Lâm Đồng: Hồng Sơn – vùng ‘đất khát’ quyết vượt qua gian khó

Lâm Đồng: Hồng Sơn – vùng ‘đất khát’ quyết vượt qua gian khó

bởi

trong

Vùng đất “thiếu mưa thừa nắng”

Hồng Sơn, một cái tên mới trong bản đồ hành chính tỉnh Lâm Đồng, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa của Bình Thuận cũ, được sáp nhập từ hai xã thuần nông Hồng Sơn và Hồng Liêm (thuộc H.Thuận Bắc, Bình Thuận cũ).

Đây là vùng đất “thiếu mưa thừa nắng”, người dân sinh sống bằng nghề nông, dù quanh năm vất vả với ruộng vườn, nhưng vẫn gặp khó khăn khi thiếu chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của mình là trái thanh long, mè đen, lúa nước…

Lâm Đồng: Hồng Sơn – vùng ‘đất khát’ quyết vượt qua gian khó

Sản xuất Thanh long đạt tiêu chuẩn Global GAP ở xã Hồng Sơn

ẢNH; QUẾ HÀ

Anh Lê Chí Tùng, người dân xã Hồng Liêm cũ cho biết, ở đây mùa mưa chỉ gói gọn trong vài tháng ngắn ngủi, quanh năm là nắng nóng và thiếu nước. Mùa khô, có năm phải đi xa vài cây số chở nước, thiếu nước sinh hoạt, thậm chí thiếu nước cho đàn gia súc.

Còn theo lãnh đạo UBND xã Hồng Sơn, dù là xã thuần nông, nhưng kinh tế nông nghiệp của xã phát triển chậm. Một phần do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhưng điều kiện khách quan là do khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước dẫn đến nền nông nghiệp bấp bênh.

Nói đến Hồng Sơn, bao gồm cả Hồng Sơn và Hồng Liêm cũ, ai cũng biết ngay đó là vùng đất trồng cây thanh long, vốn là cây trồng phổ biến của nông dân. Tuy nhiên theo thống kê của xã, diện tích thanh long hiện nay chỉ ngót 600 ha, giảm đi hơn 500 ha so với 5 năm trước. Bà con nông dân đã chuyển đổi cây thanh long sang trồng lúa, cây ngắn ngày bởi thanh long sản xuất không hiệu quả, thiếu đầu ra và thường rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Tập trung vào cây mè đen, thanh long và lúa nước

“Việc tiêu thụ thanh long thiếu ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Điều đó khiến nông dân không còn mặn mà với cây trồng này. Chúng tôi đang tập trung khuyến cáo bà con trồng thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất có nguồn gốc xuất xứ, đạt chất lượng để nâng giá trị chuỗi cung ứng bán hàng xuất khẩu chính ngạch”, lãnh đạo UBND xã Hồng Sơn chia sẻ.

Hồng Sơn vươn lên từ khô hạn với cây mè đen và thanh long đầy triển vọng - Ảnh 2.

Cây mè đen 2 lớp vỏ, loại cây trồng phát triển tốt ở xã Hồng Liêm cũ, nay là xã Hồng Sơn, tỉnh Lâm Đồng

ẢNH: QUẾ HÀ

Ít ai biết, bên cạnh thanh long, xã Hồng Sơn còn có một loại cây khác được mệnh danh là “cây trụ đỡ mùa khô”, đó là cây mè đen (miền Bắc gọi là cây vừng). Đây là loại cây truyền thống của xã Hồng Liêm cũ, thích nghi rất tốt với đất cát pha, chịu hạn cao, chi phí đầu tư thấp. Có năm, diện tích mè đen toàn xã lên đến gần 1.000 ha, sản lượng đạt 700 tấn, một con số ấn tượng với một cây trồng bản địa mà không phải vùng đất nào cũng trồng được.

Hạt mè Hồng Sơn được thương lái đánh giá cao vì dầu thơm, hạt mẩy, ít tạp chất (chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch). Nhưng cũng như thanh long, hạt mè đen có năm không bán được, do thiếu chuỗi giá trị cung ứng, bị thương buôn ép giá. Sản phẩm đầu ra không ổn định, lại không có nhà máy thu mua chế biến. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến diện tích cây mè đen giảm đi trong vài năm trở lại đây.

Hồng Sơn vươn lên từ khô hạn với cây mè đen và thanh long đầy triển vọng - Ảnh 3.

Cây dưa ruột vàng (dưa lưới) trồng theo mô hình tiết kiệm nước, loại cây trồng mới của nhà vườn ở xã Hồng Sơn

ẢNH: QUẾ HÀ

Đối với cây lúa, trong 6 tháng đầu năm, toàn xã gieo trồng được 2.140 ha, sản lượng lương thực đạt 13.200 tấn. Theo lãnh đạo UBND xã, diện tích, sản lượng lúa tăng cao hơn so với năm trước do lúa bán được giá và quy trình sản xuất ít phức tạp hơn.

Làm gì để vượt khó?

Trao đổi với PV, lãnh đạo xã Hồng Sơn cho hay, trong giai đoạn sau sáp nhập, Đảng bộ xã xác định, trong nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ tập trung vào 5 định hướng cơ bản, biến những khó khăn thành thế mạnh của địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tìm chuỗi giá trị liên kết cho cây thanh long, cây mè đen, mì, đậu các loại.

Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới để canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, có ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, dịch chuyển dần cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang dịch vụ, chế biến.

Bên cạnh đó, thu hút các nguồn lực xã hội, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tổ chức lại để phát triển du lịch ở khu vực Suối Đá và khu du lịch Bàu Sen.

Hồng Sơn vươn lên từ khô hạn với cây mè đen và thanh long đầy triển vọng - Ảnh 4.

Đảng bộ xã Hồng Sơn xác định nhiệm kỳ mới cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp, chuyển dần sang thương mại, dịch vụ nâng cao đời sống người dân

ẢNH: QUẾ HÀ

Bên cạnh đó, ưu tiên nâng cấp hạ tầng giao thông, phát triển thủy lợi, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án của tỉnh và nhà đầu đầu tư; vận hành hiệu quả mô hình chính quyền mới, nhất là công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhằm thu hút các nguồn lực xã hội. Chỉ có như vậy, “vùng đất khát” Hồng Sơn mới thực sự vươn mình trên quê hương.