Tận cùng của thảm họa
Một nửa thành Manchester đã tắm trong nước mắt sau thất bại của Man Utd trước Tottenham ở chung kết Europa League sáng 22/5. Đối với những người đã đi cùng Man Utd hàng thập kỷ qua, họ thực sự vụn vỡ khi chứng kiến đế chế hùng mạnh một thời đổ sập theo cách như vậy.

Một nửa thành Manchester tắm trong nước mắt khi Man Utd thất bại trước Tottenham (Ảnh: Getty).
Chức vô địch Europa League là cứu cánh duy nhất giúp Man Utd tránh khỏi mùa giải tồi tệ nhất kỷ nguyên giải Ngoại hạng Anh. Nhưng rồi, đoàn quân của HLV Amorim lại vứt đi cơ hội cuối cùng ấy.
Tình cảnh của Man Utd hiện tại giống như cô bé bán diêm trong truyện cổ tích của Andersen. Cô bé đã đốt từng que diêm giữa trời lạnh giá để bật lên những tia hy vọng nhưng rồi khi que diêm tắt, hiện thực tàn khốc đã hiện ra trước mắt cô và nuốt trọn mảnh đời đau khổ.
Từng que diêm ấy đại diện cho từng chuyển động của Man Utd như thời điểm Sir Jim Ratcliffe mua lại cổ phần và điều hành hoạt động bóng đá, CLB bổ nhiệm từng HLV như Van Gaal, Mourinho, Solskjaer, Ten Hag rồi Amorim hay việc họ chi tới hơn 1 tỷ bảng để mua sắm trong 10 năm qua.
Thế nhưng, mọi hy vọng sớm bùng lên đã vội vụt tắt. Trong buổi tối mùa hè ở San Mames, Tottenham đã đẩy Man Utd xuống vực thẳm. Cú đấm duy nhất của Brennan Johnson đã kết liễu Quỷ đỏ, làm vỡ tan những niềm hy vọng cuối cùng.
Man Utd không những không thể vô địch Europa League, họ còn không thể có vé tham dự cúp châu Âu mùa tới. Thống kê cho thấy trong vòng 35 năm qua, Man Utd chỉ có một mùa giải vắng mặt ở cúp châu Âu. Đó là mùa giải 2014-15, thời điểm đầu giai đoạn hậu Sir Alex Ferguson khi CLB chỉ xếp thứ 7 ở giải Ngoại hạng Anh dưới thời David Moyes mùa giải 2013-14.
Không những vậy, Man Utd đã kết thúc với vị trí thứ 16 ở giải Ngoại hạng Anh, thấp nhất trong kỷ nguyên giải đấu (từ năm 1992). Như vậy, họ đã phá kỷ lục này trong hai mùa giải liên tiếp. Ở mùa giải trước, họ xếp thứ 8 dưới thời HLV Ten Hag. Với 20 trận thua, Quỷ đỏ cũng trải qua mùa giải hứng chịu nhiều thất bại nhất kể từ mùa 1973-74. Thời điểm ấy, CLB đã phải xuống hạng.

Man Utd rơi xuống vực sâu khi trắng tay toàn tập ở mùa giải này (Ảnh: Getty).
Tottenham đã sử dụng lối chơi “xù xì” tới cùng cực để khuất phục Man Utd. Đó là công thức quen thuộc của nhiều đội bóng muốn hướng tới vinh quang. Tuy nhiên, chứng kiến Man Utd thi đấu, người hâm mộ dễ dàng thấy nổi cộm nhiều vấn đề.
Trong đó, theo nhận xét của Carl Anka của tờ The Athletic, lối chơi của Man Utd khá hoang dã. Họ có thể tạo nên những trận chiến bùng nổ như trước Lyon và Bilbao ở vòng tứ kết và bán kết Europa League nhưng lại không thể hiện tinh thần ấy trước Tottenham.
Vấn đề ổn định luôn là điểm yếu cố hữu của Man Utd trong nhiều năm qua khi họ chưa xây dựng được bộ khung ổn định. CLB sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể quay trở lại và thoát khỏi sự hỗn loạn đeo bám nhiều năm qua.
Vấn đề ở chỗ, Man Utd có tìm ra được vị tướng đủ tài và có triết lý phù hợp để hướng đội bóng trở lại hay không. Liverpool từng trải qua nhiều năm lạc lối trước khi có duyên gặp Jurgen Klopp. Tương tự, Inter Milan cũng mất hàng thập kỷ đằng đẵng tìm danh hiệu lớn cho tới khi hội ngộ với Mourinho. Hay Man City chỉ có thể vút bay và xác lập thế thống trị ở Anh cho tới khi gặp Pep Guardiola.
Man Utd đang giống như một người rơi xuống vực sâu của sự thất vọng nhưng liệu họ có nhặt được bí kíp võ công như các nhân vật ở các tiểu thuyết kiếm hiệp hay không, đó là câu hỏi chưa thể trả lời.
Thất bại có thể là “phước lành ngụy trang” với Man Utd
Một người bình thường cũng có thể dễ dàng nhẩm tính được thiệt hại của Man Utd khi không thể giành vé dự Champions League (hay rộng ra là cúp châu Âu) mùa giải tới. Theo chuyên gia Mark Critchley, Quỷ đỏ có thể mất ít nhất 80 triệu bảng khi không tham dự Champions League mùa giải tới.

Man Utd mất quá nhiều khi không thể giành vé tham dự Champions League (Ảnh: Getty).
Số tiền thưởng này sẽ tăng thêm tùy thuộc vào mức độ tiến sâu của CLB. Ngay cả khi không lọt vào những vòng đấu sau, đội chủ sân Old Trafford có thể thu về 80-100 triệu bảng. Đó là con số rất lớn trong bối cảnh Man Utd đang khủng hoảng tài chính và buộc phải cắt giảm nhân sự.
Chưa hết, Man Utd cũng sẽ mất 10 triệu bảng trong bản hợp đồng tài trợ trị giá 90 triệu bảng mỗi năm của Adidas.
Ngoài thiệt hại về mặt tài chính, việc không tham dự cúp châu Âu khiến Man Utd gặp khó khăn trong việc thu hút những ngôi sao tài năng. Dù vậy, nếu muốn trở lại, Quỷ đỏ buộc phải chi tiêu nhiều như một CLB tham dự Champions League. Điều đó có thể khiến ngân khố của CLB ngày càng cạn kiệt nhưng chưa chắc mang về những gương mặt tốt.
Man Utd không phải là Man City, Barcelona, Real Madrid để có thể đảm bảo tham dự Champions League mỗi năm, nhằm thu hút những ngôi sao lớn. Trong trường hợp cắt giảm chi tiêu chuyển nhượng, Man Utd có thể tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn khi không tạo ra cú hích nhằm vươn lên.
HLV Amorim thừa nhận rằng việc Man Utd thất bại trong trận chung kết Europa League với Tottenham khiến cho ông càng chịu áp lực lớn hơn ở mùa giải tới. Sự kiên nhẫn của người hâm mộ và giới truyền thông đều có giới hạn.
Mùa giải tới sẽ là thời điểm bản lề của Man Utd thời Amorim. Nói vậy bởi lẽ, nếu không thể cải thiện Quỷ đỏ, ông gần như không có cơ hội vàng để làm điều đó.
Tờ Telegraph cho rằng thất bại toàn diện của Quỷ đỏ ở mùa giải này có thể là “phước lành ngụy trang” với CLB. Không tham dự cúp châu Âu đồng nghĩa với việc họ thi đấu ít trận hơn, giảm nguy cơ chấn thương của các trụ cột, có nhiều thời gian hơn trên sân tập.
HLV Amorim sẽ có nhiều điều kiện để xây dựng hệ thống mới cho Man Utd. Ông có nhiều thời gian để đào tạo và phát triển cầu thủ, cũng như huấn luyện kỹ càng các tình huống cố định, phân tích video về CLB cũng như đối thủ nhiều hơn, để có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất.
Chiến lược gia người Bồ Đào Nha từng nói về “lợi thế” này: “Đó là cảm nhận của tôi. Chúng tôi cần nhiều thời gian để làm việc với nhau. Có nhiều điều cần điều chỉnh ở Carrington, thay vì cứ vướng vào vòng quay thi đấu liên tục. Nếu vừa muốn thi đấu tốt ở cúp châu Âu, vừa có thể cạnh tranh ở giải Ngoại hạng Anh thì đó là thử thách lớn”.

HLV Amorim sẽ có nhiều thời gian để xây dựng Man Utd trong mùa giải tới nhưng đi kèm với đó, áp lực dồn lên vai ông cũng lớn gấp bội (Ảnh: Getty).
Nếu Man Utd đánh bại Tottenham và giành vé tham dự Champions League, họ có thể trải qua giai đoạn tiền mùa giải rất nặng nhọc. Họ sẽ bị cuốn vào guồng quay bất tận. Trong đó, HLV Amorim không có quá nhiều điểm dừng để nhìn lại điểm mạnh, điểm yếu của CLB. Thay vào đó, ông sẽ phải liên tục xoay xở trước các trận đấu liên tiếp với mật độ 3 ngày mỗi trận.
Vì vậy, nếu HLV Amorim và Man Utd xây dựng được hệ thống đủ tốt thì họ sẽ có nhiều lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Antonio Conte từng giúp Chelsea vô địch giải Ngoại hạng Anh ngay trong mùa giải dẫn dắt CLB, một phần nhờ The Blues không phải tham dự cúp châu Âu và có thể dồn sức chinh chiến ở giải Ngoại hạng Anh.
Mùa giải 2021-22 chứng kiến sự thăng tiến vượt bậc của Arsenal dưới thời HLV Arteta. Đó là mùa giải mà HLV người Tây Ban Nha không phải bận tâm về cúp châu Âu. Trong mùa giải đầu tiên của Van Gaal ở Old Trafford, Man Utd không tham dự cúp châu Âu. Ông đã giúp CLB giành vị trí thứ 4. Dù đó không phải là thành tích xuất sắc nhưng cũng là niềm ao ước của Quỷ đỏ lúc này.
Nhưng tất nhiên, tỷ lệ nghịch với sự “thoải mái thời gian” là áp lực gia tăng. Nếu không thể cải thiện Man Utd, HLV Amorim có nguy cơ rất lớn phải ra đường. Nhưng giờ đây, HLV 40 tuổi đứng trước bài toán khó khi CLB không dư dả tài chính.
Liệu chăng sau khi đốt quá nhiều que diêm, Man Utd có nhìn thấy được hiện thực tươi sáng hơn?