
Bà Phoenix Ho, trưởng phòng tham vấn học đường Trường mầm non – tiểu học – THCS – THPT Việt Mỹ (VA Schools) – Ảnh: MỸ DUNG
Bà Phoenix Ho, trưởng phòng tham vấn học đường Trường mầm non – tiểu học – THCS – THPT Việt Mỹ (VA Schools), chia sẻ như vậy trước đông đảo phụ huynh, học sinh trong buổi ra mắt phòng tham vấn học đường của trường ngày 17-5.
10 yếu tố ảnh hưởng hàng đầu
Thông tin đưa ra từ kết quả khảo sát 3.320 học sinh bậc THPT tại Việt Nam được thực hiện năm 2024 bởi đơn vị Hướng nghiệp Sông An.
Theo đó, các yếu tố ảnh hưởng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh gồm sở thích của bản thân (chiếm 87,82%); cơ hội việc làm (80,56%); năng lực hoặc năng khiếu của bản thân (chiếm 72,12%); tính cách bản thân (71,13%);
Kỳ thi hoặc điểm đầu vào (64,53%); khả năng tài chính của gia đình/bản thân (50,62%); mong muốn của cha mẹ (chiếm 33,97%); chia sẻ từ anh/chị đi trước (31,95%); tư vấn từ thầy cô, nhà trường (18,09%); người nổi tiếng mà học sinh hâm mộ (chiếm 10,23%).
Theo bà Phoenix Ho, trước đây, “mong muốn của cha mẹ” là yếu tố dẫn đầu ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của học sinh tại Việt Nam thì nay đã chuyển xuống hàng thứ bảy trong 10 yếu tố nói trên. Lý do, học sinh hiện nay quan tâm tìm hiểu nhiều đến bản thân và bị “cơ hội việc làm” tác động.
Tuy vậy, là người có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực tham vấn học đường, trong đó có quãng thời gian làm việc tại San Jose (Mỹ) và Việt Nam, thạc sĩ Phoenix Ho cho biết cha mẹ Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp của con cái.
Bà từng chứng kiến hàng ngàn trường hợp học sinh, sinh viên, những người đã đi làm rồi, cha mẹ người Việt vẫn ảnh hưởng rất lớn lên lựa chọn nghề nghiệp của họ.
“Ảnh hưởng của cha mẹ lên con cái cực kỳ mạnh mẽ. Tình yêu thương, sự nâng đỡ hoặc trách móc của cha mẹ in dấu sâu sắc lên mỗi cá nhân người Việt. Trong suốt những năm ngồi tham vấn tâm lý, nghề nghiệp cho học sinh, cha mẹ học sinh, dù cha mẹ không bắt ép nhưng con cái người Việt thường có xu hướng làm hài lòng cha mẹ, coi đó là hạnh phúc của mình”, bà chia sẻ.

Các thành viên phòng tham vấn học đường của Trường VA Schools – Ảnh: MỸ DUNG
2 giai đoạn vàng trong định hình sự nghiệp của học sinh, sinh viên
Sự ảnh hưởng đó của cha mẹ sẽ thực sự tốt cho con cái khi cha mẹ hiểu hết về các giai đoạn vàng trong phát triển của các cá nhân.
Theo mô hình phát triển nghề nghiệp, hai giai đoạn vàng để con khám phá sở thích, phát triển kỹ năng, phát huy được tiềm năng của mình mà cha mẹ cần biết. Đó là hai giai đoạn từ lúc con mới sinh đến 14 tuổi và từ 15 – 24 tuổi.
Vì thế, bà Phoenix Ho khuyên trong giai đoạn 1, cha mẹ hãy tạo điều kiện để con khám phá sở thích, hiểu bản thân, phát huy tiềm năng của mình.
Giai đoạn thứ hai là lúc con có thể sai và thử sai, cha mẹ hãy cho phép con sai và thử sai để chọn ra con đường đi đúng đắn, con có thể thay đổi nghề nghiệp, định hướng lại con đường các con theo đuổi.
Sự ủng hộ đầy hiểu biết của cha mẹ trong hai giai đoạn vàng này sẽ là nền tảng giúp con đạt được thành tựu trong sự nghiệp về sau và có hướng đi đúng đắn.
Bà cũng khuyên cha mẹ học sinh nếu có vấn đề khó giải quyết, có thể tìm đến các phòng tham vấn tâm lý, nghề nghiệp của các trường để được tư vấn hỗ trợ.