
‘Mọi của cải, đất đai, nhà cửa sau này đều dành cho con trai, còn phận con gái sẽ chẳng có gì’, mẹ nhấn mạnh từ khi tôi còn nhỏ.
Gia đình tôi có hai chị em. Tôi là chị cả, dưới tôi có một em trai. Thế nhưng, ngay từ nhỏ, mẹ đã hằn sâu vào đầu tôi một thông điệp rằng: “Mọi của cải, đất đai, nhà cửa sau này đều mặc định dành cho con trai”. Trong tâm niệm của bà, con gái là con người ta, hưởng phúc nhà chồng. Thế nên, tôi là phận nữ, sẽ chẳng có gì trong gia sản của gia đình.
Tôi từng không nghĩ gì về những điều ấy dù mẹ cứ nhắc đi nhắc lại đến mức tôi thuộc lòng từng lời. Cho đến khi tôi trưởng thành, lập gia đình và sống cùng nhà chồng. Nghe tôi nói về chuyện sẽ không nhận được bất cứ tài sản thừa kế gì từ nhà mẹ để, người nhà chồng tôi tỏ thái độ ra mặt. Họ không hài lòng vì tôi là con đẻ của mẹ mà đi lấy chồng lại chỉ có tay không, sau này không được để lại chút gì.
Thú thực, dù là một người không tham lam của cải thừa kế, nhưng thấy nhà chồng như vậy, tôi lại càng thêm tủi thân. Tôi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, mình cũng lao động vất vả, đổ mồ hôi góp sức với mẹ để làm lụng kinh tế, lo cho cả gia đình, lo cho đứa em trai ăn học thành người. Thế mà giờ, tôi như thể bị tất cả hắt hủi, nên càng thấy tủi phận.
Mà tôi cũng chỉ biết tủi một mình thế thôi, chứ bảo về đòi hỏi mẹ phải chia cho mình cái này, cái kia thì tôi thực sự không làm được. Bản thân tôi cũng rất khó nghĩ khi phải đối diện với ánh nhìn soi xét của nhà chồng. Tôi với em trai dù gì cũng là ruột thịt, nếu giành nhau tài sản của cha mẹ thì chẳng khác gì đẩy nhau vào ngõ cụt. Rồi người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ gì về chúng tôi?
>>
Có lần, biết chuyện tôi bị nhà chồng khinh khi, mẹ bảo: “Nếu con cần tiền thì mẹ sẽ cố làm lụng để cho sau, chứ nhà cửa thì không thể chia được”. Nhưng tôi buộc lòng phải từ chối vì không ai nỡ nhìn mẹ già ốm đau phải lao tâm khổ tứ kiếm tiền để cho mình một ít vốn cho gọi là có “công bằng”, để người ngoài đỡ đánh giá.
Đến giờ, tôi vẫn tự nhủ mình còn có sức lao động thì phải cố gắng kiếm tiền, tự tiêu tiền mình kiếm được, để không phải phụ thuộc vào ai, cho cuộc sống nhẹ nhõm hơn. Dù mẹ có suy nghĩ thế nào về chuyện chia tài sản, dù tôi có không được nhận một đồng thừa kế nào thì được sinh ra và nuôi dưỡng trưởng thành cũng đã món quà mà cả đời này tôi sẽ phải báo đáo, phải giữ trọn hiếu đạo. Ít nhất, tôi cũng sẽ cố làm gương để con cái mình nhìn vào và bản thân không phải hổ thẹn với lòng mình.
Xã hội ngày càng công bằng trong trao quyền thừa kế cho con trai và con gái. Ở nhiều gia đình, bố mẹ chia đều tài sản cho các con không phân biệt giới tính hoặc dù ưu tiên con trai, họ vẫn có phần ít hơn cho con gái. Tuy nhiên, tư tưởng trọng nam khinh nữ, quan niệm ”con gái là con người ta” vẫn tồn tại trong nhiều gia đình.
Trong nghiên cứu Nam giới và nam tính trong xã hội Việt Nam hiện đại do Viện nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) thực hiện, chỉ 1% nam giới cho rằng cha mẹ nên chia tài sản chỉ cho con gái hoặc chủ yếu cho con gái. Trong khi đó, 12-23% cho rằng chỉ nên chia chủ yếu chia cho con trai. Điều này chỉ ra rằng khi sinh ra là phụ nữ đã bất lợi về quyền sở hữu tài sản so với nam giới.
- Con trai làm loạn vì cha mẹ già không chia thừa kế sớm
- ‘Cú lừa’ thừa kế căn nhà của bố mẹ chồng
- Bảy cây vàng thừa kế giúp bốn anh em tôi bung sức vào đời
- Suy nghĩ ‘cần thừa kế sớm để vào đời’ khiến anh tôi lụn bại
- Mẹ vợ khư khư giữ đất vì sợ con cái bất hiếu sau khi chia thừa kế
- Tôi chẳng biết làm gì với căn nhà thừa kế nhận năm 60 tuổi