Ký ức những lần tách nhập tỉnh – Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Ký ức những lần tách nhập tỉnh – Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

bởi

trong
Ký ức những lần tách nhập tỉnh – Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Bức tranh đô thị Đà Nẵng thay đổi hẳn sau 28 năm chia tách – Ảnh: B.D.

Lịch sử luôn có quy luật để tiến lên

Những ngày cuối tháng 3, trang nhất số báo cuối tuần báo Đà Nẵng có dòng title làm nhiều người rưng rưng: “Đất Quảng quê mình”. Tựa đề như lời hiệu triệu, nhắn nhủ những người con cùng một mẹ chuẩn bị hành trang cho ngày trở về sau thời gian dài chia xa.

Ông Nguyễn Minh Hùng (66 tuổi) – nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, hiện là chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng – là một trong những cựu cán bộ từng làm việc ở giai đoạn trước chia tách, sau chia tách và cho tới nay trước dấu mốc tái hợp lại của Quảng Nam, Đà Nẵng.

Theo ông Hùng, trước mốc ngày 1-1-1997 Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn còn là một tỉnh. Năm 1996 trung ương bắt đầu đưa ra các thông tin chia tách thành hai địa phương. Lúc đó bức tranh Quảng Nam – Đà Nẵng rất khác hiện nay. Địa giới kéo dài, dân số phân tán rộng nên đặc biệt khó khăn cho việc quản lý, điều hành, đi lại.

Ông Hùng cho biết trước năm 1995 ông dạy học ở Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn. Thời điểm đó Quảng Nam – Đà Nẵng chưa tách tỉnh. Năm 1995, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam – Đà Nẵng điều ông về làm chuyên viên.

Ngày 1-1-1997, Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách. Ông Hùng cùng sáu anh em khác trong ngành giáo dục được điều động vào làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam – nơi cách xa nhà hơn 70km.

Theo ông Hùng, bối cảnh lúc đó cho thấy việc chia tách là một quyết định sáng suốt. Cũng một phần nhờ đó mà có bộ mặt Đà Nẵng hiện đại, trẻ trung, năng động – một TP không ngủ ở miền Trung cùng một Quảng Nam vươn mình vào top thu ngân sách lớn nhất nước hiện nay.

“Giai đoạn 1997 là lúc mà Việt Nam đang dần tiếp cận với Internet. Dù vậy đa phần công việc, thông tin đều được thực hiện thủ công. Trung tâm điều hành nằm ở TP Đà Nẵng trong khi đơn vị cơ sở cách đó cả mấy trăm cây số. Muốn chuyển công văn, chỉ đạo hay mời họp hành gì cũng mất cả tuần mới tới chứ không theo kiểu “kết nối thời gian thực” như bây giờ.

Tôi nhớ như in cả Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam Đà Nẵng lúc đó chỉ có năm cái máy tính bàn ọp ẹp. Điện thoại di động thì chỉ giám đốc và một phó giám đốc có. Việc nghe gọi cũng rất hạn chế vì ít ai có máy di động. Nếu không đưa bộ máy tới sát dân hơn thì tôi e là sẽ không phát triển được như hiện nay” – ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết khi được điều động vào Quảng Nam, đa phần anh em cán bộ đều thuận lòng bởi được sắp xếp vị trí công tác thuận lợi, phát huy năng lực nơi vùng đất mới.

Làm việc ở xa gia đình, cán bộ các cơ quan có nhà ở Đà Nẵng được tổ chức xe 16 chỗ đưa đón mỗi tuần về Đà Nẵng một lần với lịch trình chiều thứ bảy lên xe và sáng sớm thứ hai quay trở lại. Những ai ở lại cơ quan thì ở tập thể, cùng ăn uống ngay trong cơ quan.

“Từ khi tách sở thì trung tâm đầu não gần cơ sở hơn hẳn. Chỉ đạo triển khai họp hành hay đi cơ sở đều rút ngắn thời gian. Nhờ vậy mà tỉnh Quảng Nam phát triển bứt phá rất nhanh.

Tôi làm ở Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam 3 năm 5 tháng thì được chuyển về tiếp tục công tác lại Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng. Thời gian đó bộ mặt Quảng Nam thay đổi rất nhanh vì nguồn lực được đầu tư mạnh” – ông Hùng nói.

Quảng Nam - Ảnh 2.

Quảng Nam và Đà Nẵng về cùng nhà trong bối cảnh mới sẽ thêm điều kiện phát triển – Ảnh: B.D.

Quảng Nam hóa mình, Đà Nẵng cất cánh

Tháng 4 vừa qua, cả TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm quê hương hòa bình. Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong các buổi gặp mặt là sự thay đổi chóng vánh của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng sau 28 năm và những tất bật chuẩn bị cho ngày tái hợp.

Ông Huỳnh Hùng, nguyên giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết trước đây ông là cán bộ tại Phòng văn hóa thông tin thị xã Điện Bàn (thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng). Trước chia tách tỉnh ít tháng ông chuyển về làm việc tại Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng (nay là VTV8).

Là nhà báo và đạo diễn phim truyền hình, ông Huỳnh Hùng may mắn về Đà Nẵng đúng giai đoạn chia tách nên chứng kiến sự thay đổi của đô thị Đà Nẵng như một thước phim quay chậm. Ông nói thời điểm trước chia tách, do cùng một tỉnh nên nguồn lực buộc phải dàn trải.

Ngày chia tách, nhà thơ Thanh Thảo có bài viết miêu tả bức tranh Đà Nẵng mà ông Hùng nói rằng rất khớp.

Đó là Đà Nẵng như một cuốn sách mà phần gáy là sông Hàn chia đôi hai nửa đông – tây. Trong khi bờ tây khá bài bản thì phần đông (quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) lúc đó chỉ là dải đất lơ phơ cây cỏ, nhà chồ (các lán trại tạm bợ, xiêu vẹo trên mặt nước dọc sông Hàn, ven các vịnh).

“Toàn bộ phần Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn lúc đó toàn cỏ hoang, cây dại mọc lưa thưa. Dân chen nhau lúp xúp ở các nhà chồ nhìn rất xơ xác. Không ai nghĩ chỉ sau mấy năm tất cả đều biến thành một đô thị du lịch, các tòa khách sạn chọc trời mọc lên san sát như hiện nay” – ông Huỳnh Hùng nói.

Giai đoạn năm năm sau ngày chia tách là thời điểm chứng kiến sự đột phá ngoạn mục nhất của Đà Nẵng. Các dự án lớn được làm đồng loạt. Chính quyền có nhiều quyết sách lịch sử, mang dấu ấn từ các lãnh đạo giai đoạn đó mà táo bạo nhất là chính sách đổi đất lấy hạ tầng.

Các nguồn thu đều dồn để chỉnh trang đô thị, mở mang đường sá, quy hoạch các khu dân cư và đặc biệt là xây nhiều cây cầu cho tới ngày nay vẫn là dấu ấn như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi…

Với bộ máy của một đô thị và được trung ương quan tâm, Đà Nẵng đã tranh thủ thời cơ để phát triển nhanh, trở thành kiểu mẫu đô thị miền Trung.

Ngoài việc cải trang bộ mặt đô thị, nhiều chính sách lớn về an sinh xã hội cũng được đưa ra như chương trình “5 không 3 có”, chương trình hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ đơn thân, chính sách thu hút nhân tài…

Đặc biệt Đà Nẵng cũng tập trung nguồn lực rất lớn để mở rộng không gian đô thị, từ chỗ tập trung ở trung tâm đã lan tỏa ra các hướng. Tới nay quy mô đô thị Đà Nẵng gấp năm lần so với lúc mới tách tỉnh.

“Hiện nay đường Trần Phú, đường Bạch Đằng… đa phần đều được mở rộng và cải tạo từ giai đoạn đó. Không khí đổi mới, làm việc hừng hực xuyên suốt với quyết tâm đưa Đà Nẵng phát triển.

Không nhiều người tin rằng đường Bạch Đằng hiện nay rộng thoáng, mép sông có lối đi bộ vãn cảnh và làm không gian du lịch cho khách từng là bờ đất. Lãnh đạo Đà Nẵng lúc đó cho đóng cọc bê tông sát mép nước rồi mở rộng đường, bố trí vỉa hè, không gian đi bộ cho người dân và du khách.

Đà Nẵng đẹp được như ngày hôm nay có nhiều yếu tố nhưng có thể nói điều quan trọng nhất đó là việc trung ương chia tách tỉnh ra để phù hợp sự phát triển. Dù chia tách, phát triển lên nhưng Đà Nẵng vẫn có trách nhiệm với người anh em Quảng Nam.

Tới nay bối cảnh đã khác nên việc nhập lại là đi theo đúng sự vận động của lịch sử, tất cả vì sự phát triển” – ông Huỳnh Hùng nói.

Sau 28 năm lại “về chung một nhà”

Ngày 6-11-1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Về địa giới hành chính, TP Đà Nẵng mới bao gồm TP Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

Theo nghị quyết số 60 ngày 12-4-2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành một TP trực thuộc trung ương có tên gọi TP Đà Nẵng; địa điểm đặt trung tâm hành chính chính trị tại TP Đà Nẵng hiện nay.

Như vậy sau 28 năm tách tỉnh và chứng kiến quá trình thay da đổi thịt, Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tái hợp để tận dụng không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, cơ hội lịch sử để Đà Nẵng, Quảng Nam hòa vào nhau và vượt lên.

———————————

Trong các tỉnh lớn được hợp nhất sau năm 1975 thì tỉnh Bình Trị Thiên là một hiện tượng có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương khác.

Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa