Lập nghiệp ở TP.HCM: Từ cô bé bán bánh đến bà chủ spa

Lập nghiệp ở TP.HCM: Từ cô bé bán bánh đến bà chủ spa

bởi

trong

Chúng tôi đến cơ sở làm đẹp mang tên Hương Sala. Người phụ nữ chúng tôi sắp gặp là Hồ Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Hương Sala. Chị Thanh Hương (43 tuổi) không chỉ thu hút bởi sắc vóc trẻ trung, nụ cười rạng rỡ, bàn tay tài hoa, mà hơn hết là hành trình thoát nghèo, lập nghiệp và làm những công việc thiện nguyện.

Lập nghiệp ở TP.HCM: Từ cô bé bán bánh đến bà chủ spa

Chị Hồ Thị Thanh Hương chỉ dẫn các học viên học nghề chăm sóc sắc đẹp

ẢNH: QUANG VIÊN

Không ngừng đi tới

Vừa kết thúc buổi giảng dạy nghề chăm sóc sắc đẹp cho vài chục học viên, chị Hương cười tươi: “Tôi quen làm nhiều việc cùng lúc rồi, ngơi tay là thấy thiếu”. Nhưng khi kể câu chuyện đời mình, giọng chị trầm xuống, xúc động.

Hồ Thị Thanh Hương (tên thường gọi là Hương Sala) sinh ra và lớn lên tại vùng quê thuộc tỉnh Khánh Hòa, trong một gia đình nghèo. Ba Hương làm nghề biển, mẹ nuôi heo. Là chị cả của bốn đứa em, Hương hiểu rõ gánh nặng gia đình sớm hơn nhiều đứa trẻ cùng lứa.

Từ khi học cấp 2, Hương đã biết lo kiếm tiền phụ ba mẹ. Buổi sáng Hương đi học, chiều thì bán bánh trước cổng trường, tối lại dọn ra rạp chiếu phim tiếp tục bán. Cô bé còn đạp xe đi gom cơm thừa ở các quán ăn về cho mẹ nuôi heo. “Nhiều lúc vừa đạp xe vừa nuốt nước mắt vì thèm có tuổi thơ như bạn bè”, chị trải lòng. Những ký ức nghèo khó đó vẫn in đậm trong tâm trí người phụ nữ nay đã là tổng giám đốc. “Không thể quên được. Cái nghèo nó ám mình tới tận trong giấc mơ”, chị Hương bồi hồi kể.

Hương ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học, nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép. Nhìn hai đứa em trai chăm ngoan và ham học, Hương quyết định dừng lại để các em tiếp tục, vì nếu ai cũng học thì lấy gì nuôi nhau.

Thanh Hương bắt đầu phụ việc cho tiệm tóc của người anh họ. Tay nghề lên nhanh, rồi đến ngày cô tự đứng ra mở tiệm riêng tại tỉnh Khánh Hòa. Đó là thành quả của sự cần cù, bền bỉ của cô gái trẻ. “Nghề làm tóc ở quê khá ổn định, nhưng tôi quyết vào TP.HCM để liều một phen”, chị Hương cho biết.

Lập nghiệp tại TP . HCM từ cô bé bán bánh đến nữ doanh nhân thành công - Ảnh 2.

Chị Thanh Hương thường xuyên dành tiền và công đức để đến nhiều nơi làm thiện nguyện

ẢNH: QUANG VIÊN

Tìm lối đi riêng để thành công và “sống để cho”

Vào TP.HCM, khởi đầu của Thanh Hương vẫn là nghề làm tóc. “Khách đến từ từ rồi quen, rồi tin, nên sống được”, chị Hương nhớ lại. Nhưng chị luôn nghĩ phụ nữ cần làm đẹp nhiều thứ chứ không chỉ có tóc. Cho nên chị muốn chạm đến giấc mơ lớn hơn, đó là làm đẹp toàn diện cho phụ nữ.

Không ngại khó, Thanh Hương sắp xếp thời gian theo học các lớp chăm sóc da, spa, phun xăm thẩm mỹ… ở nhiều nơi. Thậm chí, chị từng sang Hàn Quốc để theo đuổi các khóa chuyên sâu. “Đó là thời gian vừa học vừa làm, vừa chắt bóp từng đồng cho những chuyến đi học không rẻ tiền”, chị thổ lộ.

Rồi một ngày, cái tên “Hương Sala” chính thức được đăng ký kinh doanh, với việc thành lập Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Hương Sala. Từ tiệm làm tóc nhỏ, chị Hương đã bước ra sân chơi lớn. TP.HCM phồn hoa với rất nhiều cơ sở, thẩm mỹ viện mở ra vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với những người kinh doanh trong lĩnh vực thẩm mỹ. Vì vậy, Hương Sala đã chọn lối đi riêng. “Tôi không có điều kiện để chạy theo cuộc đua quảng cáo ầm ĩ, cơ sở hoành tráng, nên chỉ chọn đi sâu vào chất lượng, tay nghề và đạo đức”, chị bày tỏ.

Hương Sala đầu tư cho mình và nhân viên học bài bản, mở lớp đào tạo nghề, không chỉ để làm dịch vụ mà còn truyền nghề cho người khác. Học viên của Thẩm mỹ viện Hương Sala đến từ nhiều tỉnh thành cả nước.

Lập nghiệp tại TP . HCM từ cô bé bán bánh đến nữ doanh nhân thành công - Ảnh 3.

Từ cô bé vùng quê nghèo từng bán bánh, gom cơm thừa nuôi heo…, nay chị Thanh Hương trở thành chủ doanh nghiệp chuyên chăm sóc sắc đẹp

ẢNH: QUANG VIÊN

Lập nghiệp tại TP . HCM từ cô bé bán bánh đến nữ doanh nhân thành công - Ảnh 4.

Nhờ uy tín của mình, chị Thanh Hương được mời làm cố vấn hoặc làm thành viên ban giám khảo một số cuộc thi liên quan ngành làm đẹp

ẢNH: NVCC

Giới thiệu với chúng tôi những tấm bằng, chứng chỉ hành nghề và những phần thưởng được ghi nhận, vinh danh… treo khắp tường, đặt kín trong tủ, Tổng giám đốc Thẩm mỹ viện Hương Sala chia sẻ: “Khách bây giờ tinh lắm, họ soi rất kỹ bằng cấp, chứng chỉ và những ghi nhận của ngành chăm sóc sắc đẹp cho cơ sở làm đẹp mà họ muốn đến. Nhưng những thứ đó cũng chưa đủ. Quan trọng hơn, các cơ sở làm đẹp phải thực hành tốt, chăm sóc khách bằng cả trái tim”. Vì thế, mỗi năm chị vẫn tiếp tục đi học, mời chuyên gia về hướng dẫn nâng cao tay nghề cho nhân viên. “Làm đẹp là nghề liên tục thay đổi, nếu dừng lại là bị tụt hậu”, chị khẳng định.

Xuất thân nghèo, thấm thía sự thiếu thốn, chị Hương đặc biệt quan tâm đến người có hoàn cảnh khó khăn. Học viên nghèo vào học nghề, được chị hỗ trợ ăn ở miễn phí, giảm học phí, thậm chí giới thiệu việc làm sau khi ra nghề. “Tôi từng là đứa trẻ sống trong khó khăn, nghèo khó, nên hiểu cảm giác ấy thế nào”, chị Hương nói. Chị còn là nhà tài trợ cho một ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi và đồng hành cùng nhiều đoàn từ thiện đến vùng sâu, vùng xa trao tặng quà.

“Càng đi, càng thấy còn nhiều mảnh đời khốn khó. Tôi không giàu, chỉ giúp một phần nhỏ, nhưng luôn mong muốn được cho đi, được sẻ chia”, chị nói, mắt long lanh. Những chuyến đi từ thiện không chỉ giúp đỡ người khác mà còn là cách chị “làm đẹp” cho chính mình.

Lập nghiệp tại TP . HCM từ cô bé bán bánh đến nữ doanh nhân thành công - Ảnh 5.

Chị Thanh Hương (bìa phải) trao đổi kiến thức làm đẹp với nhân viên và khách hàng của mình

ẢNH: QUANG VIÊN

Lập nghiệp tại TP . HCM từ cô bé bán bánh đến nữ doanh nhân thành công - Ảnh 6.

Cơ sở thẩm mỹ Hương Sala chọn đi sâu vào chất lượng, tay nghề và đạo đức

ẢNH: QUANG VIÊN

Lập nghiệp tại TP . HCM từ cô bé bán bánh đến nữ doanh nhân thành công - Ảnh 7.

Trong một sinh nhật của mình nhằm ngày lễ Vu lan, chị Hương đã gây xúc động khi chuẩn bị hai thau nước để rửa chân cho cha mẹ của mình

ẢNH: QUANG VIÊN

Người phụ nữ từng bán bánh, từng gom cơm thừa về nuôi heo, làm thợ tóc… hôm nay đã điều hành một công ty thẩm mỹ viện, đứng lớp dạy làm đẹp và còn là giám khảo, khách mời danh dự cho các cuộc thi liên quan đến thẩm mỹ. Hành trình của chị là minh chứng rõ nét rằng không xuất phát từ vạch đích, nhưng nếu kiên trì, ai cũng có thể chạm tới giấc mơ.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Hồ Thị Thanh Hương và thương hiệu “Hương Sala” đã ghi dấu ấn trong ngành làm đẹp. Năm 2016, chị được vinh danh với các giải thưởng: Bàn tay vàng; Thương hiệu xuất sắc; Dịch vụ uy tín chuyên nghiệp. Năm 2017, Trung tâm UNESCO hỗ trợ sức khỏe cộng đồng trao cho chị cúp “Bàn tay vàng vì sức khỏe cộng đồng”… Nhưng đối với chị, giải thưởng lớn nhất không nằm ở danh hiệu, mà là sự tin tưởng của khách hàng, sự trưởng thành của học viên và nụ cười mãn nguyện của cha mẹ ở quê nhà. (còn tiếp) 

Tôi không giỏi hơn ai cả, chỉ là tôi không ngừng đi tới. Nghèo không phải là cái tội, mà là một điểm xuất phát. Nếu mình không dừng lại, cái nghèo cũng phải buông mình ra thôi.

Chị Hồ Thị Thanh Hương