Mang thai đa ối có nên sinh mổ?

Mang thai đa ối có nên sinh mổ?

bởi

trong

Tôi mang thai con đầu lòng, hiện 28 tuần, đi khám được chẩn đoán đa ối, xin hỏi bác sĩ trường hợp này có nên sinh mổ không? (Hạnh Linh, 25 tuổi, An Giang)

Trả lời:

Đa ối là tình trạng lượng nước ối dư thừa trong xoang ối, chiếm khoảng 1-4% các trường hợp mang thai. Phần lớn thai đa ối không rõ nguyên nhân, một số có thể do phụ nữ mắc các bệnh lý đái tháo đường trước hoặc trong khi mang thai. Mẹ mang đa thai và hội chứng truyền máu song thai, các bất thường về mặt giải phẫu bào thai, rối loạn di truyền như hội chứng Down, Edwards, Patau cũng là nguyên nhân.

Đa ối còn có thể do thiếu máu bào thai, bất tương hợp yếu tố Rhesus giữa thai phụ và thai nhi, thai phụ bị rối loạn chuyển hóa như tăng canxi máu, nhiễm trùng bào thai (giang mai rubella, toxoplasma, parvovirus, CMV) và một số bệnh lý ít gặp khác như hội chứng Dandy Walker, Bartter.

Đa ối thường xảy ra vào ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ, sớm nhất là ở tuần thứ 16 của thai kỳ. Tình trạng này làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Đa ối gây chuyển dạ hoặc vỡ ối sớm, bất thường ngôi thai, sa dây rốn, nhau bong non, tăng tỷ lệ mổ lấy thai, mẹ bị căng bụng, khó thở hoặc không thở được do nước ối quá nhiều.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng bởi biến chứng của đa ối khá ít gặp. Phần lớn các trường hợp đa ối ở mức độ nhẹ, chỉ cần điều trị theo dõi. Những trường hợp ở mức độ trung bình hoặc nặng, bác sĩ chỉ định can thiệp, chọc ối trong tình huống cần thiết để rút bớt lượng nước ối thừa ra ngoài. Bác sĩ có thể sử dụng thuốc chứa thành phần corticosteroid hỗ trợ trưởng thành phổi thai nhi trong tình huống thai phụ có nguy cơ chuyển dạ sinh non trước 34 tuần.

Mục tiêu của điều trị đa ối là ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể ở bớt các triệu chứng khó chịu ở mẹ do lượng nước ối dư thừa. Tiên lượng của thai kỳ đa ối phụ thuộc vào mức độ cũng như nguyên nhân gây bệnh. Phần lớn trường hợp đa ối ở mức độ nhẹ và không rõ nguyên nhân có tiên lượng tốt.

Nếu bác sĩ chẩn đoán mẹ bầu đa ối thì sẽ lên kế hoạch chăm sóc và theo dõi sát sao tình trạng dư thừa nước ối đến ngày dự sinh. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ cho mẹ nên sinh thường hay sinh mổ để đảm bảo an toàn.





Mang thai đa ối có nên sinh mổ?

BS.CKI Ừng Quốc Thường (trái) mổ lấy thai cho một sản phụ. Ảnh: Tuệ Diễm

Qua những thông tin cung cấp, bạn thuộc trường hợp đa ối đơn thuần, không phải là chỉ định của mổ lấy thai. Nếu đa ối kèm các yếu tố khác và không thuận lợi cho việc theo dõi sinh thường sau đây, bác sĩ xem xét sinh mổ để đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.

  • Đa ối kèm thai dị tật nặng không thể sinh qua ngả âm đạo như não úng thủy, thoát vị hoành, phình thực quản…
  • Kích thước và cân nặng của thai nhi quá lớn có thể gây nguy hiểm khi sinh qua ngả âm đạo.
  • Lượng nước ối quá nhiều khiến thai nhi dễ di động trong tử cung, nên xoay đổi tư thế ở những tuần cuối thai kỳ, từ đó ngôi thai bất thường là yếu tố chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn.
  • Đa ối tồn tại các biến chứng như sa dây rốn, nhau bong non, băng huyết sau sinh… nên có thể can thiệp mổ lấy thai.
  • Đa ối nặng gây suy thai như tim thai bất thường, sức khỏe thai không đảm bảo khi mẹ chuyển dạ.

Ngay khi có chẩn đoán đa ối, mẹ bầu nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ sản khoa giỏi để được lên kế hoạch chăm sóc và theo dõi sát sao đến ngày dự sinh.

BS.CKI Ừng Quốc Thường
Trung tâm Sản Phụ khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh sản phụ khoa để bác sĩ giải đáp