Mặt trận Tổ quốc giảm hơn 500 biên chế sau sắp xếp

Mặt trận Tổ quốc giảm hơn 500 biên chế sau sắp xếp

bởi

trong

Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giảm 535 biên chế sau sắp xếp, từ 2.720 xuống còn 2.185, theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến.

Chiều 9/7, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị Chủ tịch Mặt trận các tỉnh, thành phố thảo luận về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy.

Nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành lập Đảng bộ Mặt trận, các đoàn thể Trung ương. Đây là một trong 6 đảng bộ trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến nói hiện nay Đảng bộ có 25 tổ chức cơ sở đảng với hơn 5.000 đảng viên. Cùng với việc thành lập Đảng ủy, Bộ Chính trị đã cho phép thành lập 4 ban tham mưu giúp việc của Đảng ủy và Cơ quan Đoàn Thanh niên.

Đến hết tháng 2/2025, Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức sắp xếp, tinh giản từ 284 đầu mối xuống còn 159. Số biên chế giảm từ 2.720 xuống 2.185, giảm 19,67%. Với cơ quan tham mưu giúp việc, đến ngày 30/6, số biên chế hiện có của Mặt trận Tổ quốc và Trung ương các tổ chức chính trị – xã hội là 986; đầu mối ban, đơn vị chuyên môn thuộc 5 cơ quan giảm từ 36 xuống còn 19.





Mặt trận Tổ quốc giảm hơn 500 biên chế sau sắp xếp

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Hoàng Phong

Ở cấp tỉnh, cấp xã, Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành 22 quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc của 22 tỉnh, thành phố sau sắp xếp; công nhận Ủy viên Ủy ban với hơn 3.000 người ở 34 tỉnh, thành phố. Đối với chức danh Chủ tịch, ông Chiến cho biết có 22/34 Phó bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Góp ý vào nội dung này, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng đầu mối đã hình thành và vận hành thông suốt. Tuy nhiên, Mặt trận cần quan tâm, chia sẻ với những khó khăn khi cán bộ phải đi từ địa phương này sang địa phương khác làm việc. Khi các tổ chức đoàn thể đã “về chung một ngôi nhà Mặt trận”, bà cho rằng phải khắc phục tình trạng chồng chéo, hạn chế như trước kia, đồng thời phát huy được vai trò chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tính chủ động của các tổ chức.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải tăng cường giám sát trong thực thi văn bản quy phạm pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. “Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai”, bà Thanh nêu quan điểm.

GS.TS Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, đánh giá khi sắp xếp, người dân có những băn khoăn nhất định. Tuy nhiên, đến nay có thể khẳng định nhân dân phấn khởi, đồng tình. Mọi hoạt động của hệ thống Mặt trận sau sáp nhập đã đi vào nề nếp, tuân thủ đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số vấn đề còn tồn tại sau quá trình sáp nhập, đặc biệt là ở cấp cơ sở. “Những tư tưởng cũ kỹ, lối nghĩ đặc quyền, đặc lợi, thậm chí những biểu hiện tham nhũng vẫn âm thầm chờ cơ hội tái sinh”, ông Đệ nói và cho rằng để quản lý tốt, cán bộ phải thấu hiểu dân, phải hành động đúng theo tinh thần phụng sự của Đảng. Tính tiên phong, xung kích của cán bộ, đảng viên cần được khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa.

Sơn Hà