Hội đồng nhân dân 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau vừa thống nhất thông qua chủ trương sáp nhập 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Cà Mau (nằm ở địa đầu cực Nam Tổ quốc).
“Việc sáp nhập 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau nhằm mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế – xã hội, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; có điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững”, ông Từ Minh Phúc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, thông tin.
Từng chung một tỉnh hơn 28 năm trước
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), năm 1976, 2 tỉnh Cà Mau (An Xuyên) và Bạc Liêu hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Lúc này, tỉnh có 2 thị xã và 7 huyện. Trong đó, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Minh Hải (trước là thị xã Bạc Liêu, nay là TP Bạc Liêu).
Đến năm 1984, tỉnh lỵ Minh Hải dời về thị xã Cà Mau (TP Cà Mau ngày nay, cách TP Bạc Liêu hơn 60km).
Tháng 11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải ra làm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thực hiện từ ngày 1/1/1997 cho đến nay.
Bạc Liêu là tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau, hiện nằm trong nhóm đầu các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước về nuôi tôm, trong đó có tôm công nghiệp. Tỉnh được định hướng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng và trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước theo hướng công nghệ cao.

Một góc trung tâm TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau (Ảnh: CTV).
Còn tỉnh Cà Mau có vị trí rất đặc biệt, là vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; giữ vai trò là cầu nối với các nước trong khu vực, cửa ngõ quan trọng của vùng ĐBSCL và của cả nước.
Cà Mau được định hướng xây dựng là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng ĐBSCL; đồng thời, xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành (là 1 trong 6 trung tâm tổng hợp chuyên ngành của vùng ĐBSCL).
Theo quy hoạch, cả 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đều phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Sáp nhập 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, lấy tên gọi tỉnh Cà Mau
Theo đề án được Hội đồng nhân dân 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thông qua, tỉnh Cà Mau (mới) được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau.
Hai tỉnh này có điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội tương đồng. Mỗi tỉnh có lợi thế riêng có thể bổ sung để mở rộng không gian phát triển; có sự gắn kết chặt chẽ về cộng đồng dân cư, vị trí địa lý, lịch sử hình thành đơn vị hành chính; có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ngày càng cao của tỉnh mới và kết nối với khu vực.

Tòa nhà trụ sở UBND tỉnh và một số sở, ngành Cà Mau hiện nay. Theo đề án, trung tâm hành chính – chính trị tỉnh Cà Mau (mới) sẽ đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay (Ảnh: CTV).
“Việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên cơ sở tương đồng về văn hóa, truyền thống lịch sử, phong tục tập quán sẽ tạo nên sự gắn kết cộng đồng cao trong nhân dân, góp phần quan trọng tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”, đề án 2 tỉnh nêu rõ.
Tỉnh Cà Mau (mới) có diện tích tự nhiên hơn 7.942km2 (rộng thứ 3 ĐBSCL); quy mô dân số trên 2,6 triệu người; có 64 đơn vị hành chính cơ sở (9 phường, 55 xã). Trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh Cà Mau đặt tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) hiện nay.
Theo ông Từ Minh Phúc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, sau khi xây dựng đề án sáp nhập 2 tỉnh, tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến cử tri. Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã cũng tán thành chủ trương này.
“Kết quả có 455.779 cử tri của 2 tỉnh đồng ý sáp nhập tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, lấy tên tỉnh Cà Mau, đạt tỷ lệ hơn 99,1%”, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau (chủ trì làm đề án) thông tin.
Lợi thế của tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc sau sáp nhập
Theo đề án tỉnh Cà Mau (mới), sáp nhập tỉnh có quy mô lớn hơn sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trên bản đồ kinh tế – chính trị và nâng cao vị thế của tỉnh mới trong chiến lược phát triển vùng cũng như quốc gia.

Một dự án điện gió ở tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: H.H).
Lợi thế của tỉnh mới là mở rộng không gian phát triển; tạo ra các vùng kinh tế quy mô lớn, thu hút đầu tư, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của các địa phương (ngành, lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, du lịch, kinh tế biển và hạ tầng đồng bộ), từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Đặc biệt là phát triển kinh tế biển (với chiều dài bờ biển 310km và vùng biển rộng lớn khoảng 120.000km2); một trong những vựa thủy sản lớn nhất cả nước, theo mô hình kinh tế lớn (diện tích canh tác lúa khoảng 312.000ha; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 450.900ha, sản lượng tôm tiếp tục dẫn đầu cả nước khoảng 566.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,48 tỷ USD), đảm bảo nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch.
Cùng với đó là xúc tiến thu hút các dự án về năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời, các dự án hydro xanh, amoniac xanh từ nguồn điện năng lượng tái tạo,… hướng tới xuất khẩu điện.

Cảng hàng không Cà Mau (Ảnh: CTV).
Tỉnh có diện tích rộng và dân số đông sẽ trở thành các trung tâm kinh tế trọng điểm, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ vào thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực phong phú trên cơ sở phát triển các khu, cụm công nghiệp, đô thị tập trung, các vùng chuyên canh quy mô, tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tỉnh tập trung được nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối toàn diện, hiện đại như: sân bay (cảng hàng không Cà Mau); đường cao tốc (trục dọc Cần Thơ – Cà Mau, Cà Mau – Đất Mũi, trục ngang Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu); đường quốc lộ (quốc lộ 1, quốc lộ 63, Quản lộ – Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh, đường Nam sông Hậu, đường hành lang ven biển phía Nam); đường ven biển (đi qua địa phận Bạc Liêu và Cà Mau); cảng biển (Hòn Khoai và cầu đường kết nối đảo Hòn Khoai); trung tâm kinh tế biển (Gành Hào, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội…)…

Tới đây đường về Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) sẽ được xây dựng cao tốc, góp phần phát triển hơn nữa cho vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc (Ảnh: Huỳnh Hải).
“Việc hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau là đúng với chủ trương của Đảng, phù hợp với thực tiễn địa phương, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính, góp phần giảm số lượng đơn vị hành chính, số người làm việc trong cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở địa phương, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”, đề án sáp nhập 2 tỉnh nêu rõ.