Lần đầu quan sát sự khai sinh như tái hiện hệ mặt trời

Lần đầu quan sát sự khai sinh như tái hiện hệ mặt trời

bởi

trong
Lần đầu quan sát sự khai sinh như tái hiện hệ mặt trời

Hình ảnh quan sát được ở phạm vi sao HOPS-315, cách đây 1.370 năm ánh sáng

ảnh: ALMA/M. McClure et al./AP

Phát hiện mới mang đến cái nhìn chưa từng có về chuyện có lẽ từng xảy ra vào thời bình minh của hệ mặt trời.

Các nhà nghiên cứu đã thấy gì?

Sử dụng kính James Webb trên không gian của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và kính ALMA của Đài Thiên văn Nam Âu ở Chile, các nhà nghiên cứu đã xuyên tầm nhìn vào đĩa khí bao quanh ngôi sao non trẻ HOPS-315, cách trái đất khoảng 1.370 năm ánh sáng.

Ngôi sao chỉ mới từ 100.000 đến 200.000 năm tuổi, tức độ tuổi “sơ sinh” tính theo thang vũ trụ, và được cho đang trên đường phát triển thành sao lùn vàng như mặt trời chúng ta.

“Chúng tôi vừa nắm bắt cái nhìn trực tiếp về khu vực là nơi các hành tinh đá như trái đất hình thành xung quanh các phôi sao trẻ”, DW hôm 20.7 dẫn lời nhà nghiên cứu chính Melissa McClure của Đài thiên văn Leiden (Hà Lan).

Theo bà, đây là lần đầu tiên con người có thể khẳng định rằng những giai đoạn đầu tiên của sự hình thành các hành tinh đang diễn ra ngay trước mắt.

“Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đó có thể là quy trình thông thường trong giai đoạn sơ khai nhất của quá trình hình thành hành tinh”, chuyên gia McClure trình bày trong báo cáo đăng trên chuyên san Nature.

Trong khi vẫn chưa thể xác định HOPS-315 sẽ tạo ra bao nhiêu hành tinh, đĩa khí khổng lồ bao quanh ngôi sao được cho có thể hỗ trợ sự hình thành của tối đa 8 hành tinh, như hệ mặt trời của chúng ta. Quy trình này có thể mất nhiều triệu năm hoặc hơn.

Cách thức đội ngũ tiến hành nghiên cứu

Nhờ vào độ nghiêng của đĩa khí bao quanh ngôi sao và một khoảng trống ở rìa ngoài, các kính thiên văn có thể phát hiện những dấu hiệu của các khoáng chất silicate và khí silicon monoxide gas đang ngưng tụ.

Đó chính là những khối vật liệu đóng vai trò nền tảng được cho hình thành nên trái đất và các hành tinh đá khác trong hệ mặt trời cách đây hơn 4,5 tỉ năm.

Hoạt động trên đang diễn ra ở vùng tương tự như nơi tọa lạc của các vành đai tiểu hành tinh ở hệ mặt trời, vốn nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.

Những dạng ngưng tụ trong giai đoạn đầu như thế này chưa từng được quan sát trực tiếp trong các hệ sao trẻ trước đây.

Thông qua quan sát mới, các nhà khoa học cũng chưa dám chắc rằng liệu câu chuyện khởi nguồn của trái đất có phải là điều hiếm gặp hay không.