Lũ miền Tây dự báo nhỏ

Lũ miền Tây dự báo nhỏ

bởi

trong

Lũ năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo nhỏ, đỉnh lũ xuất hiện vào giữa tháng 10, song nguy cơ ngập có thể xảy ra ở đô thị do triều cường dâng cao trong tháng 11.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mực nước lũ năm nay tại Tân Châu (An Giang) được dự báo cao nhất khoảng 3,3-3,5 m, thấp hơn các năm lũ lớn trước đây. Đỉnh lũ có khả năng xuất hiện từ ngày 8 đến 10/10, do ảnh hưởng của mưa lớn kết hợp với triều cường. Riêng khu vực Cần Thơ, Mỹ Thuận có thể xảy ra ngập trong tháng 11, cao điểm từ ngày 6 đến 9/11.

Hiện, mực nước lớn nhất đo được tại Tân Châu và Châu Đốc đều ở mức trên 2,1 m, thấp hơn báo động 1 lần lượt gần 1,5 m và 1 m. Tại Kratie (Campuchia) – khu vực đầu nguồn sông Mekong – mực nước hôm 18/7 đạt 17 m, cao hơn trung bình cùng kỳ 1,8 m nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng cảnh báo 4,8 m.





Lũ miền Tây dự báo nhỏ

Mực nước trên sông Tiền đoạn chảy qua tỉnh Đồng Tháp giữa tháng 7. Ảnh: Ngọc Tài

Tại Đồng Tháp, nhiều cánh đồng Hè Thu đã thu hoạch xong, người dân bắt đầu lấy nước vào đồng để vệ sinh ruộng, diệt cỏ dại. Trên các kênh nội đồng, nước lũ đã bắt đầu dâng lên, chuyển màu đục – dấu hiệu cho thấy mùa nước nổi đang về. Nông dân cũng đang chuẩn bị nông cụ, sẵn sàng bước vào giai đoạn mưu sinh theo con nước.

Dự báo lũ nhỏ, Viện Thủy lợi miền Nam khuyến nghị có thể mở rộng diện tích lúa vụ 3 tại các khu vực có đê bao thuộc vùng thượng và trung đồng bằng. Tuy nhiên, vùng ven biển và trung tâm đồng bằng cần đề phòng nguy cơ ngập do triều cường vào đầu tháng 10 và 11.

Mùa lũ, hay còn gọi là mùa nước nổi – là nét đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ, thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch (tức tháng 8 đến 11 Dương lịch). Nước lũ về mang phù sa bồi đắp đồng ruộng, làm sạch đồng, diệt cỏ dại, chuột… đồng thời cung cấp nguồn thủy sản như cá linh, cua đồng, lươn, rắn, bông súng, điên điển…

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, lũ nhỏ khiến phù sa giảm, thủy sản khan hiếm, người dân mất dần kế sinh nhai theo mùa nước nổi. Các chuyên gia khuyến cáo cần chuyển đổi sinh kế, giảm phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chuyển sang nuôi trồng phù hợp với biến động của nguồn nước.

Ngọc Tài