Ngày 8.5, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức hội nghị sản phụ khoa Việt – Pháp – châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 25 với chủ đề: Kết nối học thuật – hội nhập quốc tế – nâng cao thực hành lâm sàng.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ khẳng định, thông qua hợp tác quốc tế, 25 năm qua, những kỹ thuật tiến bộ trong lĩnh vực sản phụ khoa trên thế giới đã được bệnh viện cập nhật. Không những vậy, các kỹ thuật này đã được bệnh viện chuyển giao cho các đơn vị trong nước như mổ nội soi, thụ tinh nhân tạo; các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu; kỹ thuật mổ ung thư cổ tử cung, nhau cài răng lược…
Các kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản phụ khoa đã giúp tỷ lệ tử vong mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ rất thấp so với thế giới, từ 97/100.000 ca sinh vào năm 2000 xuống còn 2,9/100.000 ca sinh vào năm 2024.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ
ẢNH: ĐỘC LẬP
Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, trong nhiều thập kỷ, nhiều bác sĩ Việt Nam đã được đào tạo tại Pháp, mang về những kiến thức và kinh nghiệm quý báu giúp thúc đẩy chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ và sức khỏe sinh sản.
Sự trao đổi kiến thức liên tục này không chỉ củng cố năng lực kỹ thuật mà còn củng cố cam kết của ngành y tế về công bằng, khả năng tiếp cận và lấy bệnh nhân làm trung tâm.
Theo ông, lĩnh vực sản phụ khoa đã bước vào kỷ nguyên đổi mới đáng chú ý, nhiều đột phá.
Đó là chẩn đoán trước sinh và di truyền cho phép phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh. Các kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn giúp cải thiện quá trình phục hồi và giảm thời gian nằm viện. Các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) mở ra những khả năng mới cho các cặp đôi vô sinh. Các công cụ kỹ thuật số, bao gồm y học từ xa và hình ảnh hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) đang chuyển đổi cách cung cấp dịch vụ chăm sóc.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ này, chúng ta phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
Đó là tỷ lệ tử vong ở bà mẹ vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được ở một số khu vực. Ung thư cổ tử cung và ung thư vú vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều phụ nữ vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sinh sản, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng thiếu dịch vụ. Sức khỏe tâm thần ở phụ nữ mang thai và sau sinh thường bị chẩn đoán và điều trị không đầy đủ.

Những tiến bộ của y học đã giúp công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng tốt hơn
ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo tiến sĩ Hà Anh Đức, đây chính là lúc sự hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thông qua quan hệ đối tác, chúng ta có thể chia sẻ không chỉ các công cụ và giao thức mà còn cả những hiểu biết sâu sắc về việc triển khai, cách thức chăm sóc sức khỏe hợp lý. Song song đó là cách thức điều chỉnh công nghệ theo bối cảnh địa phương và cách thức đảm bảo không có phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đầu tư vào thế hệ chuyên gia sản phụ khoa tiếp theo. Đó là bác sĩ, nữ hộ sinh, y tá và chuyên gia y tế công cộng thông qua giáo dục có cấu trúc, học tập dựa trên mô phỏng và trao đổi quốc tế…
Tại hội nghị, chuyên gia quốc tế nhận định, hợp tác quốc tế xuyên biên giới, không biên giới đã giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng sống cho trẻ sơ sinh, bà mẹ và thai nhi, cả thế hệ tương lai.
Trung tâm can thiệp bào thai chuẩn châu Âu đầu tiên trong nước tại Bệnh viện Từ Dũ
Ngày 8.5, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đón nhận Chứng nhận Trung tâm can thiệp bào thai chuẩn châu Âu. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam, do trường Quốc tế Y học chu sinh, sơ sinh và sức khỏe sinh sản châu Âu – PREIS (Ý) công nhận.
Cùng ngày, Bộ Y tế trao quyết định phê duyệt 5 kỹ thuật can thiệp bào thai mới nhất, ghi nhận bước tiến lớn trong lĩnh vực y học bào thai tại Việt Nam. 5 kỹ thuật gồm: Kỹ thuật truyền máu cho thai nhi qua dây rốn; nội soi buồng ối đốt dây rốn bằng Laser lưỡng cực; nội soi buồng ối dẫn lưu màng phổi thai nhi; nội soi buồng ối dẫn lưu bàng quang thai nhi; nội soi thông tim can thiệp bào thai.