‘Mạch nguồn’ tiết kiệm điện của cha

‘Mạch nguồn’ tiết kiệm điện của cha

bởi

trong

Cha tôi là người nông dân chân chất nơi vùng quê xa nhưng nắm bắt tiện ích số khá nhạy. Mảnh vườn bên chái nhà vốn được cha cày xới trồng cải xanh nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cha lên mạng tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng dưa vàng Huỳnh Long.

‘Mạch nguồn’ tiết kiệm điện của cha

Ánh sáng mặt trời tận dụng tối đa trong nhà lưới, dưa vàng được mùa được giá lại tiết kiệm điện năng

Ảnh: TGCC

Ngày cha quyết định bỏ vốn hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới trên khoảng đất 1.000 mét vuông, mẹ thấp thỏm lo âu. Nhưng với bản chất cần cù, ham học hỏi, tỉ mỉ trong mọi công đoạn nên trái ngọt đơm bông, mùa vụ đã mỉm cười với cha. Ánh sáng tự nhiên được cha sử dụng triệt để bởi “nắng tốt dưa, mưa tốt lính”. Đèn năng lượng mặt trời được lắp đặt quanh nhà lưới. Cha đầu tư hệ thống tưới cây tự động nên mỗi giai đoạn phát triển của cây đều được tính toán và chăm sóc phù hợp. Vừa giảm được nhân công chăm sóc, vừa giảm lượng điện tiêu thụ phục vụ tưới tiêu.

Ứng dụng quản lý điện năng tiêu thụ trong hệ thống tưới tiêu được cha sử dụng thành thạo, vừa theo dõi, dự đoán, điều khiển, vừa tích hợp với hệ thống năng lượng mặt trời. Chất lượng trái dưa trồng theo tiêu chuẩn VietGap nên thơm ngon, an toàn, được các cơ sở thu mua tại vườn với giá tốt. Lợi nhuận vụ dưa đầu tiên, cha dành một phần để mua chiếc xe đạp điện…

Dưới ánh sáng bóng đèn năng lượng mặt trời, cha nói với tôi: “Mẹ tụi bay bây giờ có tuổi, xương khớp lạo xạo, đi xe đạp thì mệt, đi xe máy tốc độ cao nguy hiểm. Cha tính mua xe đạp điện đi cho an toàn. Nghe đâu năng lượng xanh thân thiện với môi trường đó bay”.

Nói là làm, ngày hôm sau cha đưa về trước sân chiếc xe đạp điện màu đỏ mận. Mẹ tặc lưỡi: “Rồi nó ngốn tiền điện lắm đây?” Cha không nói không rằng, đeo cặp kính nheo mắt đọc hướng dẫn sử dụng rồi gật gù tâm đắc. Chính sự tỉ mỉ của cha khiến chiếc xe luôn mới như ngày đầu và thoạt nhiên tháng đầu tiên sử dụng, lượng điện tiêu thụ không nhiều như mẹ tôi nghĩ.

Câu nói “Của bền tại người” vận vào cha quả không sai. Mỗi lần sạc điện cha luôn để xe ở vị trí thoáng mát. Cha dặn “không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng 1 ổ cắm, tránh gây chập điện cháy nổ”. Cha tận tình cầm tay hướng dẫn: “Mẹ nó điều khiển xe hạn chế tăng ga đột ngột, nhớ tắt bình khi dừng đèn giao thông”. Cuối tuần ngoài việc chùi rửa bóng mượt bên ngoài, cha còn tra nhớt dây sên bên trong. Cha rù rì: “Bộ dây sên không lau thường xuyên sẽ đóng bụi, dễ xước gây han gỉ và tốn lượng điện đáng kể đó”.

Tôi ngoảnh mặt không quan tâm, với suy nghĩ “Cha cứ bao đồng, lo xa”. Tháng 9.2023, cả nước bàng hoàng khi vụ cháy chung cư mini tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người chết. Nguyên nhân được cơ quan chức năng điều tra do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy đầu xe.

Giật mình. Hoang hoải. Tôi tự vấn bản thân có lỗi với cha, những lời chỉ dạy của cha nhẹ nhàng nhưng rất hữu ích và đôi khi là ngọn hải đăng để ta quay về khi lạc lối. Tôi bắt đầu chọn sống chậm, quan sát, thấu hiểu nhiều hơn về việc phải cẩn thận tuân thủ khi cắm sạc xe điện.

Tiết kiệm điện không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế, mà còn để đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và những người xung quanh…

130 triệu đồng tiền thưởng và quà tặng hấp dẫn đang chờ chủ nhân.

Xin xem chi tiết về cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen tại thanhnien.vn

Hết sợ máy nước nóng không an toàn - Ảnh 2.