam sau 50 năm.
* Ông Khương nói:
– Điều ấn tượng sâu sắc của Việt Nam là mức độ hội nhập toàn cầu, chú trọng vào phát triển ngành chế tạo, nắm bắt công nghệ số, bước tiến vượt bậc về tư duy phát triển và nỗ lực bước vào kỷ nguyên cất cánh.
Việt Nam vươn lên thành một quốc gia có vị thế cao không chỉ về tiềm năng mà còn về “thế năng và động năng”.
Thế năng thể hiện vị thế của ta trong giao dịch với các nền kinh tế lớn; Động năng cho thấy lực hấp dẫn của ta với các nhà đầu tư nước ngoài và nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt.
1986-1990 | 4.4 |
---|---|
1991-1995 | 8.2 |
1996-2000 | 7.6 |
2001-2005 | 7.34 |
2006-2010 | 6.32 |
2011-2015 | 5.9 |
2016-2020 | 6.8 |
2021-2024 | 5.66 |
Sự chú trọng vào phát triển ngành chế tạo và nắm bắt công nghệ số trong những thập kỷ đổi mới vừa qua đã giúp Việt Nam từ mức rất thấp kém hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á tương đồng trong những năm đầu của đổi mới, nay vượt Indonesia, Philippines và tiệm cận với Thái Lan về các chỉ số như giá trị gia tăng và xuất khẩu trên đầu người của ngành chế tạo, mức độ phổ cập và tốc độ truyền Internet.

Ông Vũ Minh Khương
Sự ấn tượng ở tâm thế mới của quốc gia: Người Việt Nam – từ lãnh đạo đến người dân – đã trở nên rộng mở, tự tin và đầy khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Bộ máy trở nên tinh gọn và quyết đoán: Việc sáp nhập tỉnh thành và cải tổ bộ máy công quyền, tạo bước tiến vượt bậc về không gian và tầm nhìn cho công cuộc phát triển trong thời gian tới.
* Nhưng hẳn sẽ khó tránh những điểm tiếc nuối khi nhìn lại, thưa ông?
– Việt Nam dù đã tạo nên những bước tiến rất ấn tượng, nhưng chưa đạt mức ‘thần kỳ’. Bước tiến có được là nhờ sáng suốt nắm bắt xu thế toàn cầu, khai thác mạnh mẽ tiềm năng sẵn có, và tính năng động dũng cảm trong cởi trói – phá rào.
Thế nhưng những điểm mạnh này không đủ để Việt Nam vươn tới đẳng cấp của một nền kinh tế thần kỳ vì chúng ta chưa thực sự trỗi dậy.
Một trong những lực cản là sự thiên lệch, thiếu tầm của chúng ta trong vận dụng các nguyên lý phát triển.
Chẳng hạn, sự thiên lệch về quản lý và coi nhẹ quản trị làm cả xã hội, chúng ta quá vất vả với tháo gỡ và xoay xở; nó làm mất đi năng lượng và cơ hội kiến tạo giá trị, thôi thúc hiệp đồng tạo sức mạnh cộng hưởng để đi đến tầm nhìn tương lai.
Thêm nữa, nền kinh tế của chúng ta có đi nhanh nhưng dễ tổn thương trước biến động toàn cầu. Một ví dụ, từ năm 2010 đến 2022, tính trên bình quân đầu người, giá trị xuất khẩu hàng chế tạo của ta tăng hơn 9 lần, trong khi giá trị gia tăng tương ứng chỉ tăng có 2,5 lần.
Nó cho thấy ta có lớn nhanh nhưng lại rất chậm ở với nhịp độ tăng trưởng.
Một thiên lệch nữa rất đáng suy nghĩ, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân là nặng về tích góp tài sản hơn là để lại di sản. Những vụ án chấn động như FLC, Vạn Thịnh Phát… là rất đáng suy nghĩ.
Làm sao để Việt Nam có nhiều hơn doanh nghiệp 50 năm tuổi?
* Ông có khuyến nghị gì cho thời gian tới, thậm chí là 50 năm nữa?
– Để vượt qua các thách thức nêu trên, tôi cho rằng cần hoàn chỉnh chỉnh thể đột phá gồm năm thành phần.
Thứ nhất, thiết lập một tầm nhìn rõ ràng và thôi thúc về tương lai – năm 2045. Tầm nhìn này cần được cụ thể hóa ở các phương diện như nền tảng quản trị, thiết chế quản lý, cùng các chỉ số cốt lõi của phát triển: năng suất lao động, mức độ hiện đại hóa đô thị và các ngành công nghiệp, cũng như vị thế toàn cầu trong đổi mới sáng tạo và các chuỗi giá trị.
Thứ hai, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu sắc, toàn diện và chủ động. Hội nhập không chỉ dừng ở thu hút FDI để tạo việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu như các giai đoạn trước, mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến việc học hỏi tinh hoa quốc tế.
Thứ ba, cải cách thể chế và xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú, đáp ứng hiệu quả yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.
Trong nội dung này, cần đặc biệt chuyển mạnh mô hình “quản lý” nặng về quy định thủ tục sang “quản trị”, hướng về mục tiêu đi nhanh tới tầm nhìn tương lai, kiến tạo giá trị, tổng lực vươn lên.
Thứ tư, đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng năng lượng, giao thông, logistics, các tuyến huyết mạch và hạ tầng số.
Thứ năm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu đổi mới sáng tạo và quá trình nâng cấp nhanh chóng của nền kinh tế.
* Xuyên suốt quá trình phát triển là động lực đến từ doanh nghiệp tư nhân. Nhưng điều còn lưu tâm là số lượng doanh nghiệp Việt tồn tại 50 năm còn “đếm trên đầu ngón tay”, cần gì để thúc đẩy, thưa ông?
– Một nền quản trị quốc gia mạnh thể hiện 5 điểm lớn. Thứ nhất, tầm nhìn về tương lai và chiến lược hành động. Thứ hai, hệ thống thể chế và cấu trúc bộ máy phải thông suốt cho nỗ lực hiệp đồng, quyết định nhanh chóng và huy động sức mạnh tổng lực.
Thứ ba, lựa chọn người lãnh đạo các bộ ngành yểm trợ doanh nghiệp có đủ ba phẩm chất cốt lõi: tầm nhìn; lòng hiến dâng, và tính thực tiễn. Họ có thể tạo lòng tin và có sức thôi thúc rất cao với giới doanh nghiệp.
Thứ tư, đó là cơ chế khuyến khích, đãi ngộ cho doanh nghiệp cũng như cán bộ nhà nước
Thứ năm, đó là văn hóa phát triển. Làm sao xã hội tưởng thưởng và trân trọng đầu tư hơn đầu cơ; sáng tạo đột phá hơn tìm kiếm quan hệ vụ lợi.