Lý do ông Trump mời 5 lãnh đạo châu Phi tới Nhà Trắng

Lý do ông Trump mời 5 lãnh đạo châu Phi tới Nhà Trắng

bởi

trong

Tổ chức gặp thượng đỉnh 5 lãnh đạo châu Phi, Tổng thống Trump dường như muốn theo đuổi tham vọng khoáng sản và tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 bắt đầu hội nghị thượng đỉnh ba ngày tại thủ đô Washington với tổng thống 5 quốc gia châu Phi, sự kiện mà Nhà Trắng mô tả là “cơ hội thương mại tuyệt vời”.

Sự kiện này gây chú ý bởi các vị khách của ông Trump lần này gồm lãnh đạo Garbon, Guinea-Bissau, Liberia, Mauritania và Senegal, những quốc gia không phải nền kinh tế lớn ở châu Phi. Trong nhiều đời tổng thống Mỹ trước đây, lãnh đạo các nước châu Phi thường tới Nhà Trắng để thảo luận về viện trợ tài chính và nhân đạo.

Nhưng hội nghị lần này lại tập trung vào chính sách thương mại của Mỹ với 5 nước châu Phi, khi họ đều đang đối mặt với mức thuế quan 10% mà chính quyền Trump đặt ra với hàng hóa xuất khẩu.

Trong cuộc gặp được truyền hình trực tiếp tại Nhà Trắng ngày 9/7, các lãnh đạo châu Phi ca ngợi ông Trump và khuyến khích thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế với Mỹ. Tổng thống Mohamed Ould Ghazouani của Mauritania là người đầu tiên phát biểu.

“Chỉ trong vài tháng trở lại nắm quyền, ngài đã đến để giải cứu hòa bình. Ngài đã nhanh chóng giải quyết một vấn đề nan giải ở châu Phi”, ông Ghazouani nói, đề cập đến thỏa thuận hòa bình giữa CHDC Congo và Rwanda mà Mỹ làm trung gian.





Lý do ông Trump mời 5 lãnh đạo châu Phi tới Nhà Trắng

Tổng thống Donald Trump (giữa) tiếp 5 lãnh đạo châu Phi tại Nhà Trắng ngày 9/7. Ảnh: AP

4 lãnh đạo châu Phi khác sau đó nhiều lần nhắc lại điều này, hầu hết đều ủng hộ đề cử ông Trump cho Giải Nobel Hòa bình. Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye đánh giá cao kỹ năng chơi golf của ông Trump, mời lãnh đạo Mỹ tới mở một sân golf ở nước này.

“Cảm ơn rất nhiều. Điều đó rất tuyệt. Cảm ơn. Tôi không nghĩ mình được đối xử tốt như vậy”, ông Trump nói.

Các nguyên thủ châu Phi cũng tận dụng cơ hội này để khoe về tài nguyên thiên nhiên và nguồn nguyên liệu thô giá trị của họ, trong đó có khoáng sản đất hiếm. Một số trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư Mỹ.

Ông Faye đã nói về viễn cảnh xây dựng “thành phố công nghệ” ở Dakar với “tầm nhìn hướng ra biển”. “Tôi muốn mời các nhà đầu tư Mỹ tham gia dự án này”, ông nói.

Tổng thống Brice Clotaire Oligui Nguema cho biết rằng đất nước Garbon có “nguồn tài nguyên tuyệt vời”, với nhiều loại khoáng sản đất hiếm. “Các vị luôn được chào đón tới đầu tư”, ông nói.

Babacar Diagne, cựu đại sứ Senegal tại Mỹ, cho biết những lời mời của nhóm lãnh đạo châu Phi phản ánh “sự thay đổi” gần đây trong chính sách của Mỹ với lục địa.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, ông Trump đã cắt giảm viện trợ của Mỹ cho châu Phi, nói rằng chúng lãng phí và không phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông. Nhiều người cũng hoài nghi khả năng Mỹ gia hạn Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội cho châu Phi (AGOA), vốn đảm bảo quyền miễn thuế cho một số hàng hóa từ lục địa, dự kiến hết hạn vào cuối năm nay.

“Mọi thứ sẽ không còn giống như với đảng Dân chủ, khi họ quan tâm tới hai vấn đề giảm nghèo và phát triển ở châu Phi thông qua AGOA cùng các sáng kiến khác. Tất cả đã kết thúc”, Diagne nói.

Theo nhà ngoại giao này, lập trường của chính quyền hiện tại là “thương mại thuần túy”, giống như chính sách của Mỹ với Ukraine.

“Đó là lập trường cho đi đôi với nhận, hai bên cùng có lợi. Chúng ta đã thấy điều đó với Ukraine. Các vị ký thỏa thuận về khoáng sản và Mỹ sẽ đứng về phía các vị. Nếu không, các vị hãy quên tất cả đi”, ông Diagne nói.





Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 9/7. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 9/7. Ảnh: AP

Thỏa thuận hòa bình tháng trước giữa CHDC Congo và Rwanda là một minh chứng điển hình rằng ngoại giao thương mại có thể giúp Mỹ tiếp cận các nguồn khoáng sản dồi dào ở châu Phi.

Nicaise Mouloumbi, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ ở Garbon, nói rằng trọng tâm của chính quyền ông Trump ở châu Phi là hướng đến các nguồn tài nguyên quý giá giữa lúc cạnh tranh ngày càng tăng với các cường quốc như Trung Quốc, Nga.

“Tất cả các nước châu Phi có lãnh đạo được mời đến Nhà Trắng lần này đều sở hữu nguồn khoáng sản quan trọng như vàng, dầu, mangan, khí đốt, gỗ và đá quý, đặc biệt là Senegal, Mauritania và Garbon”, Mouloumbi nói.

Garbon chiếm khoảng 25% trữ lượng mangan toàn cầu và là bên cung cấp 22% lượng nhập khẩu khoáng sản này của Trung Quốc. Đây là loại khoáng sản được sử dụng để sản xuất pin và thép không gỉ.

Ông Mouloumbi lưu ý Mỹ có thể muốn tăng cường quan hệ với Garbon không chỉ vì nước này có nguồn khoáng sản giá trị như mangan, uranium hay dầu mỏ, mà còn vì vị trí chiến lược dọc theo Vịnh Guinea với đường bờ biển dài 800 km. Đây có thể là nơi đặt căn cứ quân sự mà Mỹ dự định xây ở khu vực.

Chuyên gia này thêm rằng đảm bảo an ninh hàng hải ở Vịnh Guinea là vấn đề rất quan trọng với Mỹ, bởi đây là tuyến đường quan trọng có nhiều tàu chở dầu và khí đốt lưu thông.

Đối với Mauritania và Senegal, vấn đề di cư sẽ là trọng tâm thảo luận, theo Ousmane Sene, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tây Phi (WARC). Trong giai đoạn 2023-2025, không dưới 20.000 thanh niên Mauritania đã tìm cách tới Mỹ qua Nicaragua, cùng với hàng trăm thanh niên Senegal.

“Đối phó tình trạng di cư bất hợp pháp là vấn đề quan trọng trong chính sách nhập cư của ông Trump”, Sene nói.

Liberia cũng có thể đang cân nhắc đề xuất của Mỹ về tiếp nhận người nhập cư bị trục xuất. Quốc gia này vốn bị tàn phá bởi cuộc nội chiến dài 14 năm và sau đó là đại dịch Ebola, đang rất cần tiền mặt vì đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách cắt giảm viện trợ của Mỹ.

Ông Trump hỏi Tổng thống Liberia học tiếng Anh ở đâu

Tổng thống Trump khen trình độ tiếng Anh của Tổng thống Liberia trong cuộc gặp các lãnh đạo châu Phi tại Nhà Trắng ngày 9/7. Video: X/Brian Krassenstein

Tác động có thể thấy rõ ở hệ thống y tế vốn yếu kém và phụ thuộc 48% ngân sách vào tài trợ từ Mỹ của Liberia. Việc chấp nhận thỏa thuận tiếp nhận người bị trục xuất từ Mỹ có thể giúp Liberia có thêm nguồn tài chính quan trọng.

Guinea-Bissau, quốc gia đã chứng kiến loạt cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính trong những năm qua, được cho là muốn Mỹ mở lại đại sứ quán ở thủ đô Bissau, sau khi bị đóng cửa vì cuộc binh biến năm 1998.

Tổng thống Umaro Cissoko Embaló thể hiện rõ sự tự hào khi được nhận lời mời đến Nhà Trắng, sau khi từng bị Mỹ và Liên Hợp Quốc gắn mác là “quốc gia ma túy”, với cáo buộc đây là trung tâm trung chuyển ma túy lớn từ Mỹ Latin sang châu Âu và Bắc Mỹ.

“Guinea-Bissau đã thoát khỏi tình trạng hỗn loạn để trở thành một quốc gia thực sự. Mỹ sẽ không mời tôi nếu Guinea-Bissau không phải là quốc gia vững mạnh”, ông Embaló nói trước khi lên máy bay tới Washington.





Một khu khai thác khoáng sản ở vùng ngoại ô Nouakachott, Mauritania hồi tháng 3/2023. Ảnh: AFP

Một khu khai thác khoáng sản ở vùng ngoại ô Nouakachott, Mauritania hồi tháng 3/2023. Ảnh: AFP

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng ca ngợi châu Phi “có tiềm năng kinh doanh lớn” và đã gặp nguyên thủ một số nước ở khu vực để “thúc đẩy thịnh vượng và hòa bình”.

Giờ đây, trong nhiệm kỳ hai, ông Trump đang chú ý tới nguồn tài nguyên khoáng sản của châu Phi, đồng thời muốn cạnh tranh quyền tiếp cận chúng với các đối thủ cạnh tranh lớn.

Christopher Afoke Isike, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế châu Phi tại Đại học Pretoria ở Nam Phi, cho rằng việc ông Trump gặp 5 lãnh đạo châu Phi là một phần trong nỗ lực giành ảnh hưởng ở khu vực, khi cả Trung Quốc và Nga đều đang tìm cách tăng cường hiện diện và lợi ích ở châu lục.

“Một mặt, ông Trump muốn tìm kiếm thỏa thuận để chứng tỏ với cử tri rằng ông đang mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Nhưng điều này cũng phù hợp với trọng tâm của ông là thúc đẩy sức cạnh tranh của Mỹ với ảnh hưởng của các đối thủ ở khu vực,” ông nói.

Thùy Lâm (Theo BBC, CNN)