
Phần lớn các bao bì, nhãn mác giả hiện nay được in ấn một cách dễ dàng ngay trong nước, với chất lượng tinh xảo không kém gì hàng thật.
Một trong những mắt xích then chốt nhưng lại ít được kiểm soát hiện nay chính là hoạt động in ấn nhãn mác, bao bì hàng hóa – công đoạn tưởng như chỉ là kỹ thuật nhưng lại có thể tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Các vụ việc vi phạm gần đây trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, dược phẩm, sữa hộp… bị các cơ quan chức năng phát hiện cho thấy thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, có tổ chức. Để đưa hàng giả ra thị trường tiêu thụ, các đối tượng phải có tem, nhãn, bao bì giả mạo hoặc gây nhầm lẫn với hàng thật. Từ đó, hàng hóa được “đội lốt” thương hiệu uy tín để qua mặt người tiêu dùng và cơ quan kiểm tra.
Câu hỏi đặt ra là: Bao bì, nhãn mác hàng giả từ đâu mà có? Ngoài các trường hợp bao bì, nhãn mác được in sẵn và nhập lậu từ nước ngoài, phần lớn các ấn phẩm giả mạo này được in ngay trong nước tại các cơ sở in, với chất lượng tinh xảo không kém gì hàng thật. Chính những tem, nhãn này là “hộ chiếu giả” cho hàng vi phạm tung hoành ngoài thị trường.
Theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, nhãn hàng hóa gồm hai loại: nhãn rời để dán hoặc gắn vào bao bì (ví dụ: nhãn dán lên chai nước khoáng, thuốc ho…) và nhãn in trực tiếp trên bao bì (như lon bia, hộp thuốc…). Trong khi đó, theo pháp luật chuyên ngành in, hoạt động in nhãn hàng hóa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện – cơ sở in phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý theo Nghị định số 60/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định số 25/2018/NĐ-CP và 72/2022/NĐ-CP).
Tuy nhiên, hoạt động in bao bì lại không bị xếp vào nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Về nguyên tắc, các cơ sở in bao bì chỉ cần đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Trên thực tế, bao bì có thể chia thành hai loại: Bao bì thông thường (không có nhãn hàng hóa): túi, hộp, thùng, bao gói; Bao bì có sẵn nhãn hàng hóa: vỏ lon bia, túi bột giặt, vỏ hộp thuốc… tức là đã có thông tin về nhãn hiệu, thành phần, công dụng in trực tiếp trên bao bì.
>>
Cần xác định rõ rằng, in bao bì có sẵn nhãn hàng hóa thực chất là hoạt động in nhãn hàng hóa. Vì vậy, cơ sở in cần phân biệt rõ ràng và tuân thủ đúng pháp luật khi in loại bao bì này, bao gồm điều kiện hoạt động và thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục Xuất bản, In và Phát hành; hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao cấp tỉnh).
Tuy nhiên, hiện nay không phải cơ sở in nào cũng nắm vững sự phân định này. Khái niệm “in bao bì” vẫn còn khá chung chung, kể cả trong văn bản pháp luật chuyên ngành. Nghị định số 60/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung vẫn chưa làm rõ điểm ranh giới này, tạo ra kẽ hở cho một số cơ sở in lợi dụng vì lợi nhuận hoặc thiếu hiểu biết, vô tình tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, khi hàng hóa đã ra thị trường, việc truy vết nguồn gốc in ấn rất khó khăn. Người tiêu dùng, vốn không có hoặc có ít kiến thức chuyên môn, gần như không thể phân biệt hàng thật và hàng giả.
Có thể thấy một số lỗ hổng trong pháp luật về quản lý hoạt động in bao bì, nhãn mác hàng hóa như sau:
Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa yêu cầu cơ sở in phải kiểm tra tính hợp pháp của nội dung nhãn hàng hóa trước khi in. Trên thực tế, phần lớn cơ sở in chỉ nhận bản thiết kế từ khách hàng và tiến hành in theo yêu cầu, không có trách nhiệm xác minh quyền sở hữu nhãn hiệu. Mặc dù trước đây, Nghị định số 60/2014/NĐ-CP có Điều 21 quy định về thủ tục nhận in, song điều khoản này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 25/2018/NĐ-CP. Từ đó, không còn quy định bắt buộc cơ sở in phải kiểm tra nội dung nhãn trước khi in, tạo ra “vùng xám” cho các hành vi in ấn vi phạm.
Thứ hai, Nghị định 43/2017/NĐ-CP chủ yếu tập trung quy định nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, nhưng chưa đề cập đến kiểm soát, phòng chống in nhãn giả.
Thứ ba, chưa có cơ chế chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý in (ngành văn hóa) và cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ (ngành khoa học và công nghệ). Việc thiếu liên thông dữ liệu làm hạn chế khả năng đối chiếu và giám sát nội dung in nhãn hàng hóa, dẫn đến buông lỏng quản lý.
Vậy, cần giải pháp gì để chặn đứng in bao bì, nhãn mác vi phạm?
Đầu tiên, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành in: Bổ sung lại quy định nghĩa vụ của cơ sở in đối với bao bì, nhãn hàng hóa. Yêu cầu xác minh rõ nguồn gốc, hợp pháp và không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xác định rõ khái niệm và phân loại in bao bì: in bao bì có nhãn hàng hóa phải được quản lý như in nhãn hàng hóa, không được coi là in thông thường. Tăng chế tài xử lý vi phạm: bổ sung quy định xử phạt hành vi in bao bì, nhãn hàng hóa vi phạm tại Nghị định số 14/2020/NĐ-CP; xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ sở in cố tình tiếp tay cho hành vi làm hàng giả, hàng nhái.
Ngoài ra, cần phối hợp liên ngành: Thúc đẩy chuyển đổi số và kết nối cơ sở dữ liệu giữa các ngành: Văn hóa, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an… để phục vụ việc kiểm soát nội dung in, xác minh nguồn gốc nhãn hàng hóa. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới doanh nghiệp in, sản xuất bao bì và hàng hóa, giúp họ hiểu đúng, làm đúng. Phát triển công cụ hỗ trợ người tiêu dùng: xây dựng cổng thông tin/ứng dụng di động để người tiêu dùng có thể tra cứu, đối chiếu, phát hiện, tố giác hàng giả. Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm: đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, có tính răn đe.
Tóm lại, công tác chống hàng giả, hàng nhái và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ không thể thành công nếu bỏ qua khâu kiểm soát hoạt động in nhãn mác, bao bì. Quản lý tốt lĩnh vực này không chỉ giúp ngăn chặn đầu vào cho hàng hóa vi phạm mà còn góp phần bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính và gìn giữ sự lành mạnh của môi trường kinh doanh.
- Nếu không có người tự đi kiểm định kẹo rau củ Kera
- ‘Giá trị miếng dán cường lực điện thoại 120.000 đồng ở tiệm khác xa hàng Shopee’
- Trả giá vì mua áo 200.000 đồng ‘vừa rẻ, vừa đẹp’
- Tôi thất vọng chiếc áo chính hãng Made in Vietnam 800.000 đồng nhưng lỗi mốt
- Tai nghe chồng ồn ‘2,6 triệu đồng giảm còn 799.000 đồng’ tắt tiếng sau 30 phút
- Nhiều người thích hàng hiệu nhưng mua hàng nhái