Hãng AFP ngày 21.7 đưa tin ông Avni Dehari, người đang tạm đứng đầu cơ quan lập pháp Kosovo với tư cách nghị sĩ lớn tuổi nhất, thông báo phiên họp cơ quan lập pháp phải hoãn và tiếp tục vào ngày 23.7, sau khi kết quả bỏ phiếu cùng ngày vẫn chưa chọn được chủ tịch.
Sự bế tắc trên đến từ việc đảng Vetevendosje (VV) của ông Albin Kurti, lãnh đạo cơ quan hành pháp lâm thời, đã không tập hợp được đủ đồng minh tại cơ quan lập pháp để bỏ phiếu cho ứng viên Albulena Haxhiu.

Một phiên họp tại cơ quan lập pháp Kosovo hồi tháng 4 để bỏ phiếu bầu lãnh đạo
ẢNH: REUTERS
Các đảng đối lập kêu gọi ông Kurti đổi ứng viên vì cho rằng bà Haxhiu, cựu lãnh đạo Cơ quan Tư pháp Kosovo, là một nhân vật gây chia rẽ. Tuy nhiên, ông Kurti đã từ chối thỏa hiệp.
Nếu không bầu được lãnh đạo, cơ quan lập pháp Kosovo sẽ không thể được thành lập, cũng như không bầu ra được chính phủ mới. Đảng VV đã dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2, tuy nhiên kể từ đó nghị sĩ đảng này hay các đảng đối lập đều không thể thỏa hiệp để thành lập quốc hội.
Giới quan sát nhận định bế tắc chính trị tại Kosovo có thể dẫn đến một cuộc bầu cử đột xuất nếu cứ tiếp tục không lập ra chính phủ. Nhằm nỗ lực chấm dứt tình trạng bế tắc, Tòa án Hiến pháp Kosovo hồi tháng 6 đã ra phán quyết yêu cầu phải thành lập cơ quan lập pháp trước ngày 26.7.
“Các nghị sĩ phải hoàn thành nghĩa vụ hiến định của mình đối với việc thành lập cơ quan lập pháp Kosovo, thông qua việc bầu lãnh đạo và các phó lãnh đạo”, theo tuyên bố từ tòa án.
Hiện tại, các bên vẫn chưa đạt được tiến triển trong việc tìm kiếm một sự thỏa thiệp, dù hạn chót tòa án đưa ra đã đến gần.