Mẹ đơn thân khiếm thị khẩn cầu phép màu cho con gái nhỏ (Video: Hương Hồng).
Người phụ nữ chúng tôi đang nói tới là chị Lê Thanh Hiền (SN 1987, trú tại ngõ Thịnh Hào 3, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2 nằm cuối con ngõ sâu hun hút là nơi trú ngụ của gia đình 5 người thuộc 3 thế hệ, trong đó có đến 4 người bị khiếm thị.
Đưa tay dụi mắt, chị Hiền kể, bản thân bị hỏng mắt từ khi ra đời, thế giới xung quanh chỉ là một màn sương mờ ảo. Khi tuổi xuân dần trôi qua, năm 29 tuổi, chị Hiền đánh liều tìm kiếm đứa con của riêng mình, những mong có chỗ trông cậy về sau.
Nhưng, thật bất hạnh, bé Lê Thị Bảo Đan (SN 2016), đứa con mà chị chịu bao điều tiếng sinh ra, cũng bị khiếm thị giống mẹ.

Người phụ nữ khiếm thị, ốm yếu đang là trụ cột của gia đình 5 nhân khẩu (Ảnh: Hương Hồng).
Chị Hiền cho biết thêm, em trai ruột và bố của chị cũng bị khiếm thị. Năm 1990, bố chị không may bị tai nạn lao động dẫn tới hỏng 1 mắt. Đến năm 2011, ông mất hoàn toàn thị lực do căn bệnh tiểu đường biến chứng.
Người duy nhất trong gia đình còn sáng mắt là bà Vũ Thị Hòa (SN 1957, mẹ của chị Hiền). Thế nhưng, bà Hòa tuổi đã cao lại thường xuyên đau ốm, vạn bất đắc dĩ, chị Hiền trở thành lao động chính trong nhà với công việc tẩm quất người mù. Tháng nào chị khỏe mạnh, đi làm đều thì thu nhập được khoảng 3-4 triệu đồng, có tháng ốm không làm được đồng nào.
Thu nhập từ công việc tẩm quất của chị Hiền bấp bênh. Vì vậy, mọi chi tiêu trong gia đình 5 nhân khẩu chủ yếu trông chờ vào khoản trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật và đồng lương hưu công nhân ít ỏi của bố mẹ chị Hiền. Nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình vô cùng chật vật, luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Bé Bảo Đan bị mắc bệnh bong võng mạc nên thị lực ngày càng kém (Ảnh: Hương Hồng).
“Nếu nhà không ai ốm đau thì tằn tiện cũng đủ đong gạo và trả tiền điện, nước. Nhưng mấy năm gần đây, sức khỏe của bố mẹ em đi xuống, ngày uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm.
Vì vậy, lúc nào em cũng phải căng đầu tính toán xem sáng nay ăn cơm rồi thì tối, ngày mai, ngày kia ăn gì…”, nói rồi chị Hiền lặng lẽ rơi nước mắt.
Ôm bé Bảo Đan vào lòng, chị Hiền nghẹn giọng: “Con bé này là ông trời ban cho em. Mắt con kém, nhưng đeo kính vào con vẫn đi học được. Con bé hiếu học, em vui lắm!
Bác sĩ nói cháu mắc bệnh bong võng mạc, hàng tháng phải đến bệnh viện thăm khám và điều trị. Năm nay, con bé bảo mắt con mờ hơn, ngồi bàn đầu nhưng nhìn lên bảng không còn rõ nữa. Em lo lắm, nhưng cũng không biết phải làm sao”, người mẹ đơn thân đưa 2 tay ôm mặt, đôi vai gầy rung lên từng chặp theo tiếng nấc.

Công việc tẩm quất là cứu cánh cho gia đình chị Hiền (Ảnh: Hương Hồng).
Bà Vũ Thị Thanh Bình, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội, không giấu được xúc động khi nói về hoàn cảnh của gia đình chị Hiền:
“Đây là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất ở khu phố, dù nhiều năm qua, bà con, tổ dân phố, phường và các tổ chức xã hội luôn quan tâm, hỗ trợ.
Cháu Hiền mù lòa, sức yếu nhưng rất nghị lực. Hiền đang là trụ cột của gia đình 5 người hỏng mắt và ốm đau, bệnh tật.
Trước hoàn cảnh vô cùng bi đát của gia đình cháu Hiền, nhất là khi thấy bé Đan ngoan ngoãn, thông minh nhưng bệnh tình có dấu hiệu ngày một nặng, chúng tôi không khỏi lo lắng. Qua báo Dân trí, mong rằng sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái dang rộng vòng tay cứu giúp gia đình cháu Hiền”, bà Bình bày tỏ.

Điều khiến chị Hiền lo nhất lúc này là đôi mắt Bảo Đan có dấu hiệu ngày một mờ đi (Ảnh: Hương Hồng).