Lịch sử trao truyền và tiếp nối

Lịch sử trao truyền và tiếp nối

bởi

trong
Lịch sử trao truyền và tiếp nối

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng vẽ lại bức tranh Bác Hồ tại buổi giao lưu – Ảnh: LÊ HUY

“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, câu nói bộc lộ khí chất của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam đi qua chiến tranh như được tái hiện ở chương trình “Câu chuyện hòa bình” tại Học viện Cán bộ TP.HCM.

Thiếu úy Nguyễn Thị Bích Nga, quyền chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, kể 15 tuổi đã đi theo làm cách mạng.

Có mặt trong chiến dịch Mậu Thân 1968, hồi ức của bà là những ngày cùng 88 chiến sĩ biệt động Sài Gòn nhận nhiệm vụ tấn công năm mục tiêu trọng yếu giữa lòng địch.

Quân số đối phương đông hơn, những trận đánh ác liệt diễn ra đã cướp đi 61 đồng đội mà đến nay còn những người vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Nhưng câu chuyện của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng (quê Quảng Bình) sẽ mãi là nỗi đau không thể nào quên.

13 người thân trong gia đình người chú họ của ông đã thiệt mạng khi bị bom giội thẳng vào mâm cơm.

Cộng thêm khí thế sục sôi của hơn chục ngàn sinh viên ở Hà Nội đầu những năm 1970 xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, xung phong vào chiến trường miền Nam, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1971 khi đang là sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Chiến trường Quảng Trị năm 1972 ác liệt, ông cùng đồng đội chiến đấu dưới mưa bom bão đạn. Bị trúng đạn khi ngồi trên xe tăng, hai mắt đầm đìa máu.

Khoảnh khắc ấy, sờ tay lên mắt lấm lem vết máu, hình ảnh Bác Hồ chợt hiện lên trong tâm trí, ông dùng chính máu mình vẽ chân dung Bác Hồ với cờ Đảng và cờ Tổ quốc cùng dòng chữ “Ánh sáng niềm tin, con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân – Lê Duy Ứng”.

Ngồi trước sinh viên hôm nay, ông Ứng không kìm được xúc động khi nhắc đến đồng đội. Bao ký ức kề vai sát cánh bên nhau như ùa về, những đồng đội mãi nằm lại còn in đậm trong tim, chiến trường Quảng Trị là niềm thương nỗi nhớ.

Bất giác ông nhắc câu thơ “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”.

Nói với người trẻ sinh ra trong hòa bình hôm nay, thiếu úy Nguyễn Thị Bích Nga mong các bạn không ngừng học tập, rèn luyện bản lĩnh, dám đấu tranh trước luận điệu sai trái, nhất là ý thức đóng góp xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TP.HCM Mai Hải Yến bày tỏ thế hệ sinh viên hôm nay lắng nghe lời kể của các nhân chứng lịch sử sẽ biết trân trọng hơn sự hy sinh, dấn thân của thế hệ đi trước.

Câu chuyện hòa bình cứ vậy tiếp nối từ dấu ấn lịch sử trao truyền qua các thế hệ, bắt đầu từ những người lính “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”!

Lịch sử trao truyền và tiếp nối - Ảnh 3.Sinh viên nối dài câu chuyện hòa bình

Ngày hội văn hóa, một trong các chương trình của chuỗi hoạt động cao điểm “Sinh viên TP Bác chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, diễn ra ngày 20-4 tại Nhà văn hóa Sinh viên (khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM).