
Đài quan sát động lực học Mặt Trời của NASA chụp được hình ảnh về một đợt bùng phát mặt trời, xuất hiện như một tia sáng chói ở phía bên phải, vào ngày 13/5 (Ảnh: NASA).
Ngày 13/5, các hệ thống quan sát Mặt Trời đã ghi nhận một trong những bùng phát Mặt Trời mạnh mẽ nhất từ đầu năm đến nay, đạt cấp X1.2 trên thang đo bức xạ mặt trời.
Sự kiện này xảy ra lúc 22h38 (theo giờ Việt Nam), được ghi lại bởi Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA và nhiều đài quan sát không gian khác.
Vùng phát xạ được xác định là Vùng Hoạt động 3685, nằm ở rìa phía tây của Mặt Trời. Hình ảnh do NASA cung cấp cho thấy một vùng ánh sáng cực mạnh lóe lên tại khu vực này, đặc trưng cho các vụ phun trào cấp X. Đây là mức cao nhất trong ba cấp phân loại (C, M và X) về cường độ bức xạ Mặt Trời.
Được biết, bùng phát Mặt Trời cấp X thường đi kèm với phun trào khối lượng vành nhật hoa (CME). Đây là những đám mây plasma chứa hàng tỷ tấn vật chất từ tầng ngoài cùng của Mặt Trời, có thể di chuyển với tốc độ hàng triệu km/h trong không gian liên hành tinh.
Nếu CME hướng thẳng đến Trái Đất, nó có thể gây ra bão từ mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến lưới điện, vệ tinh, định vị GPS, các thiết bị vô tuyến, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ phơi nhiễm bức xạ đối với phi hành gia và hành khách trên các chuyến bay vùng cực.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang phân tích quỹ đạo của CME liên quan đến bùng phát ngày 13/5 để xác định khả năng tương tác với từ trường Trái Đất.
Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) thuộc NOAA cảnh báo rằng các hiệu ứng nhiễu HF vô tuyến và suy giảm sóng tín hiệu đã được ghi nhận tại một số khu vực, đặc biệt là các vùng nằm trên ánh sáng ban ngày tại thời điểm xảy ra sự kiện.
Điểm đáng chú ý là sự kiện này xảy ra trong bối cảnh Mặt Trời đang tiến gần đỉnh cực đại của Chu kỳ Mặt Trời 25, vốn bắt đầu từ cuối năm 2019.
Theo NASA và các tổ chức nghiên cứu vũ trụ quốc tế, giai đoạn cực đại dự kiến đạt đỉnh vào cuối năm nay, hoặc đầu năm 2026. Trong những tháng gần đây, tần suất các vụ bùng phát cấp M và X, cũng như các hiện tượng CME, đã tăng rõ rệt – một đặc điểm điển hình của giai đoạn này trong chu kỳ 11 năm của hoạt động Mặt Trời.
Một tác động tích cực được kỳ vọng từ sự kiện lần này là khả năng xuất hiện cực quang (aurora) tại các vĩ độ thấp hơn bình thường.
Theo đó, nếu CME đi kèm với bão từ đủ mạnh và hướng thẳng đến Trái Đất, hiện tượng cực quang có thể được quan sát tại nhiều khu vực nằm xa khỏi hai cực địa từ, mang đến cơ hội quan sát hiếm hoi cho những người yêu thích thiên văn.
Các cơ quan khí tượng không gian đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để đưa ra những cảnh báo kịp thời cho các hệ thống viễn thông, giao thông và hàng không.