Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, ngày 21/7, các lực lượng chức năng phường Đồ Sơn, TP Hải Phòng đã kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, nhà cấp 4,… để vận động người dân đến nơi tránh trú bão an toàn.
Đến chiều 21/7, phường Đồ Sơn đã vận động, yêu cầu 100% người dân sống tại những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn.
Lánh bão ở trụ sở phường cũ
Trụ sở UBND phường Hải Sơn cũ được sử dụng làm nơi tạm lánh bão cho người dân. Đến tối cùng ngày, có gần 10 người dân đang tránh trú bão tại đây.
“Tại đây, chúng tôi sắp xếp chỗ ngủ nghỉ cho người dân và có cán bộ thuộc các ban ngành của phường ứng trực 24/24h để sẵn sàng đón người dân trong trường hợp cần thiết.
Tối 21/7, các đơn vị của phường nấu cơm cho mọi người còn khi bão đổ bộ nếu không thể di chuyển đã có đồ ăn nhanh, nước uống phục vụ người dân”, ông Nguyễn Đình Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đồ Sơn, nói.
Ông Dương cho biết, phường Đồ Sơn đã thành lập 5 tổ công tác (mỗi tổ từ 28 đến 36 người) để rà soát, vận động người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và phục vụ người dân tại điểm tránh trú bão.

Tổ công tác phường Đồ Sơn, Hải Phòng hỗ trợ người dân tại điểm tạm lãnh bão Wipha (Ảnh: Hải Long).
Đối với người già và trẻ em sống ở những nơi không đảm bảo trong chiều 21/7, tổ công tác phường Đồ Sơn yêu cầu di dời đến nhà hàng xóm hoặc đến trụ sở UBND phường Hải Sơn để tránh bão.
Ông cho biết thêm, trong gần 10 người đang tránh bão tại trụ sở UBND phường Hải Sơn cũ có 4 công nhân đang làm việc tại một công trường trên địa bàn phường, còn lại là người già, người khuyết tật và trẻ em.
Lo ngại “kịch bản Yagi”
Chiều 21/7, chị Lê Thị Hải Yến (phường Đồ Sơn) cùng mẹ già 74 tuổi bị tai biến được lực lượng chức năng địa phương hỗ trợ tới nơi tạm lánh bão tại trụ sở phường Hải Sơn cũ.
Căn nhà mẹ con chị Yến sinh sống ở vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt mỗi khi có mưa lớn. Rút kinh nghiệm từ cơn bão Yagi khiến nhiều tài sản của gia đình bị thiệt hại, đến nay khi nghe tin bão Wipha sắp đổ bộ, chị đã chủ động đến nơi tránh bão.
“Năm trước khi bão Yagi đổ bộ vào khu vực gần Đồ Sơn, tôi đã chủ quan cố bám ở nhà để giữ đồ đạc, nhưng sau đó nước ngập sâu tới ngực, đồ đạc hỏng hết, còn nguy hiểm nữa. Vậy nên năm nay tôi quyết định cho mẹ đi tránh bão sớm ngay khi chính quyền tới thông báo, vận động”, chị Yến bộc bạch.
Đi đến điểm tránh bão, mẹ con chị Yến chỉ mang theo một số vật dụng cần thiết như chăn màn, quần áo, còn đồ đạc điện tử trong nhà đã được tổ công tác phường Đồ Sơn lo cho an toàn.

Người dân sửa soạn lại đồ đạc tại điểm lánh bão Wipha trên địa bàn phường Đồ Sơn (Ảnh: Hải Long).
“Ở đây chúng tôi được cung cấp từ nước uống đến đồ ăn đầy đủ nên rất yên tâm và bớt phần lo lắng khi bão về”, chị Yến nói.
Sống một mình trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng nên mỗi khi có mưa to, gió lớn bà Nguyễn Thị Châm (73 tuổi, phường Đồ Sơn) rất lo lắng. Mấy ngày qua, nghe tin bão Wipha có thể đổ bộ vào khu vực phường Đồ Sơn, bà Châm càng thêm lo.

Rút kinh nghiệm từ bão Yagi, người dân tại phường Đồ Sơn chủ động đến điểm tạnh lánh bão Wipha (Ảnh: Hải Long).
Đến chiều 21/7, khi được chính quyền địa phương vận động đến điểm tạm lánh bão tại UBND phường Hải Sơn cũ, bà vội thu dọn một số đồ đạc trong nhà rồi tự đi xe đạp đến điểm tránh bão.
“Con cái ở xa cả, chỉ còn một mình tôi ở nhà nên tôi lo lắm. Năm ngoái bão Yagi đổ bộ đã khiến nhà cửa hư hỏng nặng nhưng tiếc của tôi cứ cố gắng chống đỡ, phải đến lúc mưa gió lớn tôi mới di chuyển. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi di tản sớm để an toàn”, bà Châm chia sẻ.
Theo ông Hoàng Đình Tú, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đồ Sơn, khi người dân đi tránh bão, các đồ đạc, vật dụng điện tử dễ bị hỏng trong nhà sẽ được tổ công tác của phường giúp kê ở những vị trí cao hơn.
Công tác phòng, chống bão Wipha tại phường Đồ Sơn đến nay đã cơ bản ổn định, song ông Tú vẫn lo lắng về vấn đề nước biển dâng.
Ông đánh giá, nếu nước biển dâng và đúng thời điểm bão đổ bộ sẽ rất nguy hiểm bởi có thể gây ngập lụt tại vùng ven biển và hậu quả để lại sẽ rất nặng nề.
Theo thông tin từ UBND phường Đồ Sơn, trên địa bàn có 200 hộ phải sơ tán tại chỗ với gần 590 nhân khẩu. Ngoài ra phường có 36 hộ phải sơ tán đến nơi khác với hơn 100 nhân khẩu.
Đưa người dân đến nơi tạm lánh bão Wipha là quyết định cấp thiết
Tối 21/7, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã đi thăm, động viên bà con nhân dân tại các điểm tạm lánh trên địa bàn phường Ngô Quyền.
Phường Ngô Quyền hiện có 66 điểm tạm lánh, đang tiếp nhận khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là các hộ dân đang sinh sống tại 16 chung cư cấp độ D – công trình cũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa bão. Tính đến 19h ngày 21/7, tại đây đã di chuyển hơn 1.000 hộ dân đến nơi an toàn.

Tại điểm lánh tạm bão số 3 trên địa bàn phường Đồ Sơn có đủ nhu yếu phẩm cần thiết như nước uống, đồ ăn nhanh (Ảnh: Hải Long).
Tại các điểm tạm lánh như Trường Tiểu học Quang Trung và Trường Mầm non 8/3 (phường Ngô Quyền, TP Hải Phòng), Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh, việc vận động người dân vào các điểm tạm lánh là quyết định cấp thiết.
Chính quyền các cấp sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản của người dân tại nơi cư trú. Địa phương sẽ bố trí cán bộ y tế trực 24/24h; đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; tiếp tục vận động số hộ còn lại khẩn trương di chuyển trước khi bão đổ bộ.
Về tình hình công tác phòng chống Bão số 3 của Hải Phòng, hiện thành phố có hơn 6.600 hộ dân với trên 19.700 người đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, cần theo dõi, ứng phó khi bão đổ bộ. Tại đặc khu Cát Hải còn gần 280 du khách đang lưu trú, trong đó có 84 khách nước ngoài.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và Chủ tịch UBND TP Lê Ngọc Châu thăm hỏi động viên các hộ dân tại điểm tạm lánh (Ảnh: UBND TP Hải Phòng).
Theo rà soát của Chi cục Kiểm lâm TP Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có gần 30 khu vực được xác định có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đặc biệt tại các phường từng thuộc thị xã Kinh Môn và thành phố Thủy Nguyên cũ.
Lực lượng chức năng được yêu cầu cắm biển cảnh báo, tổ chức kiểm soát và phân luồng giao thông tại các điểm có nguy cơ sạt lở. Trong những ngày mưa bão, người dân được khuyến cáo tạm ngừng hoạt động trồng rừng để phòng tránh rủi ro.