Luận điểm của Harvard khi kiện chính quyền Trump

Luận điểm của Harvard khi kiện chính quyền Trump

bởi

trong

Harvard cho rằng chính quyền ông Trump đã vi phạm quyền hiến định của trường, cảnh báo những hệ lụy tiềm ẩn khi đại học này bị Nhà Trắng nhắm đến.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem hôm 22/5 ra lệnh thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP) của Đại học Harvard, có hiệu lực ngay lập tức. SEVP là cơ chế cho phép các đại học tại Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có thị thực du học.

Theo bà Noem, đây là hệ quả của việc Harvard “nhiều lần từ chối cung cấp thông tin cần thiết cho Bộ An ninh Nội địa (DHS), duy trì môi trường trường học không an toàn, thù địch với sinh viên Do Thái và áp dụng các chính sách DEI (đa dạng, công bằng, hòa nhập) mang tính phân biệt chủng tộc”.

Trái với lý do bà Noem đưa ra, Chủ tịch Harvard Alan Garber khẳng định trường đã tuân thủ yêu cầu từ chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đúng pháp luật. Ông mô tả các động thái này là “vô cớ và phi pháp”. Harvard ngày 23/5 đệ đơn kiện lên tòa án liên bang thành phố Boston, bang Massachusetts, nêu ra các luận điểm để phản đối.





Luận điểm của Harvard khi kiện chính quyền Trump

Khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, tháng 12/2024. Ảnh: AP

Đơn kiện dài 72 trang, nguyên đơn là ông Garber và các thành viên Đại học Harvard. Phía bị kiện là loạt quan chức Mỹ, gồm Bộ trưởng DHS Noem, quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) Todd Lyons, Bộ trưởng Tư pháp Pamela Bondi, Ngoại trưởng Marco Rubio cùng các quan chức phụ trách chương trình SEVP.

“Hơn 70 năm qua, trường được chính quyền liên bang cấp phép để tiếp nhận sinh viên quốc tế theo các chương trình thị thực như F-1, J-1. Trường đã xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, đầu tư hàng triệu USD để tuyển những sinh viên tài năng nhất và hòa nhập họ vào cộng đồng Harvard”, đơn kiện có đoạn.

Harvard lưu ý rằng trong khoảng thời gian này, không có chính quyền nào dọa tước giấy phép SEVP của trường, nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ giữa tháng 4.

Bà Noem ngày 16/4 gửi thư cho Harvard yêu cầu cơ sở cung cấp toàn bộ thông tin về từng du học sinh có thị thực ở 13 trường thành viên của đại học trong vòng 10 ngày làm việc. Nếu trường không thực hiện yêu cầu này trước hạn chót 30/4, đồng nghĩa Harvard “tự nguyện rút khỏi SEVP và không thể kháng cáo”, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo.

“Dù đây là yêu cầu chưa có tiền lệ, Harvard đã lập tức thu thập thông tin mà chúng tôi lưu trữ hoặc có thể tiếp cận. Ngày 30/4, Harvard chuyển các thông tin này cho DHS. Ngày 14/5, Harvard bổ sung thông tin theo yêu cầu tiếp đó từ DHS. Nhưng đến ngày 22/5, DHS lại cho rằng phản hồi từ Harvard là ‘chưa đủ’ mà không giải thích gì thêm và thu hồi giấy phép SEVP”, đơn kiện viết.

Trường cho rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Trump “là sự vi phạm trắng trợn Tu chính án Thứ nhất”, vốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận và học thuật. Theo Harvard, quyết định thu hồi SEVP đồng nghĩa chính quyền ông Trump đã xâm phạm “quyền tự do học thuật được hiến pháp bảo vệ” của trường.

Họ cũng cáo buộc quyết định này vi phạm điều khoản về Quy trình Tố tụng và Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA) được quy định trong Tu chính án Thứ 5 và Tu chính án Thứ 14, bảo vệ người dân khỏi việc bị tước đoạt quyền cơ bản không đúng quy trình pháp lý. APA quy định lộ trình thời gian cụ thể để các cơ quan liên bang soạn thảo nguyên tắc và áp biện pháp trừng phạt hành chính với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Theo Harvard, chính quyền ông Trump đã vi phạm quyền được xét xử công bằng của trường vì không thông báo đầy đủ các căn cứ thu hồi SEVP và cơ hội để xử lý, không tiết lộ bằng chứng giới chức dựa vào để ra quyết định và từ chối cho trường cơ hội để phản hồi các cáo buộc.





Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem tại Washington ngày 20/5. Ảnh: AP

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem tại Washington ngày 20/5. Ảnh: AP

Harvard còn liệt kê lại các sự kiện từ ngày 31/3, khi căng thẳng với chính quyền ông Trump bắt đầu leo thang. Khởi đầu là cảnh báo từ Bộ Giáo dục Mỹ rằng họ sẽ đánh giá lại khoản tài trợ 8,7 tỷ USD cho trường, trong nỗ lực của Nhà Trắng “nhằm giải quyết làn sóng bài xích Do Thái”.

Ba ngày sau, Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) gửi thư liệt kê những yêu cầu cải cách mà Harvard cần thực hiện. JTFCAS ngày 11/4 lại gửi tiếp một bức thư yêu cầu trường thực hiện thêm các cải cách.

“Khi Harvard ngày 14/4 tuyên bố từ chối thỏa hiệp, chính quyền lập tức trả đũa”, trường cho biết. “Chỉ vài giờ sau, chính quyền Trump đóng băng 2,2 tỷ tài trợ liên bang cho các nghiên cứu quan trọng”. DHS cũng hủy một gói tài trợ 2,7 tỷ USD cho trường.

“Tất cả những điều này cho thấy việc thu hồi SEVP đơn giản chỉ là một phần trong chiến dịch trả đũa quy mô lớn hơn nhằm vào Harvard của chính quyền liên bang”, theo đơn kiện của Harvard.

Harvard nêu ra các tác động tiềm ẩn từ việc bị thu hồi SEVP, như trường phải hủy việc nhập học của hàng nghìn sinh viên, đẩy “vô số chương trình học thuật, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, phòng khám và các khóa học” vào tình trạng hỗn loạn, chỉ vài ngày trước lễ tốt nghiệp năm 2025. Hoạt động thường ngày của trường sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Harvard cho rằng vị thế của trường trong cạnh tranh thu hút nhân tài quốc tế sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Theo số liệu thống kê của trường, Đại học Harvard đã tuyển sinh gần 6.800 sinh viên quốc tế trong năm học hiện tại, tương đương 27% tổng số sinh viên.

“Nếu không có sinh viên quốc tế, Harvard không còn là Harvard”, đơn kiện nhấn mạnh. Harvard còn gửi kiến nghị rằng thẩm phán cần lập tức chặn quyết định của bà Noem.





Nhà Trắng tại thủ đô Washington, Mỹ tháng 11/2024. Ảnh: AFP

Nhà Trắng tại thủ đô Washington, Mỹ tháng 11/2024. Ảnh: AFP

Vài giờ sau khi Harvard đệ đơn kiện, thẩm phán liên bang Allison Burroughs ở bang Massachusetts đã quyết định chặn tạm thời lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế với Harvard. Quyết định này thường có thời hạn một tuần, trừ khi thẩm phán có phán quyết sơ bộ để gia hạn thành “trong thời gian chờ giải quyết vụ kiện”.

Bà Burroughs lên lịch tổ chức một cuộc họp từ xa vào ngày 27/5 và phiên điều trần tại tòa ở Boston vào ngày 29/5 để cân nhắc có ra phán quyết sơ bộ hay không. Nếu không, chính quyền Trump sẽ lại hủy giấy phép SEVP của Harvard.

“Mọi thứ lúc này tạm trở về nguyên trạng. Harvard có thể tiếp tục tuyển du học sinh”, chuyên gia pháp lý Elie Honig của CNN nói. “Nhưng vấn đề lớn hơn vẫn cần được giải quyết tại tòa án”.

Eric Freedman, giáo sư Trường Luật Hofstra, đánh giá vụ kiện của Harvard “có cơ sở pháp lý mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho công chúng”. “Chính quyền liên bang ra tuyên bố thì dễ, nhưng đưa ra các bằng chứng trước tòa để chứng minh họ đã tuân thủ luật pháp lại không đơn giản”, ông Freedman cho biết.

“Tôi nghĩ Harvard sẽ thắng kiện”, Stephen Yale-Loehr, cựu giáo sư về luật nhập cư Đại học Cornell, nhận định.

Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn giữ quan điểm cho rằng các thẩm phán không nên can thiệp vào những động thái hành pháp của chính quyền.

“Người dân Mỹ bầu Tổng thống Trump, không phải một thẩm phán địa phương ngẫu nhiên với nghị trình theo khuynh hướng tự do, để điều hành đất nước”, Abigail Jackson, phát ngôn viên Nhà Trắng, nói. “Những thẩm phán không được bầu này không có quyền chặn chính quyền liên bang thực hiện quyền hợp pháp liên quan chính sách nhập cư và an ninh quốc gia”.

Như Tâm (Theo Guardian, Newsweek, CNN)