
PGS.TS Huỳnh Thị Gấm chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Thời tuổi trẻ của luật sư Nguyễn Hữu Thọ là chủ đề tọa đàm vừa được Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam phối hợp vùng Ban liên lạc câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam tổ chức.
“Ông là tấm gương sáng để thanh niên Việt Nam hôm nay học tập, noi theo trong tư thế bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, TS Lê Hồng Liêm phát biểu.
Nhìn lại cuộc đời của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, PGS.TS Huỳnh Thị Gấm cho hay, ngay từ năm 11 tuổi ông đã được gia đình gửi sang Pháp học. Đỗ cử nhân luật loại xuất sắc, ông trở về và trở thành luật sư nổi tiếng bảo vệ công lý, bênh vực người nghèo và chống bất công xã hội.

Các bạn học sinh lắng nghe thông tin về cố luật sư tại tọa đàm – Ảnh: LÊ HUY
Ông đã bước vào con đường cách mạng với cái tên thân thương Ba Nghĩa. Mà dù được chính quyền thực dân bổ nhiệm làm chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long thời đó song ông giữ vững lập trường, âm thầm tiếp sức cho cách mạng từ trong lòng đối phương. Đến cuối năm, ông vào căn cứ Đồng Tháp Mười theo đề nghị của Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, chính thức trở lại khu vực tạm chiếm, hoạt động nội tuyến, giúp đỡ đồng bào và lực lượng kháng chiến.
Là một trí thức lớn, ông tích cực tham gia phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn và được Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn giao nhiệm vụ trong ban trí vận. Cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã cùng các nhà văn hóa, trí thức thành lập Hội văn hóa Sài Gòn – Chợ Lớn, được cử làm chủ tịch.
Ông được xem là luật sư chính nghĩa, sống giản dị, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, kiên định đi theo con đường cách mạng. Trên nhiều cương vị công tác, từng giữ vai trò quyền chủ tịch nước, ông luôn thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng mẫu mực. Đặc biệt, sinh thời ông rất quan tâm đến việc bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bị bắt, đi tù và lưu đày nhiều nơi. Ông chính là người dẫn đầu đoàn trí thức Sài Gòn tham gia lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị bắn chết trong sự kiện ngày 9-1-1950 với lời kêu gọi nổi tiếng: “Hãy sống xứng đáng với người đã khuất”.