Lý do nên đọc tiểu thuyết

Lý do nên đọc tiểu thuyết

bởi

trong

Theo nhà văn Elif Shafak, khi thế giới hỗn loạn với thông tin dày đặc, con người có thể chọn đắm mình vào các cuốn tiểu thuyết hay, để tìm lại sự khôn ngoan.

Trên Guardian ngày 11/5, tiểu thuyết gia người Anh gốc Thổ Nhĩ Kỳ – , 54 tuổi – có bài viết về tầm quan trọng của sách tiểu thuyết hiện nay. Ngoài là nhà văn, cô là diễn giả, nhà khoa học chính trị, giảng viên tại nhiều đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Đến nay, Shafak xuất bản 21 quyển sách – trong đó có 13 tiểu thuyết – được dịch sang 53 thứ tiếng. Tác phẩm 10 Minutes 38 Seconds in this Strange World từng lọt vào danh sách tranh giải Booker rút gọn năm 2019.

Tác giả mở đầu bài xã luận bằng cuộc khảo sát thói quen đọc của 2.121 người Anh trong 12 tháng qua. Dự án do công ty phân tích dữ liệu YouGov thực hiện, công bố hồi tháng 3. Kết quả cho thấy nhiều người Anh không đọc bất kỳ một cuốn sách nào trong năm ngoái. Với những người có đọc, hơn 50% cá nhân nói thích truyện hư cấu. Dựa vào đó, nhà văn cho rằng tiểu thuyết còn sức sống đến hôm nay, nhất là trong bối cảnh thông tin bùng phát nhưng thiếu tính sâu sắc. Tác giả cũng bàn về nghệ thuật kể chuyện, cho rằng đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa loại hình này và các thể loại văn học.

Dưới đây là nguyên văn bài viết của tiểu thuyết gia Elif Shafak:

Một cuộc khảo sát gần đây của YouGov cho thấy 40% người Anh không đọc một quyển sách nào trong năm ngoái. “Kỷ nguyên văn chương sắp đến hồi kết”, tiểu thuyết gia từng tiên đoán năm 2000. Trích tiếp lời ông: “Điều đó được thể hiện qua sự phát triển của văn hóa, xã hội và phim ảnh”. Roth tin rằng thói quen dành thời gian để hưởng thụ văn chương dần mai một. Con người sẽ không còn đủ khả năng giữ tập trung, tĩnh lặng để đọc tiểu thuyết.

Một số nghiên cứu dường như ủng hộ kết luận của Roth. Nhiều thập niên qua, thời gian trung bình con người có thể tập trung vào một việc giảm từ khoảng 2,5 phút còn 45 giây. Tôi từng chứng kiến điều này qua hai buổi diễn thuyết cho Ted, mỗi lần cách nhau gần 10 năm. Năm 2010, chúng tôi (các diễn giả) được yêu cầu kéo dài bài thuyết trình đến 20 phút. Năm 2017, thời lượng bị cắt xuống khoảng chừng 13 phút. Khi tôi hỏi lý do, ban tổ chức cho biết khả năng tập trung trung bình của khán giả đã giảm. Dù vậy, tôi vẫn giữ bài nói của mình ở mức 20 phút. Tương tự, tôi muốn phản bác ý kiến cho rằng con người ngày nay không cần tiểu thuyết nữa.

Cũng trong khảo sát của YouGov, trong số những người đọc sách, hơn 55% người thích thể loại hư cấu. Hãy thử trò chuyện với bất kỳ nhà xuất bản hay người bán sách nào, họ sẽ xác nhận: Nhu cầu đọc tiểu thuyết vẫn rất phổ biến. Việc thể loại văn học dài còn tồn tại không phải phép màu nhỏ nhoi giữa thế giới đang bị định hình bởi luồng thông tin dồn dập, thói quen tiêu dùng sản phẩm có hạn sử dụng ngắn và văn hóa thỏa mãn tức thời (instant gratification).

Chúng ta đang sống trong thời đại có quá nhiều thông tin nhưng không đủ tri thức, thậm chí thiếu khôn ngoan. Sự thừa thãi thông tin khiến ta tự phụ rồi dần mất nhận thức. Chúng ta phải thay đổi điều đó và chú tâm vào kiến thức và năng lực hiểu biết nhiều hơn. Để có tri thức, ta cần sách, báo chí chậm (*), podcast, các bài phân tích sâu và sự kiện văn hóa. Để có trí khôn, ngoài những thứ kể trên, ta cần nghệ thuật kể chuyện. Do đó, chúng ta cần thể loại văn học dài.





Lý do nên đọc tiểu thuyết

Chân dung nhà văn Elif Shafak. Ảnh: The Observer

Tôi không cho rằng giới tiểu thuyết gia chúng tôi là những người thông thái. Nếu có thì ngược lại: Chúng tôi là mớ hỗn độn di động. Nhưng thể loại truyện dài lại chứa đựng sự thấu hiểu, cảm thông, trí tuệ cảm xúc và lòng trắc ẩn. Đó chính là quan điểm nhà văn muốn truyền tải khi ông nói “trí khôn trong tiểu thuyết rất khác trong triết học”. Sau cùng, chính nghệ thuật kể chuyện mới là thứ già dặn và khôn ngoan hơn chúng ta. Sâu tận thâm tâm, nhà văn hiểu điều đó và người đọc cũng vậy.

Những năm gần đây, tôi nhận thấy thành phần độc giả tại các sự kiện sách và lễ hội văn học khắp nước Anh thay đổi: Càng lúc càng nhiều thanh niên tham dự. Một số đến cùng cha mẹ, nhưng nhiều người đi một mình hoặc với bạn bè. Đáng chú ý là ngày càng có thêm người trẻ tham gia những sự kiện về thể loại giả tưởng hơn. Tôi nghĩ khi thời đại càng hỗn loạn, nhu cầu sống chậm và đọc văn chương hư cấu càng sâu sắc. Trong thời đại của sự giận dữ và lo âu, những cuộc xung đột chân lý, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan (jingoism) và chủ nghĩa dân túy (populism), thì sự phân hóa giữa hai khái niệm “chúng ta” và “họ” thêm rõ rệt. Thế nhưng, tiểu thuyết có thể phá bỏ tính hai mặt này.

Thể loại truyện dài đã âm thầm tạo nên sức hấp dẫn, bắt đầu từ Sử thi Gilgamesh (Epic of Gilgamesh). Đây là một trong những tác phẩm văn học lâu đời nhất thế giới, ít nhất khoảng 4.000 năm tuổi. Gilgamesh ra đời trước kiệt tác thơ Biến thể (Metamorphoses) của thi sĩ La Mã Ovid, trường ca Odyssey và Iliad của thi hào Hy Lạp cổ đại Homer. Tác phẩm là câu chuyện lạ thường với nhân vật chính thuộc kiểu anh hùng không giống ai. Trong thơ, vua Gilgamesh xuất hiện như một tâm hồn bất an, bị dằn vặt bởi bão tố trong tim mình. Ông là một người thô lỗ, ích kỷ bị kiểm soát bởi lòng tham, quyền lực và sự chiếm hữu. Cho đến khi, các vị thần gửi ông một người đồng hành – Enkindu. Cả hai cùng dấn thân vào những cuộc phiêu lưu xa xôi, khám phá nhiều vùng đất và tìm lại chính mình.

Là câu chuyện về tình bạn, song sử thi cũng bao hàm nhiều ý nghĩa khác, như sức mạnh của nước và lũ lụt trong việc phá hủy và tái tạo môi trường, khát khao kéo dài thanh xuân và nỗi sợ cái chết. Với nhiều thần thoại cổ điển, anh hùng thường trở về cùng vinh quang nhưng không phải trong Sử thi Gilgamesh. Ở đây, nhân vật chính đã mất đi người bạn thân thiết, gần như thất bại ở mọi việc và chẳng gặt hái bất kỳ chiến tích rõ ràng. Tuy nhiên, Gilgamesh trở thành người nhân hậu và thông thái hơn nhờ những trải nghiệm thất bại, bị đánh gục, đau buồn và sợ hãi. Bài thơ cổ nói về khả năng thay đổi và khát khao đạt được sự khôn ngoan của chúng ta.





Tấm bia khắc Sử thi Gilgamesh có xuất xứ tại vùng đất Lưỡng Hà (Iraq ngày nay) được trưng bày tại Bộ Ngoại giao Iraq ở Baghdad sau khi hồi hương tháng 12/2021. Ảnh: AFP

Tấm bia khắc một phần “Sử thi Gilgamesh” có xuất xứ tại vùng đất Lưỡng Hà (Iraq ngày nay) được trưng bày tại Bộ Ngoại giao Iraq ở Baghdad tháng 12/2021. Ảnh: AFP

Từ lúc Sử thi Gilgamesh được kể lại và ghi chép, biết bao đế chế đã xuất hiện rồi lụi tàn, biết bao bậc đế vương – “những con người mạnh mẽ” – đã ra đi và những tượng đài cao nhất hóa thành cát bụi. Dẫu thế, thi phẩm ấy vẫn tồn tại qua mọi thăng trầm của lịch sử, để giờ chúng ta tiếp tục học hỏi từ đó sau hàng nghìn năm. Kết thúc những cuộc hành trình với vô vàn thất bại, vua Gilgamesh có thể tái kết nối sự mong manh và khả năng tự phục hồi trong mình. Ông học cách trở thành con người thực thụ. Giống như cách chúng ta đọc tiểu thuyết về những con người khác nhau.

Chú thích:

(*): Báo chí chậm (slow journalism): dạng báo chí thường tập trung phân tích và làm rõ thông tin với nhiều góc độ khác nhau, không chú trọng tốc độ hoàn thành, theo Medium.

Phương Thảo (theo Guardian)