Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Dự thảo nghị định áp dụng cho 3 nhóm lao động, gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định.
Dự thảo đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tăng 7,2% so với mức hiện hành, trùng với phương án Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ.

Đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu theo tháng, giờ từ năm 2026 (Ảnh chụp màn hình).
Cụ thể, quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng, bao gồm vùng I là 5,31 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,73 triệu đồng/tháng, vùng III là 4,14 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,7 triệu đồng/tháng.
Bộ Nội vụ cho biết mức lương tối thiểu nêu trên tăng 250.000-350.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 7,2%) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2026 để cải thiện cho người lao động.
“Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, dự thảo tờ trình của Bộ nêu.
Về các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng, vùng I là 25.500 đồng/giờ, vùng II là 22.700 đồng/giờ, vùng III là 20.000 đồng/giờ, vùng IV là 17.800 đồng/giờ.
Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là phương pháp được các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ từ năm 2022 đến nay.
Về thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu, dự thảo đề xuất thực hiện từ ngày 1/1/2026 để đảm bảo thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực thực hiện.
Tại Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã 20 lần điều chỉnh lương tối thiểu nói chung, trong đó 15/18 lần thực hiện điều chỉnh vào ngày 1/1. Những lần điều chỉnh khác thời điểm trên đều gắn với những biến động bất thường như ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng qua 2 phiên họp.
Tại phiên họp thứ 2 kết thúc vào trưa 11/7, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương cho biết, với 13/16 thành viên hội đồng đã bỏ phiếu tán thành với phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2026.
“Sau khi 3 bên đã trao đổi, thảo luận và các bên đưa ra rất nhiều các giả thiết, tình huống, đặc biệt là các yếu tố về quá trình phát triển kinh tế của đất nước, thành viên hội đồng đã thống nhất rất cao với phương án tỷ lệ là tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 là 7,2%, thời điểm tăng là ngày 1/1/2026”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương thông tin.