
Từ vui sướng với từng centimet được “cân chỉnh”, nay chị hoảng loạn, sợ hãi chính cơ thể mình. Người phụ nữ này không phải là trường hợp hy hữu. Báo Thanh Niên nhiều lần cảnh báo hậu quả của việc theo đuổi cái đẹp mà thiếu hiểu biết.
Filler từng được xem là bước tiến của y học thẩm mỹ, với ưu điểm ít xâm lấn, hồi phục nhanh. Nhưng theo thời gian, phương pháp này bị biến tướng thành công cụ làm đẹp “thần tốc”, giá rẻ, không cần dao kéo. Mũi cao, cằm thon, mặt V-line… trở thành những “mục tiêu” dễ đạt được chỉ sau vài mũi tiêm. Đáng lo hơn, nhiều người không cần biết ai là người tiêm, sản phẩm đến từ đâu… thậm chí tự tiêm.
Không ít trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng do được tiêm filler ở các spa “nhiều không”: không giấy phép, không bác sĩ, không vô trùng… Ngoài nỗi đau thể xác, các nạn nhân còn gánh chịu nỗi đau tinh thần đeo bám.
Trong khi đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các bác sĩ liên tục cảnh báo về hoại tử, mù mắt, tắc mạch máu, nhiễm trùng… khi tiêm filler sai kỹ thuật, không rõ nguồn gốc hoặc được thực hiện bởi người không đủ chuyên môn.
Vì sao ngày càng nhiều người bất chấp rủi ro để đổi lấy “vẻ đẹp”? Từng tiếp cận với nhiều trường hợp bị tai biến do tiêm filler, người viết nhận ra, có một phần nguyên nhân và áp lực từ mạng xã hội, từ những “chuẩn đẹp” qua các filter của các app chụp ảnh, quay video; từ kỳ vọng phải luôn hoàn hảo trong mắt người khác.
Lĩnh vực làm đẹp đang ở thời “ăn nên làm ra” và không ít thông điệp lệch lạc được đưa ra từ một số cơ sở làm đẹp vô trách nhiệm khiến nhiều người coi thường sức khỏe của chính mình. Không ai phủ nhận giá trị của ngoại hình. Nhưng làm đẹp không nên là “cuộc đua” mù quáng và càng không nên xem đó là một canh bạc. Chấp nhận bản thân, hiểu rõ rủi ro, tìm đến bác sĩ có chuyên môn… mới là cách làm đẹp an toàn. Một gương mặt đẹp là gương mặt khỏe mạnh, biết điểm dừng và không bị ám ảnh bởi tiêu chuẩn của người khác.