Lao động trên 35 tuổi tìm việc: Vì sao rời nhà máy may, về nhà trọ làm xuyên đêm?

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: Vì sao rời nhà máy may, về nhà trọ làm xuyên đêm?

bởi

trong

Nhiều lao động trên 35 tuổi tại TP.HCM, từng là công nhân may ở các nhà máy nay chọn rời dây chuyền sản xuất, về lại xóm trọ nhận hàng gia công làm xuyên đêm. Dù thu nhập bấp bênh, họ chấp nhận chuyển hướng sang lao động tự do để có thời gian chăm con, giữ mái ấm và bám trụ lại thành phố. Hành trình tìm việc sau 35 tuổi không chỉ là câu chuyện mưu sinh, mà còn là nỗ lực vượt qua định kiến tuổi tác trong tuyển dụng.

Những năm gần đây, thị trường lao động tại Việt Nam đang chứng kiến một nghịch lý: khi người lao động bước qua tuổi 35 – độ tuổi được xem là “chín” về kinh nghiệm và kỹ năng thì cánh cửa việc làm lại dần khép lại với họ.

Theo bản tin thị trường lao động quý 1 năm 2025, gần 43% người lao động tìm việc nằm trong độ tuổi 30 – 39, tức nhóm đang có nhu cầu tìm việc cao nhất. Tuy nhiên, theo khảo sát tại 2.000 doanh nghiệp, chỉ chưa đến 5% nhu cầu tuyển dụng dành cho nhóm từ 35 – 49 tuổi. Trong khi đó, hơn 60% vị trí việc làm lại ưu tiên người dưới 25 tuổi.

Khoảng trống giữa nhu cầu tìm việc cao và thiếu vắng cơ hội việc làm đang khiến nhiều người lao động lớn tuổi rơi vào tình trạng bấp bênh. Họ không thiếu kỹ năng, không thiếu trách nhiệm nhưng lại vướng phải một rào cản vô hình: định kiến tuổi tác trong tuyển dụng.

Loạt bài “Lao động trên 35 tuổi tìm việc” này ghi nhận hành trình gian nan của những người đã và đang cố gắng khẳng định giá trị bản thân giữa thị trường lao động khắc nghiệt. Loạt bài không chỉ phản ánh thực trạng mà còn tìm kiếm giải pháp để người lao động và doanh nghiệp “sớm tìm được nhau” như chính kỳ vọng mà xã hội dành cho một thị trường lao động bình đẳng và nhân văn hơn.

Người dân xóm trọ muốn chủ động thời gian

Phần lớn những người lựa chọn làm gia công tại nhà đều là lao động lớn tuổi, từng có thời gian dài làm việc trong các công ty may mặc tại TP.HCM. Không còn được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, họ chọn hình thức làm việc tự do để chủ động thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại, đồng thời vẫn đảm bảo chăm sóc gia đình. Tại các xóm trọ công nhân, mô hình này ngày càng phổ biến trong nhóm lao động trên 35 tuổi.

17 giờ, xóm trọ trên đường 20, phường Bình Hưng Hòa, TP.HCM yên bình với tiếng cười đùa của trẻ con, công nhân trở về phòng chuẩn bị bữa tối sau một ngày làm việc. Không giống công nhân, những người lựa chọn làm tại nhà vẫn miệt mài ngồi bên máy may đến tối muộn. Bởi lẽ, tiền lương của họ không cố định theo giờ hay ngày tháng mà phụ thuộc vào số lượng sản phẩm. Phần lớn những người lựa chọn làm gia công tại nhà đều trên 35 tuổi. Họ cố gắng làm để có thêm tiền trả tiền trọ, trang trải chi phí sinh hoạt và lo tương lai của các con.

Anh Phan Tỵ (37 tuổi, quê ở Huế) khăn gói rời quê hương vào TP.HCM lập nghiệp từ năm 2003. Sau hơn 20 năm bươn chải đủ nghề, từng làm công nhân nhưng anh quyết định nghỉ việc, về làm tại nhà từ năm 2018. Dù đây là bước ngoặt lớn trong cuộc sống, anh vẫn chấp nhận vì không có ai đưa đón ba đứa con đang tuổi ăn học.

“Nếu tôi làm công nhân ở công ty sẽ không chủ động được thời gian chăm lo cho các con. Tôi biết lựa chọn nhận hàng gia công về làm tại nhà sẽ vất vả hơn. Sáng ngồi bên máy may đến 12 giờ, chiều làm tiếp đến 18 giờ, nghỉ ngơi ăn tối một lát rồi lại cặm cụi đến 22 – 23 giờ. Thời gian làm việc nhiều nhưng thu nhập không cao hơn so với lương công nhân, phụ thuộc vào số lượng, trung bình từ 8 – 10 triệu đồng”, anh Tỵ chia sẻ.

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: Vì sao rời nhà máy may, về nhà trọ làm xuyên đêm?

Anh Tỵ nhận hàng gia công tại nhà

Ảnh: Dương Lan

Theo anh Tỵ, lo lắng lớn nhất khi làm gia công tại nhà là nguồn hàng không ổn định. Mỗi khi hụt hàng, anh phải xoay xở đi kiếm nguồn ở chỗ khác, không để thời gian trống quá dài.

“Có đợt vì không có hàng nên tôi nghỉ khoảng nửa tháng, dùng tiền tiết kiệm để trang trải trong thời gian đó. May mắn, chủ hàng vẫn cho ứng tiền để trả tiền nhà sau đó trừ dần vào tiền hàng. Giờ tôi không thể quay lại công ty làm việc vì không theo kịp nhịp làm việc của những người trẻ. Vì vậy, tôi phải cố gắng giữ nguồn hàng đều đặn”, anh Tỵ trải lòng.

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: Vì sao rời nhà máy may, về nhà trọ làm xuyên đêm? - Ảnh 2.

Phòng trọ ngập tràn hàng trước khi giao lại cho chủ xưởng

Ảnh: Dương Lan

Dù thu nhập không cao nhưng niềm hạnh phúc của anh Tỵ là có nhiều thời gian bên các con. Con của anh sẽ không phải chịu cảnh chờ đợi vì ba mẹ đến trường đón về muộn. Em trai và vợ của anh Tỵ cũng nhận hàng gia công về làm tại nhà, “đại gia đình” thuê phòng trọ với giá 5 triệu đồng/tháng để có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống.

“Hơn 20 năm xa nhà dù rất nhớ nhưng vài ba năm mới về quê một lần. Tôi ít khi về quê vào dịp tết vì chi phí đắt đỏ, làm cả năm có khi không đủ về quê ăn tết”, anh Tỵ cho hay.

Lao động trên 35 tuổi: Chỉ biết cố gắng từng ngày

Vào dịp Tết Nguyên đán 2025, PV Thanh Niên có dịp trò chuyện với bà Võ Thị Hồng (57 tuổi) khi bà đang nhận hoa giả về làm tại nhà. Tuy nhiên, thời điểm này gặp lại, bà chỉ ở nhà lo cơm nước cho con gái làm ở công ty do không có nguồn hàng để duy trì công việc. Người phụ nữ khá lớn tuổi không còn nghĩ đến chuyện đi làm công ty vì không ai nhận, chỉ trông chờ vào những đơn hàng tự do.

“Năm nay dịp tết làm được một tháng rồi nghỉ đến tới giờ chưa có việc để làm lại. Mấy hôm chủ nhà trọ có giới thiệu chỗ nhận làm cắt chỉ nhưng bữa có bữa không, tuần vừa rồi làm được có 2 ngày. Giờ tuổi này chỉ biết nhận đơn hàng về nhà làm lai rai”, bà Hồng trải lòng.

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: Vì sao rời nhà máy may, về nhà trọ làm xuyên đêm? - Ảnh 3.

Xóm trọ trên phường Bình Hưng Hòa yên bình chiều giữa tháng 7

Ảnh: Dương Lan

Dù ở TP.HCM không có công việc ổn định nhưng bà không nghĩ sẽ về quê. Bởi lẽ, ở quê bà cũng không có đất đai, nhà cửa, đành chấp nhận bám trụ lại thành phố.

“Nếu có hàng ổn định, mỗi ngày tôi cắt chỉ cũng được gần 200.000 đồng. Hồi trẻ tôi cũng nhận nấu ăn thuê, không làm công nhân, giờ có tuổi đành ở nhà phụ cơm nước cho con gái”, bà Hồng nói.

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: Vì sao rời nhà máy may, về nhà trọ làm xuyên đêm? - Ảnh 4.

Bà Hồng ở nhà phụ cơm nước cho con

Ảnh: Dương Lan

Lao động trên 35 tuổi tìm việc: Vì sao rời nhà máy may, về nhà trọ làm xuyên đêm? - Ảnh 5.

Nhiều người chọn làm ở nhà vì muốn có thời gian đưa đón con đi học

Ảnh: Dương Lan

Bà Võ Thị Ba (48 tuổi) buôn bán nhỏ lẻ ở phòng trọ còn chồng đi làm phụ hồ. Trước đây, bà làm công nhân nhưng vì sức khỏe không đảm bảo đành phải nghỉ, công việc không ổn định. Giờ bà không quay lại công ty làm việc vì đã lớn tuổi, ít doanh nghiệp tuyển dụng.

“Nhiều người có thể làm việc gắn bó ở công ty hàng chục năm, nhưng với người lớn tuổi, bắt đầu lại một công việc là điều không hề dễ dàng. Giờ thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào tiền lương phụ hồ từ chồng. Ông ấy biết sức khỏe của tôi không đảm bảo nên cố gắng làm việc để lo cho gia đình”, bà Ba chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nương (40 tuổi), quản lý khu nhà trọ số 12 đường 20, phường Bình Hưng Hòa, TP.HCM cho biết, ngoài công nhân nhiều người ở trong xóm làm tự do. “Tôi cũng thường xuyên giới thiệu những mối có đơn hàng để họ có thêm thu nhập. Mỗi đợt chính quyền địa phương có tổ chức thăm hỏi, tặng quà thì tôi kết nối để mọi người, đặc biệt là những gia đình khó khăn được hỗ trợ”, bà Nương nói.

Nhiều người như bà Ba từng là công nhân may, giờ chuyển sang làm hàng theo đơn, hoặc phụ việc tại nhà. Với họ, việc làm cho người lớn tuổi không dễ kiếm và bắt đầu lại một công việc ở tuổi này là điều “khó hơn cả leo dốc”. Ở các xóm trọ công nhân, bà con chỉ mong có nguồn hàng ổn định để “có việc là mừng”, dù không hợp đồng, không bảo hiểm. “Chừng nào còn sức, còn trụ lại TP.HCM được là cố thôi”, bà Ba chia sẻ.

Câu chuyện của anh Tỵ, bà Hồng hay bà Ba phản ánh nỗi lo chung của lao động trên 35 tuổi: họ cần việc làm nhưng cơ hội ngày càng khan hiếm do định kiến tuổi tác và áp lực cạnh tranh từ lao động trẻ.