
Đề thi một số môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 quá khó đã để lại dư âm nặng nề trong những ngày qua. Học sinh giỏi, tự tin khi bước vào kỳ thi bỗng trở nên hoang mang về chính mình khi hoàn thành kỳ thi với môn tiếng Anh và toán. Rất nhiều lời cảm thán rằng cách thi đang khó hơn rất nhiều những gì mà giáo viên đã dạy, học sinh đã học; khó hơn sách giáo khoa, thậm chí là chuẩn chương trình.
Dù Bộ GD-ĐT giải thích, khẳng định không có đề thi môn nào vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; nhưng nếu chính người học và cả người dạy thấy nội dung kỳ thi tốt nghiệp THPT lại trở nên xa lạ với những gì trường phổ thông đang dạy học thì có lẽ câu chuyện không chỉ là cách thức ra đề.
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã đi qua một chu kỳ với rất nhiều kỳ vọng, trong đó thay đổi lớn nhất là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang mục tiêu hình thành phẩm chất, năng lực của người học.
Vậy mà cách thi theo hướng đánh giá năng lực, những bài toán, bài văn và tình huống nêu trong đề thi yêu cầu người học liên hệ với thực tiễn để giải quyết các vấn đề thực tiễn lại khiến thí sinh bất ngờ, lúng túng. Nhiều giáo viên cũng nói, có những câu hỏi không làm được, không làm kịp…
Điều đó cho thấy, kỳ thi không chỉ để đánh giá người học mà còn soi chiếu trực tiếp vào chính công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT” của ngành giáo dục. Rất nhiều lần cải cách giáo dục trong lịch sử đều rút ra một bài học, đó là sự đổi mới của nhà trường, của đội ngũ, của sự đầu tư cho giáo dục luôn đi sau đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Có vẻ, lần này cũng đang lặp lại.
Những lo lắng, phản biện về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhưng khắp nơi thiếu trầm trọng giáo viên, chất lượng đội ngũ chênh lệch, ngân sách chi cho giáo dục không chạm tới ngưỡng tối thiểu,… dường như đang bộc lộ từ chính những hoang mang của người học sau kỳ thi vừa qua.
GS Đỗ Đức Thái, thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng đánh giá giáo dục, trong đó có phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Nó có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông, thực hiện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh.
“Đối với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần tạo dựng niềm tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về giá trị mà học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời của học sinh sau này; từ đó động viên, lôi cuốn học sinh vào môn học. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học để đạt được điều đó, không thể dùng biện pháp hành chính: bắt buộc thi để buộc học sinh phải học”, GS Thái chia sẻ.
Lấy cách thi để “ép” ngược trở lại việc dạy – học hay đổi mới dạy học đủ yên tâm rồi mới thay cách thi luôn là chủ đề gây tranh cãi. Dù thế nào, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua xem như là một kỳ kiểm tra những đổi mới về chính sách có đồng hành cùng sự chuyển động giáo dục ở từng cơ sở. Từ đó có những điều chỉnh để những kỳ thi quan trọng không gây áp lực nặng nề cho học sinh.