Lỗ hổng an ninh trong vụ cặp tình nhân Israel bị bắn 21 phát ở Washington

Lỗ hổng an ninh trong vụ cặp tình nhân Israel bị bắn 21 phát ở Washington

bởi

trong

Giới chuyên gia cho rằng đã có nhiều lỗ hổng an ninh khi cặp tình nhân Israel bị bắn giữa thủ đô Mỹ và tay súng sau đó trà trộn vào đám đông.

Sau khi liên tục đi qua lại ngoài Bảo tàng Do Thái ở thủ đô Washington tối 21/5, nghi phạm Elias Rodriguez, 30 tuổi, nhanh chóng tiếp cận 4 người và nổ súng, khiến hai người thiệt mạng. Hai nạn nhân là Yaron Lischinsky và Sarah Milgrim, đều là nhân viên đại sứ quán Israel tại Mỹ và chuẩn bị đính hôn, bị bắn gục tại chỗ.

Nhân chứng cho biết sau khi bắn Lischinsky và Milgrim, nghi phạm thay đạn cho khẩu súng ngắn cỡ nòng 9 mm, bước đến gần họ và bắn thêm vài phát nữa. Sau khi bắn tới 21 phát đạn và gây ra cảnh hỗn loạn, Rodriguez đã giấu súng, trà trộn vào đám đông tiến vào trong bảo tàng.

Các nhân chứng nói ban tổ chức sự kiện còn tưởng nhầm Rodriguez là một nạn nhân và đưa nước uống cho nghi phạm. Rodriguez ở trong bảo tàng, giữa nhiều người khác, trong khoảng 10 phút, cho đến khi cảnh sát xuất hiện mới ra đầu thú.





Lỗ hổng an ninh trong vụ cặp tình nhân Israel bị bắn 21 phát ở Washington

Lực lượng hành pháp tại hiện trường hai nhân viên đại sứ quán Israel bị bắn chết ở thủ đô Washington ngày 22/5. Ảnh: AP

Sự việc xảy ra khi Ủy ban Do Thái Mỹ (AJC) đang tổ chức sự kiện tại bảo tàng, với sự tham gia có nhiều quan chức, nhân viên ngoại giao. Việc nghi phạm có thể tiếp cận được các nạn nhân ở ngoài nơi tổ chức sự kiện, bắn nhiều băng đạn mà không ai ngăn chặn, rồi vào bên trong như vậy cho thấy công tác an ninh của sự kiện có nhiều sai sót, giới chuyên gia nhận định.

“Chúng ta phải tìm hiểu lý do lực lượng an ninh đã thất bại”, Eric Fingerhut, giám đốc điều hành Liên đoàn Do Thái ở Bắc Mỹ, trả lời phỏng vấn trang tin Jewish Telegraph Agency.

Paul Goldenberg, cựu lãnh đạo Secure Community Network, chuyên điều phối an ninh cho các tổ chức Do Thái ở Mỹ, cho hay một video lan truyền trên mạng cho thấy Rodriguez bước vào tòa nhà với vẻ lo lắng, di chuyển giật cục.

“Những cử chỉ của anh ta gần như đã thể hiện rõ rằng có điều gì đó không ổn”, ông Goldberg nói. “Nếu chúng ta biết nghi phạm vừa bắn ai đó ở bên ngoài, bằng mọi biện pháp an ninh sẵn có, anh ta tuyệt đối không được phép vào trong tòa nhà”.

Katie Kalisher, một người tham dự sự kiện, kể với CBS News rằng cô đã gặp Rodriguez bên trong bảo tàng ngay sau khi nghe thấy tiếng súng.

“Anh ta bước vào, người sũng nước mưa và trông rất căng thẳng, sợ hãi”, Kalisher kể. “Chúng tôi an ủi anh ta, vì nghĩ rằng anh ta là người qua đường chạy vào đây để lánh nạn sau khi nghe thấy tiếng súng”.

Khi cô hỏi han, người đàn ông này tỏ vẻ sợ sệt, rồi sau đó hỏi lại “Cô có nghĩ họ tấn công vì nơi này là bảo tàng Do Thái không?”.

Kalisher nói rằng cô không nghĩ vậy và hỏi xem Rodriguez có ổn không. “Đột nhiên, anh ta rút ra một chiếc khăn keffiyeh của người Arab rồi nói ‘Là tôi đấy, tôi thực hiện vụ tấn công vì Gaza’”, cô kể. “Rồi anh ta bắt đầu hét lớn ‘Tự do cho Palestine’”.

AJC và bảo tàng đều chưa công bố bên nào chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho sự kiện.

Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát Đô thành (MPD) Washington Pamela Smith chiều 22/5 cho biết có các nhân viên an ninh tư nhân tại sự kiện của AJC, và không có sĩ quan cảnh sát nào đang làm nhiệm vụ hay làm việc ngoài giờ ở đó.

Sự kiện ngày 21/5 tại bảo tàng là cuộc họp mặt thường niên lớn nhất của AJC, quy tụ các chuyên gia trẻ người Do Thái từ 22 đến 45 tuổi và cộng đồng ngoại giao ở Washington. Nhưng Thị trưởng Washington Muriel Bowser nói nó không thuộc nhóm “đặc biệt”, thường được cơ quan hành pháp địa phương và liên bang hỗ trợ về an ninh.

“Quy mô sự kiện tương đối nhỏ và MPD hay các cơ quan chính quyền chỉ hỗ trợ nếu họ đề nghị”, bà Bowser nói, lưu ý rằng chính quyền địa phương và liên bang vẫn có chính sách dành cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo “lo ngại về bạo lực, chủ nghĩa bài Do Thái hoặc các hình thức phát ngôn và luận điệu thù ghét”.

Bảo tàng Do Thái hồi đầu tuần thông báo đã nhận hơn 30.000 USD hỗ trợ an ninh. Giám đốc bảo tàng Beatrice Gurwitz ngày 19/5 trả lời NBC Washington rằng số tiền sẽ giúp cơ sở chi trả cho lực lượng an ninh nhằm “đảm bảo sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp và giữ an toàn cho mọi người”.

“Tình huống cho thấy chúng ta đang sống trong thời kỳ có mức độ đe dọa cao đối với cộng đồng Do Thái. Do đó, các cơ sở có liên quan đến cộng đồng này nói riêng và các tôn giáo khác cần có biện pháp an ninh để bảo vệ những người đến các địa điểm đó”, cựu quyền thứ trưởng phụ trách tình báo và phân tích Bộ An ninh Nội địa Mỹ John Cohen cho biết.

Ông Cohen thêm rằng bảo tàng nằm gần văn phòng Cục Điều tra Liên bang (FBI) chi nhánh Washington, “nhưng không nên coi yếu tố này đồng nghĩa là an ninh đã được tăng cường”.





Nghi phạm Elias Rodriguez khi bị cảnh sát bắt. Ảnh: Sky News\

Nghi phạm Elias Rodriguez khi bị cảnh sát bắt. Ảnh: Sky News

Phát biểu ngoài Bảo tàng Do Thái sáng 22/5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi thừa nhận bà không biết rõ tình trạng an ninh tại sự kiện trước vụ nổ súng. Khi được hỏi liệu vụ nổ súng xảy ra gần văn phòng FBI có thể được coi là “một thất bại an ninh” hay không, bà Bondi bác bỏ.

“Tôi nghĩ không ai lường trước được chuyện xảy ra”, bà nói. “Họ ở một sự kiện tuyệt vời. Mọi người đều ăn mặc chỉnh tề và cùng ăn mừng”.

Giới chức Mỹ nhận định Rodriguez hành động đơn độc và đã mở cuộc điều tra. Nghi phạm đối mặt hai tội danh giết người cấp độ một và sát hại quan chức nước ngoài. Nếu bị kết án, Rodriguez có thể nhận án tử hình.

“Sự thù hận này phải chấm dứt. Nghi phạm sẽ bị truy tố theo đúng pháp luật”, bà Bondi nói.

Như Tâm (Theo ABC News, Politico, JTA)