Luật công chứng, nên biết những điểm mới đáng chú ý nào?

Luật công chứng, nên biết những điểm mới đáng chú ý nào?

bởi

trong

Chuyển đổi phòng công chứng (công) sang tư nhân

Theo Nghị định số 104 năm 2025 quy định 3 mốc thời gian để chuyển đổi từ công chứng công (phòng công chứng) sang tư nhân (văn phòng công chứng). Căn cứ mức tự chủ tài chính của phòng công chứng, lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể phòng công chứng tại các địa phương được thực hiện như sau:

Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư: hoàn thành chậm nhất là ngày 31.12.2026.

Đối với các phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên: hoàn thành chậm nhất là ngày 31.12.2027.

Đối với các phòng công chứng còn lại: hoàn thành chậm nhất là ngày 31.12.2028.

Luật công chứng, nên biết những điểm mới đáng chú ý nào?

Phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật, không phân biệt công chứng công hay tư nhân

ẢNH: NGÂN NGA

Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Trường hợp không có khả năng chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án giải thể phòng công chứng trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Văn phòng công chứng được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ phòng công chứng sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ trong hoạt động công chứng và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ. Điều này bảo đảm tính liên tục trong cung cấp dịch vụ công chứng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng trước đó. Khi cần cấp bản sao, sửa đổi, bổ sung văn bản công chứng cũ, người dân, các tổ chức chỉ cần liên hệ với văn phòng công chứng mới sau chuyển đổi.

Phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức hành nghề công chứng là công chứng công hay tư nhân.

Công chứng tư được hoạt động theo loại hình công ty hợp danh

Điều 23, 76 luật Công chứng 2024, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của văn phòng công chứng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên.

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên.

Văn phòng công chứng được thành lập trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà chưa có điều lệ thì phải xây dựng và gửi Sở Tư pháp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. Trường hợp có thành viên hợp danh chưa góp vốn vào Văn phòng công chứng thì phải thực hiện góp vốn và gửi tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp trong thời hạn nêu trên.

Văn phòng công chứng được lựa chọn tên gọi

Từ ngày 1.7, văn phòng công chứng được lựa chọn tên gọi (không phải đặt theo tên của thành viên hợp danh hoặc trưởng văn phòng). Do vậy, có thể có nhiều tổ chức có nhu cầu đổi tên (dùng lại tên cũ trước đây).

Để thực hiện đúng quy định pháp luật về tên gọi của các tổ chức trong cùng lĩnh vực không được trùng, hoặc gây nhầm lẫn, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét hướng dẫn các địa phương thực hiện việc nhập tên gọi tại phần mềm quản lý công chứng của bộ này. Việc giải quyết thay đổi tên gọi theo nguyên tắc ưu tiên cho tổ chức đăng ký tên gọi trước.

Thời gian đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng

Tại khoản 2, 3 điều 11 và khoản 1 điều 12 luật Công chứng 2024 đã bỏ quy định về bồi dưỡng nghề công chứng, miễn đào tạo nghề công chứng. Thay vào đó tất cả các đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên đều phải tham gia đào tạo nghề công chứng.

Tuy nhiên, luật mới quy định các trường hợp được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng (còn 6 tháng), mở rộng đối tượng hơn so với luật Công chứng năm 2014 như: trợ giúp viên pháp lý hạng 2; thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật; thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 5 năm trở lên.

Tập sự hành nghề công chứng

Theo khoản 1 điều 12 luật Công chứng 2024, quy định tất cả các trường hợp đều phải tập sự 12 tháng.

Các trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề công chứng, thì ngoài các trường hợp quy định theo luật Công chứng 2014, còn quy định thêm các trường hợp sau:

  • Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  • Người đang là thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật thẩm định viên về giá, làm việc theo hợp đồng làm việc, hoặc hợp đồng lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan, tổ chức khác hoặc tham gia công việc mà thường xuyên phải làm việc trong giờ hành chính.
  • Người đang là thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật thẩm định viên về giá, bị miễn nhiệm, hoặc thu hồi chứng chỉ do vi phạm pháp luật mà chưa hết thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực (khoản 5 điều 3 Thông tư 06 năm 2025 của Bộ Tư pháp).

Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng là vô thời hạn; trừ trường hợp trong 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì hết hiệu lực.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên

Theo điều 10 luật Công chứng 2024, tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên như sau:

  • Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi.
  • Thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
  • Có bằng cử nhân luật, hoặc thạc sĩ luật, hoặc tiến sĩ luật.
  • Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật, hoặc thạc sĩ luật, hoặc tiến sĩ luật.
  • Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.
  • Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.

Thẩm quyền và thời hạn bổ nhiệm công chứng viên

Theo điều 14 Nghị định 121 năm 2025 Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền bổ nhiệm công chứng.

Trường hợp không được bổ nhiệm lại công chứng:

  • Người bị kết án tội do vô ý mà chưa được xóa án tích; do bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
  • Bị miễn nhiệm công chứng viên do hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng, hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng.
  • Thuộc trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại điều 14 của luật Công chứng 2024 tại thời điểm đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên.

Miễn nhiệm công chứng viên

Ngoài các quy định tại luật Công chứng 2014, luật Công chứng 2024 còn có thêm điểm mới:

  • Đương nhiên miễn nhiệm khi 70 tuổi.
  • Bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 lần trở lên về hoạt động hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng.
  • Hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng.
  • Bị xử lý kỷ luật từ 2 lần trở lên trong thời hạn 12 tháng hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc.

Giao dịch được công chứng có gía trị như thế nào?

Theo luật Công chứng năm 2024, công chứng là dịch vụ công do công chứng viên thực hiện, nhằm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch mà theo quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành giữa các bên liên quan là cơ sở để các bên tham gia giao dịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng.

Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ trước tòa án, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Đối với giao dịch phải công chứng, lần đầu tiên luật Công chứng có một điều quy định về vấn đề này. Theo đó, chỉ những giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ rủi ro pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định mới bắt buộc phải công chứng. Đồng thời, Bộ Tư pháp có trách nhiệm cập nhật, đăng tải danh mục các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên cổng thông tin điện tử để người dân, cơ quan, tổ chức có thể theo dõi và biết rõ.