Mất bao lâu để quên người yêu cũ?

Mất bao lâu để quên người yêu cũ?

bởi

trong
Mất bao lâu để quên người yêu cũ?

Nghiên cứu mới công bố của tạp chí Social Psychological and Personality Science cho thấy một người cần hơn 8 năm để hoàn toàn vượt qua mối quan hệ cũ.

Các chuyên gia cho rằng nếu hỏi 10 người về thời gian vượt qua người yêu cũ, bạn sẽ nhận được 10 câu trả lời khác nhau, từ vài ngày đến vài năm. Nhiều người cho rằng thời gian vượt qua bằng một nửa thời gian yêu nhau.

Tuy nhiên, nghiên cứu công bố tháng 3/2025 của Social Psychological and Personality Science cho thấy cảm giác gắn bó với người cũ chỉ giảm một nửa sau hơn 4 năm, nghĩa là mất khoảng 8 năm để quên hoàn toàn.

Nhóm nghiên cứu tính trung bình, họ sẽ trải qua ba giai đoạn.

Dằn vặt

Tình yêu ảnh hưởng sâu sắc đến não bộ và cảm xúc, không chỉ đơn thuần là cảm giác đau buồn khi chia tay. Nghiên cứu fMRI của nhà nhân chủng học Helen Fisher (Mỹ) cho thấy tình yêu kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh như oxytocin, dopamine và norepinephrine, tạo cảm giác gắn bó.

Đặc biệt, dopamine gây hiệu ứng tương tự nghiện chất kích thích trong khi cortisol và serotonin giảm, dẫn đến giảm căng thẳng và tăng sự ám ảnh.

Chia tay không chỉ là mất mát tình cảm mà còn giống quá trình cai nghiện, vì não bộ mất nguồn phần thưởng quan trọng. Dopamine từng được kích hoạt khi nghe giọng nói, thấy tên hay các thói quen chung giờ biến mất, khiến não phản kháng và cần thời gian để tái cấu trúc.

Dù không còn khao khát người cũ sau nhiều năm, dư âm cảm xúc vẫn tồn tại, giống như một bài hát hay mùi hương gợi lại ký ức, đánh thức các đường dẫn thần kinh được hình thành bởi tình yêu và thói quen.

Chấp nhận và vượt qua

Chia tay được xem như mất mát, điều này hoàn toàn đúng. Nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Adultspan Journal xác nhận mọi sự kiện đau khổ lớn trong đời, bao gồm chia tay, gây ra nỗi đau theo 5 giai đoạn, chối bỏ, giận dữ, thương lượng, trầm cảm và chấp nhận.

Bạn có thể nghĩ mình đã vượt qua nhưng một bức ảnh hay mùi hương quen lại khiến bạn đau lòng. Sự khép lại cảm xúc không luôn đến đúng lúc, nhiều người không có kết thúc rõ ràng.

Ngay cả khi đã chấp nhận, cảm xúc còn sót lại khiến bạn thắc mắc người cũ có nhớ bạn, hối tiếc hay không, hay bạn vẫn tồn tại trong ký ức họ. Những suy nghĩ này không có nghĩa bạn muốn quay lại mà là dấu hiệu của sự đầu tư cảm xúc sâu sắc.

Việc tách rời cần thời gian xử lý cảm xúc kéo dài, xuất hiện rồi biến mất trong ý thức nhiều năm. Vì thế, với nhiều người, quên hoàn toàn người cũ không phải chuyện vài tháng mà là quá trình kéo dài gần một thập kỷ.

Tìm lại chính mình

Trong các mối quan hệ lâu dài, bạn và đối phương sẽ bị mờ nhạt ranh giới cá nhân, tạo nên sự phụ thuộc lẫn nhau. Khi đó, bạn thường đặt nhu cầu của mối quan hệ lên trên cảm xúc và mong muốn cá nhân, thậm chí kìm nén bản thân để giữ sự hòa hợp.

Khi chia tay, mọi người thường tự hỏi lại bản thân những điều chưa từng nghĩ đến như Tôi là ai khi không còn bên họ?

Ngay cả khi có mối quan hệ mới, bạn vẫn có thể giữ lại những thói quen cũ, cảm thấy như một phần bản thân bị bỏ lại trong quá khứ và chưa biết cách tìm lại.

Quá trình tìm lại chính mình, khôi phục sự tự tin và độc lập cảm xúc không xảy ra ngay lập tức mà diễn ra dần dần qua năm tháng. Đây là hành trình khám phá lại con người riêng biệt, tách khỏi ảnh hưởng của người cũ.

Ngọc Ngân (Theo Psychologytoday)