
Chị Nguyễn Thị Yến (35 tuổi), phó Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, nói ủng hộ giải pháp làm việc từ xa – Ảnh: TẤN LỰC
Làm việc từ xa sẽ giúp giảm đi những bất tiện không cần thiết khi đưa một lượng lớn cán bộ, công chức đến trụ sở mới; tạo điều kiện cho họ an tâm công tác, đóng góp hiệu quả trong giải quyết công việc.
Làm việc từ xa đã được thử nghiệm từ COVID-19
Trước đó, bà Nguyễn Thị Yến Nhi, đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn Bến Tre, nêu thực tế trong bối cảnh sáp nhập cấp tỉnh, tại một số địa phương cán bộ công chức phải đi hàng trăm km về trung tâm làm việc.
Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, nên có quy định về chế độ làm việc để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có thể làm việc từ xa, đặc biệt là trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay.
Đồng thời có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc qua các sản phẩm cụ thể.

Cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính cho người dân tại UBND phường Phủ Hà, TP Phan Rang -Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: AN ANH
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đề xuất cho cán bộ công chức, viên chức làm việc từ xa nhận được nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình, đặc biệt là đối với những công chức, viên chức trẻ.
Chị Nguyễn Thị Nguyên, hiện công tác tại một đơn vị cấp sở tại tỉnh Ninh Thuận, cho rằng việc này hoàn toàn phù hợp với xu hướng số hóa như hiện nay.
Theo chị Nguyên, thực tế việc xử lý công việc hành chính từ xa đã được thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Nhiều đơn vị quản lý nhà nước đã linh hoạt trong xử lý công việc từ xa nhưng hiệu quả công việc vẫn đảm bảo.
“Việc thực hiện xử lý công việc từ xa cũng cần xét đến các yếu tố về tính chất và từng vị trí việc làm.
Cán bộ có thể luân phiên đến cơ quan, việc này sẽ góp phần giảm bớt diện tích sử dụng văn phòng và các chi phí khác cho ngân sách nhà nước” – chị Nguyên nói.
Là viên chức trẻ đang công tác tại một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Ninh Thuận, anh Nguyễn Quốc Hưng cho rằng làm việc từ xa hay xử lý công việc bằng công nghệ số đã chứng tỏ được sự nhanh nhạy và hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực báo chí, truyền thông, truyền hình.
“Việc này cũng sẽ giảm áp lực về thời gian đi lại cho cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là sau khi sắp xếp và sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh” – anh Hưng nói.
Cán bộ trẻ làm việc tốt trên môi trường số
Tại Gia Lai, nhiều cán bộ, công chức trẻ rất quan tâm tới giải pháp làm việc từ xa khi sáp nhập tỉnh này với tỉnh Bình Định.
Chị Chu Thị Bắc, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non và tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, cho hay với đặc thù công việc quản lý, ngoài thời gian kiểm tra thực tế tại các cơ sở giáo dục, công việc chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản liên thông trên máy tính.
Những công việc như viết báo cáo, xử lý công văn đều có thể làm từ xa. Các cuộc họp, trao đổi thông tin chỉ đạo điều hành cũng có thể thực hiện qua các phần mềm liên lạc trên môi trường mạng.
Đây có thể là giải pháp khả thi, giúp cán bộ, công chức vẫn hoàn thành công việc mà ít làm xáo trộn đời sống và các mối quan hệ xã hội.

Chị Chu Thị Bắc, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non và tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai – Ảnh: TẤN LỰC
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Yến (35 tuổi), phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, cho hay chưa biết tính toán ra sao về phương án nơi ở, nơi học tập của gia đình và 2 con nhỏ nếu di chuyển nơi công tác từ Pleiku về Quy Nhơn.
Nói về đề xuất làm việc từ xa, từ thực tế công việc của mình, chị Yến nói rằng đây là giải pháp khả thi, có thể thực hiện được. Bởi với các giải pháp công nghệ hiện nay, cán bộ, công chức không nhất thiết phải tới trụ sở mới làm việc được.
“Nếu được cho chủ trương làm việc từ xa chúng tôi sẽ ủng hộ. Hiện nay việc trao đổi, thực hiện công việc tại cơ quan quản lý nhà nước đều đã triển khai trên trục quản lý văn bản. Từ khâu tiếp nhận hồ sơ, doanh nghiệp, cá nhân có thể trình trực tuyến, các khâu xử lý của cơ quan quản lý cũng làm trực tuyến.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều phương thức liên lạc trao đổi công việc trên môi trường mạng và đa số công chức, viên chức trẻ tiếp cận tốt với các giải pháp công nghệ.
Ngoài một số bộ phận trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người dân và doanh nghiệp, những bộ phận khác ngồi tại nhà cũng có thể làm được.
Theo tôi, các thủ tục hành chính đã được số hóa rồi thì có thể xử lý trên môi trường số” – chị Yến nhận định.
Tuy nhiên, cũng có công chức trẻ có ý kiến ngược lại. Anh Nguyễn Thanh Huy, một cán bộ trẻ đang công tác tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh TP Tuy Hòa (Phú Yên), cho hay theo anh vẫn nên duy trì làm việc trực tiếp tại trụ sở, cơ quan để dễ dàng phân công và nhận các nhiệm vụ liên quan đến công việc. Đồng thời thể hiện tác phong, tính kỷ luật trong giờ làm việc của công, viên chức.
Theo anh Huy, các tỉnh, thành sau sáp nhập cũng đã có phương án bố trí phương tiện đi lại, chỗ ăn ở nên cán bộ, công chức có thể yên tâm làm việc trực tiếp.
Phân công, đánh giá công việc cần công bằng, khách quan
Anh N.H.S. đang là công chức tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho rằng sau sáp nhập tỉnh thành, việc thay đổi cách thức làm việc cũng cần thiết. Anh góp ý nên bố trí giờ làm việc lại bằng cách cho công chức viên chức làm việc online, quản lý và đánh giá công chức viên chức bằng sản phẩm công việc.
“Tôi thấy làm vậy sẽ chủ động được thời gian hơn thay vì ngồi giờ hành chính suốt cả ngày. Bên cạnh đó, quản lý và đánh giá công chức viên chức trên đầu việc sẽ đánh giá đúng thực tế năng lực của từng cán bộ hơn. Chẳng hạn tôi làm xong phần việc mà cấp trên giao phó thì còn thời gian tôi có thể học hỏi và trau dồi thêm chuyên môn cho bản thân”, anh S. nói.
Chị L.T.M.U. (Cần Thơ) chia sẻ hiện nay công nghệ thông tin phát triển, công chức cần tận dụng lợi thế này. Làm việc online hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cần dựa vào tính chất công việc mà bố trí cán bộ làm việc từ xa hay làm việc trực tiếp tại cơ quan. Với công việc cần trực tiếp xử lý thì cần đến cơ quan, còn nếu công việc có thể hoàn thành và gửi sản phẩm công việc thì quản lý trên đầu việc, không nhất thiết phải đến cơ quan đủ 8 tiếng giờ hành chính.
Còn chị N.T.N.N. đang là công chức tại Vĩnh Long nêu quan điểm, sau khi sáp nhập tỉnh thành thì cần bố trí nhà ở công vụ cho công chức, viên chức đi làm xa để họ yên tâm công tác. Đặc biệt, đối với cán bộ không thuộc bộ phận tiếp dân hay vị trí công việc bắt buộc phải có mặt tại cơ quan, nên bố trí cho họ làm việc từ xa, như vậy vừa tiết kiệm được thời gian vừa “giảm tải” cán bộ ngồi tại cơ quan.
“Tuy nhiên, để việc này phát huy tính hiệu quả, việc cấp trên giao việc và quy định thời hạn để hoàn thành công việc rất quan trọng. Khi phân công công việc cần công bằng, khách quan đối với từng cán bộ”, chị N. nói.