
Bản luận án tiến sĩ đã được xác định có đạo văn – Ảnh tư liệu
Một năm kể từ ngày (1-7-2024) luận án tiến sĩ ngành lịch sử của bà Lê Thị An Hòa bị tố cáo đạo văn và nhiều sai sót về sử liệu, việc xử lý đã tiến triển hơn sau khi đơn vị đào tạo tiến sĩ này (Trường đại học Khoa học – Đại học Huế) tổ chức đánh giá lại luận án.
Đại học Huế đã báo cáo Bộ GD-ĐT kết quả đánh giá lại luận án, và lúc này, dư luận đang thấp thỏm chờ quyết định sau cùng của bộ.
Loại bỏ phần đạo văn, luận án vẫn còn giá trị?
Kết luận của Trường đại học Khoa học Huế cho biết Hội đồng đánh giá lại nội dung luận án tiến sĩ này đã họp vào ngày 22-5-2025, với sự tham gia của 6 thành viên. 5/6 thành viên hội đồng đánh giá luận án ở mức trung bình, đề nghị nghiên cứu sinh chỉnh sửa, bổ sung những sai sót mà hội đồng đã chỉ ra.
Hội đồng quyết nghị: “Sau khi đã loại trừ phần đạo văn, trùng lặp, thì nội dung trong chương 2 và 3 của luận án vẫn có ý nghĩa khoa học, thể hiện công sức đóng góp của nghiên cứu sinh”. Theo kết luận đó, luận án này được phép cắt bỏ phần đạo văn, sửa chữa những sai sót, là đạt yêu cầu.

Kết luận của Hội đồng đánh giá lại nội dung luận án tiến sĩ do Trường đại học Khoa học Huế tổ chức – Ảnh tư liệu
Kết luận đó khiến nhiều người không đồng tình, nhất là giới nghiên cứu khoa học. Bởi vì, kết luận rằng “sau khi loại bỏ phần đạo văn” thì luận án vẫn còn giá trị, tức là hội đồng thẩm định đã xem đạo văn như là một sai sót, nhầm lẫn bình thường trong nghiên cứu khoa học. Hội đồng lại cho rằng “phần trùng lặp, đạo văn tập trung ở chương 4, nên giá trị khoa học, lý luận ở chương này hầu như không có giá trị”.
Xem nội dung luận án, chương 4 là kết quả nghiên cứu và biện luận của tác giả, nếu loại bỏ luôn cả chương này thì giá trị của luận án sẽ thế nào, mà các thành viên hội đồng đánh giá là đạt 55-60%?
Luận án đạo văn thì không được duyệt để bảo vệ
Nhưng điều đáng nói là: luận án tiến sĩ mà vi phạm đạo văn, thì theo quy định, phải bị loại ngay từ đầu. Tác giả luận án là nghiên cứu sinh năm 2013, vì vậy áp dụng theo quy định của thông tư 10/2009 và thông tư 05/2012 của Bộ GD-ĐT, cùng quy định 253/QĐ-ĐHH năm 2015 của Đại học Huế. Cả ba văn bản này đều xác định: luận án đạo văn thì không được duyệt để bảo vệ.
Cụ thể, điều 30 thông tư 10/2009 quy định yêu cầu đối với luận án tiến sĩ: “Nếu sử dụng tài liệu của người khác mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt để bảo vệ”.
Quy định về đào tạo tiến sĩ của Đại học Huế cũng ghi rõ yêu cầu đó: “Nếu sử dụng tài liệu của người khác mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt để bảo vệ” (điều 30 quy định 253/QĐ-ĐHH năm 2015).
Sau khi có đơn tố cáo luận án này đạo văn, Đại học Huế đã xác minh: “có khá nhiều đoạn, ý sử dụng các ý tưởng, đoạn văn giống với các công trình của các tác giả khác đã công bố mà không trích dẫn nguồn, theo đó, lỗi đạo văn được xác định là 12 trang”.

Kết luận của Đại học Huế về việc xác minh đơn tố cáo luận án tiến sĩ đạo văn – Ảnh tư liệu
Vậy mà, luận án đã vi phạm đạo văn này đã lọt qua cả hai hội đồng bảo vệ luận án cấp cơ sở (Trường đại học Khoa học Huế) và cấp viện (Đại học Huế), đã được bảo vệ công khai và được cấp bằng tiến sĩ.
Đến lúc này, bản luận án tiến sĩ ấy lại được đưa ra đánh giá lại thêm lần nữa, và đạo văn đã được xem như thể là một sai sót, nhầm lẫn bình thường, chỉ cần cắt bỏ là xong. Thật là vô lý!
Đạo văn như thể là sai sót bình thường?
Các thông tư nói trên đều quy định, trước khi họp hội đồng thẩm định đánh giá lại luận án, các thành viên hội đồng phải có bản nhận xét về “tính trung thực, minh bạch trong trích dẫn tư liệu”.
Tiếp đó, khi họp thẩm định, hội đồng thẩm định luận án có trách nhiệm “làm rõ những nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo”. Đơn tố cáo luận án này đạo văn, nhưng hội đồng đánh giá lại luận án không làm rõ việc vi phạm đạo văn, mà lại đánh giá luận án đạt mức trung bình, từ 55-60%.
Tức là, hội đồng thẩm định đã không hoàn thành nhiệm vụ theo đúng quy định về việc đánh giá lại luận án tiến sĩ bị tố cáo sai phạm.
Bộ GD-ĐT yêu cầu Đại học Huế đánh giá lại nội dung luận án và có hình thức kỷ luật đối với bà Lê Thị An Hòa (tác giả luận án), cũng như xem xét trách nhiệm của hội đồng đã thông qua luận án (trong trường hợp luận án không đạt yêu cầu, phải hủy kết quả). Theo kết luận của hội đồng đánh giá lại luận án, thì xem như cả hai hội đồng đánh giá luận án (cấp cơ sở và cấp viện) không sai gì cả.
Một luận án tiến sĩ vi phạm đạo văn ngay từ đầu, trong bản thảo, mà cả hai giảng viên hướng dẫn cùng với hai hội đồng chấm luận án với 14 nhà khoa học, trong đó có 6 ủy viên phản biện, hai người phản biện độc lập, vẫn không phát hiện ra.
Bản luận án đạo văn đó, lẽ ra phải bị loại ngay từ đầu, và như thế đã không xảy ra hệ lụy nặng nề kéo dài cả năm, tốn biết bao công sức vẫn chưa giải quyết xong. Để bây giờ, sai sót nghiêm trọng về đạo đức học thuật đó, lại được khắc phục bằng cách đề nghị cắt bỏ, chỉnh sửa.
Nếu Bộ GD-ĐT đồng ý với đề nghị này của Đại học Huế, thì xem như thừa nhận lỗi đạo văn như là một sai sót, nhầm lẫn bình thường trong nghiên cứu khoa học, chỉ cần cắt bỏ, chỉnh sửa là xong?