Là người có lập trường cân bằng và hợp tác, tân Giáo hoàng Leo XIV dường như sở hữu yếu tố mà Giáo hội cần ở một lãnh đạo giữa những hỗn loạn, chia rẽ.
Trong mật nghị ngày 8/5, các hồng y đã phá vỡ thông lệ và bầu chọn giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong gần 2.000 năm lịch sử của Giáo hội. Hồng y Robert Francis Prevost, 69 tuổi, sau đó xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter với tư cách Giáo hoàng Leo XIV.
Hồng y Joseph Tobin từ Newark, bang New Jersey, người tham gia mật nghị, cho hay trong những vòng bỏ phiếu đầu tiên, mọi thứ trôi qua như “một dòng sông băng di chuyển”, chậm rãi nhưng có sức nặng. Đây dường như là lý do mật nghị không bầu được tân giáo hoàng trong ba vòng bỏ phiếu đầu tiên vào chiều 7/5 và sáng 8/5.
“Rồi cũng đến lúc sông băng trượt đi nhanh hơn dưới áp lực lớn. Tôi tin rằng chúng tôi đã làm việc khẩn trương không chỉ dựa trên lý trí, mà còn nhờ đức tin vào Chúa”, ông Tobin nói. Trong vòng bỏ phiếu thứ tư, khói trắng bốc lên từ Nhà nguyện Sistine, báo hiệu giáo hoàng mới đã được bầu.
Khi chọn Hồng y Prevost, những người tham gia mật nghị dường như tin rằng những nét pha trộn trong bản sắc của ông, một giáo hoàng của nước Mỹ và thế giới, sẽ giúp ông đảm nhận tốt hơn vai trò lãnh đạo Giáo hội toàn cầu giữa lúc có nhiều chia rẽ, hỗn loạn.
Hồng y Prevost sinh ra tại Mỹ, nhưng dành phần lớn cuộc đời ở nước ngoài. Ông đã sống và làm việc ở Peru trong vai trò người truyền giáo và linh mục. Gần đây hơn, ông được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican, phục vụ tại Tòa thánh như một phụ tá thân cận của cố Giáo hoàng Francis.
Những sự pha trộn đó dường như đã giúp định hình những nét ban đầu của một nhiệm kỳ Giáo hoàng mới, đó là xây cầu nối, hòa nhập và nhận thức toàn cầu.
“Chúng ta phải cùng nhau cố gắng trở thành một nhà thờ truyền giáo, một nhà thờ xây cầu nối và đối thoại, luôn rộng mở như quảng trường này, để dang rộng vòng tay chào đón tất cả những ai cần lòng bác ái và sự hiện diện của chúng ta”, tân Giáo hoàng Leo XIV phát biểu khi ra mắt ở Vatican.
Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt tối 8/5. Video: AP
Tân Giáo hoàng Leo XIV trước đây ít khi lên tiếng trước công chúng, đặc biệt là về một số vấn đề gây chia rẽ của Giáo hội như vai trò của phụ nữ, ban phước cho người đồng tính. Tuy nhiên, về các vấn đề công bằng xã hội, ông lại truyền đi cùng một ngọn lửa như cố Giáo hoàng Francis, trở thành tiếng nói toàn cầu cho những người yếu thế.
“Ông ấy là người cân bằng, điềm tĩnh và xử lý tốt khủng hoảng”, linh mục Mark R. Francis, bạn học cũ của Giáo hoàng Leo XIV, nói. “Ông ấy suy nghĩ thấu đáo và có sự lãnh đạo ổn định”.
Giới quan sát cho rằng chính sự thận trọng, cân bằng khiến ông trở thành lựa chọn dễ chịu đối với cả phe bảo thủ và cấp tiến trong Giáo hội.
“Ông ấy là người có thể khiến những người cấp tiến và cả những người bảo thủ đều cảm thấy thoải mái. Cả hai bên đều có thể tìm thấy những điều mà họ ca ngợi và đồng cảm ở ông ấy. Tôi không nghĩ điều đó có thể giải quyết dứt điểm những khác biệt trong Giáo hội, nhưng đó là một thành công”, Cha Robert Sirico, chủ tịch danh dự của nhóm nghiên cứu về đức tin Viện Acton ở Mỹ, nhận xét.
Tân Giáo hoàng chọn tông hiệu là Leo XIV. Tên gọi Leo đã được 13 Giáo hoàng tiền nhiệm sử dụng. Phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni xác nhận tân Giáo hoàng chọn tông hiệu này để gợi nhớ Giáo hoàng Leo XIII và học thuyết xã hội của nhà thờ (chú trọng đến vai trò của con người trong xã hội như gia đình, nghề nghiệp, thương mại, kinh tế, chính trị, vấn đề nóng của thời đại), đặc biệt là thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự), được coi là thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội Công giáo.
Giới quan sát cho hay từ cách chọn tông hiệu và trang phục truyền thống cho lần đầu ra mắt, tân Giáo hoàng đã cho thấy sự khao khát quay trở lại truyền thống.
“Tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy ông ấy đang cố gắng chìa cành ô liu với cánh bảo thủ hơn trong Giáo hội. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là Giáo hoàng giúp thống nhất Giáo hội”, Joshua Mercer, đồng sáng lập CatholicVote, nói.
Tân Giáo hoàng cũng đã cho thấy những quan điểm tương đồng với người tiền nhiệm. Ông nhấn mạnh mục tiêu tiếp cận những người nghèo và quan tâm tới vấn đề môi trường, giống những gì cố Giáo hoàng Francis từng làm.
“Trở thành giám mục không phải là chỉ sống trong vương cung, mà phải sát cánh bên người dân”, ông nói với Vatican News trong cuộc phỏng vấn gần đây, lặp lại quan điểm của cố Giáo hoàng.
Năm 2014, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm ông làm Giám mục giáo phận Chiclayo ở Peru. Patricia Campos, hiệu trưởng Đại học Công giáo Santo Toribio de Mogrovejo ở Chiclayo, nhớ lại trong một trận lũ lụt ở miền bắc Peru, “ông ấy đã tới vùng nông thôn để giúp mọi người. Khi trường bị ngập lụt, ông ấy cũng giúp chuyển đồ đạc”.
Năm 2023, ông giữ chức Tổng trưởng Bộ Giám mục, một trong những cơ quan quan trọng nhất của Vatican, đảm nhận nhiệm vụ lựa chọn và giám sát bổ nhiệm các giám mục trên thế giới. Vai trò này đã giúp ông xây dựng quan hệ với nhiều người trong số 133 hồng y tham gia mật nghị tại Rome.
“Với kinh nghiệm truyền giáo tại Peru, lãnh đạo Dòng Augustine và gần đây là người đứng đầu Bộ Giám mục, ông Prevost là một công dân toàn cầu thật sự, một nhà truyền giáo đúng nghĩa trong tâm hồn”, Hồng y Robert McElroy từ Washington nói.
Tobin bổ sung rằng tân Giáo hoàng từng dành nửa năm ở Rome, nửa còn lại đi khắp thế giới và điều đó giúp ông biết cách thay đổi để hiểu và sống trong nền văn hóa khác. Ông lưu ý rằng Giáo hoàng Leo XIV thông thạo tiếng Anh, Italy, Tây Ban Nha, Latin và một ít tiếng Quechua của người bản xứ ở Nam Mỹ. “Ông ấy sẽ có cách suy nghĩ khác biệt”, Tobin nói.
Linh mục Giacomo Costa, thư ký đặc biệt tại Thượng Hội đồng và là người đã làm việc với ông Prevost những năm gần đây, mô tả tân Giáo hoàng là người “luôn lắng nghe, tham gia, đóng góp nhưng không bao giờ cố gắng áp đặt quan điểm của mình”.

Tân Giáo hoàng Leo XIV tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 8/5. Ảnh: AP
Trong những năm gần đây, các phe phái trong Công giáo Mỹ ngày càng công khai chỉ trích Giáo hội ở Rome, từ những phản đối mạnh mẽ với thông điệp của Giáo hoàng Francis tới việc các giám mục công khai thách thức những định hướng từ Vatican.
“Do đó, bầu Giáo hoàng Leo XIV có thể vừa được coi là động thái mời gọi đoàn kết vừa như thông điệp sửa chữa vấn đề. Ông ấy hiểu bối cảnh Mỹ vì đó là nơi ông ấy sinh ra”, Bryan Lawrence Gonsalves, nhà bình luận của Medium, viết.
Với sự trở lại của Tổng thống Donald Trump và làn sóng dân túy trên toàn cầu, Giáo hội được cho phải đối mặt với thử thách sâu sắc. Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo tôn giáo có thể bị cám dỗ mạnh mẽ để thiết lập mối liên kết quyền lực, lặp lại những lời hùng biện của các lãnh đạo nổi tiếng hoặc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định cứng nhắc về giáo lý, theo giới quan sát.
Tuy nhiên, ông Prevost dường như đã chọn một con đường khác. Hồng y Prevost đã không ngần ngại thách thức các hành động của chính quyền Tổng thống Trump. Ông từng đăng lại một bài viết trên mạng X chỉ trích việc Nhà Trắng trục xuất một cư dân Mỹ tới El Salvador và chia sẻ bài bình luận chỉ trích Phó tổng thống JD Vance.
Tuy nhiên, các hồng y dự mật nghị bác bỏ ý kiến cho rằng Giáo hoàng Leo XIV được chọn để đối trọng với Tổng thống Trump. Hồng y Wilton Gregory khẳng định những người tham gia mật nghị không tìm kiếm tân Giáo hoàng “để chống lại bất kỳ ai mà là người có thể làm sống lại đức tin ở nơi đang phai nhạt”.
“Quốc tịch Mỹ của Hồng y Prevost không có ý nghĩa quyết định. Chúng tôi chọn ngài vì ngài có thể xây dựng những nhịp cầu, không chỉ với ông Trump, mà với các lãnh đạo khác trên thế giới”, Hồng y Dolan cho hay.
Những lập trường của Giáo hoàng Leo XIV cũng thể hiện mối quan tâm tới nghèo đói, sự đa dạng và cộng đồng. Gonsalves nhận xét “ngài ấy xuất hiện không phải với tư cách một Giáo hoàng người Mỹ, mà như là người trùng hợp là công dân Mỹ. Đó là sự khác biệt”.
Gonsalves thêm rằng “một giáo hoàng có thể nói chuyện ở các khu ổ chuột tại Lima tới các phòng họp ở Washington có vị thế độc đáo để thống nhất một Giáo hội đang bị chia rẽ”.
Thùy Lâm (Theo WSJ, Medium, Washington Post)