
Hiện trạng sạt lở đất gây nguy hiểm cho công trình Trạm cắt 220kV Bờ Y tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum – Ảnh: T.L.
Ngày 28-4, UBND tỉnh Kon Tum cho biết ông Lê Ngọc Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh, đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp do thiên tai để khắc phục tình hình sạt lở đất mái ta luy âm khu vực công trình Trạm cắt 220kV Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.
Trước đó do mưa liên tục giai đoạn tháng 6 đến tháng 9-2024 làm nền đất bão hòa, dẫn tới ngã đổ 40m tường chắn bê tông cốt thép gây sạt lở đất trên mái ta luy khu vực đất đắp tại Trạm cắt 220kV Bờ Y.
Theo Ban Quản lý dự án điện 2 – Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện tượng sạt lở có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống truyền tải điện quốc gia và gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở hạ tầng, thiết bị công trình thuộc trạm cắt kèm các đường dây đầu nối.
Do đó ban đã có tờ trình kiến nghị tỉnh Kon Tum công bố tình huống khẩn cấp khắc phục hiện trạng sạt lở đất mái ta luy âm công trình.
Vì sao việc sạt lở xảy ra từ năm ngoái mà đến nay mới kiến nghị ban bố tình huống khẩn cấp? Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ Online, đại diện Ban Quản lý dự án điện 2 cho biết do cần đẩy nhanh tiến độ thủ tục để thực hiện dự án khắc phục sự cố nêu trên trước mùa mưa 2025 đang đến gần, đảm bảo an toàn cho trạm cắt, do đó ban đã có kiến nghị như trên.
Về biện pháp khẩn cấp cần áp dụng để khắc phục hậu quả, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Ban Quản lý dự án điện 2 báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ quy định của pháp luật tổ chức lập dự án, huy động nguồn lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để khắc phục hiện trạng sạt lở đất mái ta luy âm công trình.
Trước đó, Trạm cắt 220kV Bờ Y vừa hoàn thành đóng điện đã bị sạt lở nghiêm trọng mái ta luy âm. Công trình được xây đắp trên khu vực đồi cao, một phần vươn ra dốc đồi.
Sau thời gian ngắn đưa vào vận hành, phần mái ta luy âm bất ngờ bị sạt trượt rộng hàng trăm mét vuông, đất đá sạt xuống bên dưới. Có vị trí sạt lở đã ăn tới nền móng trạm cắt rất nguy hiểm.
Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, giao cho Ban Quản lý dự án điện 2 quản lý điều hành. Đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4. Nhà thầu thi công là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.
Dự án có vốn đầu tư hơn 180 tỉ đồng, với mục đích nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 ở Lào về Việt Nam. Khởi công vào tháng 4-2022 và đến tháng 4-2023 hoàn thành đóng điện.