Lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp trên VNeID đến hết 29/5

Lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp trên VNeID đến hết 29/5

bởi

trong

Bộ Công an thiết lập và quản lý hệ thống tiện ích để lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID từ hôm nay đến hết ngày 29/5.

Văn phòng Chính phủ ngày 6/5 truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Thành Long về nội dung nêu trên. Bộ Công an đồng thời hướng dẫn người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên VNeID và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả chậm nhất trong ngày 30/5 gửi Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp được giao hướng dẫn tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, gửi các bộ ngành, địa phương. Bộ đồng thời tổng hợp báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến các đơn vị thuộc Chính phủ và địa phương, trình Chính phủ ngày 3/6. Đơn vị này còn làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các cơ quan trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Bộ Tài chính bố trí kinh phí và hướng dẫn các cơ quan lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí phục vụ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Để phục vụ lấy ý kiến nhân dân qua ứng dụng, bản cập nhật mới của VNeID trên điện thoại đã bổ sung tiện ích này. Theo đó, người dân có thể truy cập vào ứng dụng, vào mục Lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để gửi góp ý.

Các điều khoản của Hiến pháp dự kiến sửa đổi cũng được đăng tải trên ứng dụng để người dân tiện theo dõi. Đến tối nay, đã có hơn 230 lượt góp ý qua ứng dụng.





Lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp trên VNeID đến hết 29/5

Tiện ích lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Vũ Tuân

Chiều 5/5, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban. Ba Phó chủ tịch là Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó thủ tướng Lê Thành Long.

Tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lấy ý kiến nhân dân thông qua ứng dụng điện tử VneID. “Phải nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của người dân, các ngành, các cấp, đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo nghị quyết”, ông nói.

Trước đó, Quốc hội thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Điều 110 Hiến pháp 2013 có thể được sửa đổi theo hướng quy định khái quát về hệ thống đơn vị hành chính theo mô hình 2 cấp (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh), thay vì quy định chi tiết theo 3 cấp như hiện nay.

Vũ Tuân