Tổng thống Trump chọn ba nước vùng Vịnh làm điểm công du đầu tiên, khi khu vực ngày càng quan trọng trong địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ khi nhậm chức nhiệm kỳ hai. Ông Trump dự kiến đến thủ đô Riyadh, Arab Saudi ngày 13/5, dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tại thành phố vào ngày 14/5 trước khi đến Qatar trong cùng ngày. Ông tiếp đó đến Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và kết thúc hành trình ngày 15/5.
Theo giới quan sát, việc chọn các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ làm điểm đến đầu tiên cho thấy khu vực này ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Mỹ. Trung Đông còn là nơi có mối quan hệ làm ăn với gia đình Tổng thống.
“Tổng thống Trump đến vùng Vịnh vì đây là nơi ông ấy thoải mái nhất”, Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói. “Các nước chủ nhà hào phóng và thân thiện. Họ mong muốn ký các thỏa thuận, sẽ tán dương thay vì chỉ trích ông ấy”.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 8/5. Ảnh: AFP
Trước ông Trump, gần như toàn bộ các tổng thống Mỹ thời hậu Thế chiến II đều chọn Mexico hoặc Canada, hai nước láng giềng, là điểm công du nước ngoài đầu tiên. Ông Joe Biden và ông Jimmy Carter chọn Anh, còn ông Richard Nixon chọn Bỉ, đều là các nước thành viên NATO.
Ông Trump nhiệm kỳ đầu năm 2017-2021 đã phá truyền thống này, chọn Arab Saudi và Ai Cập là các điểm dừng chân đầu tiên. Trung Đông lần này vẫn cho thấy vai trò quan trọng của khu vực trong nghị trình đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng.
“Tổng thống Trump sẽ nhấn mạnh tầm nhìn của ông về một Trung Đông tự hào, thịnh vượng và thành công, nơi Mỹ và các quốc gia trong khu vực thiết lập quan hệ hợp tác, chủ nghĩa cực đoan bị loại bỏ, thay bằng trao đổi văn hóa và thương mại”, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói.
Giới phân tích lưu ý vùng Vịnh là khu vực mang tính then chốt với ổn định kinh tế toàn cầu, là điểm kết nối giữa Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Khu vực còn là nơi Mỹ chọn để triển khai nỗ lực hòa đàm, như Qatar tổ chức đàm phán ngừng bắn Israel – Hamas còn Arab Saudi tham gia nỗ lực chấm dứt xung đột Nga – Ukraine.
“Ông Trump đến vùng Vịnh trước vì khu vực đã trở thành trung tâm thu hút địa chính trị và tài chính”, Anna Jacobs, nhà nghiên cứu tại Viện Các nước Arab Vùng Vịnh, trụ sở Mỹ, nói với AFP.
“Đây là một chốt chặn chiến lược”, Brian Katulis, nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông, trụ sở Mỹ, chung quan điểm khi trả lời NBC News. “Đây là hướng tiếp cận mới và khác biệt, thay cho quan điểm thường thấy của Mỹ rằng Trung Đông gắn liền với những cuộc chiến bất tận và chủ nghĩa khủng bố”.
Một quan chức Nhà Trắng nói Tổng thống Trump “sẽ thảo luận về nhiều chủ đề, trong đó có đầu tư và hợp tác kinh tế với lãnh đạo các nước”.
“Dưới góc nhìn của ông Trump, các nước vùng Vịnh đang đáp ứng mọi tiêu chí”, Hasan Alhasan, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách Trung Đông tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) ở Bahrain, trả lời CNN. “Họ cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào kinh tế Mỹ, chi lượng tiền khổng lồ để mua khí tài của Washington”.
Ông Trump khả năng cao sẽ nhấn mạnh vào việc Arab Saudi từng nêu ý tưởng đầu tư 600 tỷ USD tại Mỹ trong 4 năm tới, còn UAE cam kết 1.400 tỷ USD trong 10 năm.
“Arab Saudi, UAE và Qatar sẽ tìm cách đón tiếp ông Trump một cách hoành tráng nhất”, Steven Cook, nhà nghiên cứu về Trung Đông tại viện chính sách Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định với NPR. “Họ sẽ xem bên nào có thể thông báo số lượng thỏa thuận ký được nhiều hơn trong lúc Tổng thống Mỹ ở đó”.
Đạt được các thỏa thuận đầu tư mới từ vùng Vịnh vào Mỹ, đặc biệt là những nước có quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ, sẽ giúp Tổng thống Trump thể hiện rằng nghị trình “Nước Mỹ trên hết” của ông đang mang lại kết quả. Đây sẽ là điểm sáng, khi chính sách thuế quan của ông Trump phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Mỹ.

Cờ Mỹ và Arab Saudi trên một tuyến đường chính ở thủ đô Riyadh ngày 12/5. Ảnh: AFP
Chuyến công du Trung Đông của ông Trump cũng bị phủ bóng bởi một số cuộc khủng hoảng khu vực.
Chiến sự Israel – Hamas kéo dài gần hai năm và chưa có dấu hiệu kết thúc. Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực, không có tên trong lịch trình. Động thái dẫn đến đồn đoán về căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Những nỗ lực nhằm thúc đẩy Arab Saudi công nhận Israel, điều ông Trump từng theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu, khả năng cao tiếp tục được gác lại. Riyadh khẳng định họ cần thấy tiến triển rõ rệt trong việc thành lập Nhà nước Palestine. Việc ứng phó chương trình hạt nhân của Iran chưa có tiến triển đáng kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2018 giữa Tehran với các cường quốc.
“Lúc này, Tổng thống chưa có nhiều thành công để đề cập”, Dennis Ross, nhà nghiên cứu tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nói. “Do đó, tôi nghĩ ông ấy sẽ muốn tận dụng chuyến đi này để thể hiện rằng ‘hãy nhìn xem tôi đang mang lại gì cho nước Mỹ’”.
Như Tâm (Theo AFP, CNN, NPR)