
Mẹ giận vì tôi để anh trai đi học về đói bụng cồn cào.
Tôi sinh ra trong một gia đình xuất phát từ nghề nông có 6 người con, 5 gái và một trai, tôi là con gái út trong nhà. Tôi 30 tuổi và đã lập gia đình. Từ khi sinh ra cho đến bây giờ, tôi chưa có lấy một ngày dám sống buông thả hay lười biếng. Vậy mà cuộc sống vẫn luôn bất công, khiến tôi đau khổ, và ám ảnh trở thành vết sẹo không bao giờ lành. Tôi là típ người muốn sống bình yên, tự lực cánh sinh và không bao giờ tham lam hay lợi dụng ai bất cứ thứ gì, vậy mà luôn bị mọi người trong nhà gán nhãn là bất hiếu, ích kỷ, ghen tỵ. Các chị của tôi đều đã lập gia đình, riêng anh tôi vẫn sống lông bông như vậy cho đến thời điểm hiện tại. Tôi mãi mãi không hiểu được, tại sao mình sống đàng hoàng, có cái gì tốt cũng nghĩ đến cháu chắt và người trong nhà mà lại bị đối xử như một kẻ thừa. Mọi người đều xem nhẹ những nỗ lực, mồ hôi nước mắt và cả những nỗi đau của tôi.
Tôi còn nhớ như in ngày nhỏ bị mẹ mắng té tát vì dám pha một gói phở ăn liền trong tủ ăn lúc đi học về đói bụng cồn cào, anh trai mở tủ ra không có gì ăn nổi cáu, rồi mẹ quay qua chửi tôi. Dù tôi đã ra tạp hóa mua gói phở y hệt về cho anh ăn, mẹ vẫn không ngừng chửi tôi và cảnh báo: “Nếu lần sau mày dám ăn đồ trong tủ mà không hỏi ý của tao trước thì chết với tao”. Tôi chực trào nước mắt và tự hỏi lòng, chẳng lẽ tôi không phải con mẹ hay sao? Tôi có lỡ ăn gói phở đó rồi, đã mua lại gói giống hệt cho anh ăn, sao mẹ vẫn không vừa lòng.
Mẹ không đi họp phụ huynh, khiến tôi bị cô giáo nói khéo bằng những lời lẽ coi thường. Sau này hỏi, mẹ nói bận việc không đi được, nhưng buổi họp phụ huynh của anh mẹ đi không thiếu buổi nào, bận gì mà có chọn lọc vậy. Đến đôi giày tôi hỏng, xin mẹ mua còn bị chửi, phải nhịn ăn sáng để tự mua đồ lặt vặt cá nhân. Còn anh tôi, áo quần, xe đạp, món mới gì ra muốn gì được nấy. Quá đáng hơn là anh đem áo quần cho bạn bè mượn, rồi mẹ bắt tôi phải đến nhà bạn anh lấy áo quần về cho anh, tôi không đi sẽ bị đánh, chửi. Anh hay kiếm chuyện chọc phá tôi, mẹ cũng đều bênh vực anh và mặc định bất kỳ chuyện gì có liên quan đến anh đều là lỗi của tôi.
Tôi cảm thấy bất công và phân trần, mẹ đều không lắng nghe, chỉ đổ lỗi cho tôi, đánh đập và chửi bới tôi bằng những lời lẽ cay nghiệt, khiến tôi đau khổ và tổn thương. Anh tôi dần ý thức được mẹ luôn bênh vực và anh luôn có nhiều đặc quyền hơn bất cứ ai trong nhà nên càng thường xuyên kiếm chuyện với tôi, để mẹ đánh đập và chửi bới tôi. Những lần như thế anh được phen cười hả dạ. Chuyện gì đến rồi cũng đến, sau nhiều năm trôi qua, dưới sự nuông chiều thái quá của mẹ, anh tôi bỏ học, ăn chơi lêu lỏng thâu đêm suốt sáng, đua đòi, muốn gì được nấy, không có điểm dừng, kết giao toàn những đám bạn lai lịch phức tạp (giang hồ, nghiện cần sa, ăn chơi thâu đêm), suốt ngày ngửa tay xin tiền mẹ để thỏa mãn cho những cuộc vui của anh.
Những lần anh đòi tiền như thế, mẹ cứ đưa tiền cho anh, muốn bao nhiêu được bấy nhiêu, rồi nhìn tôi cười. Tôi thật không hiểu nổi tình thương của mẹ với anh là gì. Hay mẹ đang tiếp tay cho anh sống như vậy đến hết cuộc đời, chỉ cần anh thấy vui là mẹ hạnh phúc? Hôm nào anh đi chơi thâu đêm suốt sáng thì thôi, hôm nào anh ở nhà nằm trong phòng chơi, ba mặc định dắt xe anh vào nhà là nghĩa vụ của ba, có hôm tôi bảo anh ra dắt xe vào còn bị quát với lại: “Ba dắt”. Đêm nào anh đi chơi khuya về, gọi cho tôi là tôi phải có trách nhiệm ra mở cửa cho anh vào nhà. Sáng ra mẹ hỏi tối qua mấy giờ anh đi chơi về, tôi không trả lời được cũng bị mẹ đay nghiến cho vài câu. Những sự việc trên lặp đi lặp lại trong nhiều năm cho đến bây giờ khi anh đã 35 tuổi.
Năm 2021, khi tôi quen bạn trai, tức là chồng hiện tại, anh ấy chứng kiến tất cả sự việc trong nhà khi đến chơi với tôi, chính anh cũng bị sốc bởi cách đối xử của mọi người với tôi. Anh nói với tôi: “Gia đình em sống kiểu gì anh cũng không hiểu nổi, người cần được day dỗ là anh trai của em, mọi người đối xử như vậy không công bằng với em”. Tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong mà sống, vốn dĩ không có tiếng nói trong nhà. Suốt nhiều năm qua, chẳng một ai đoái hoài đến cảm nhận của tôi dù là một chút, một lời an ủi thậm chí còn không có. Ai cũng bênh vực cho anh trai tôi. Có nhiều lần bạn trai muốn kết thúc chuyện tình cảm, vì thấy mọi người đối xử với tôi như vậy, sợ sau này anh là con rể thì mọi người coi anh ra cái gì. Rồi vì tình cảm dành cho tôi, anh quyết tâm ở lại và kết hôn.
Trước ngày cưới tôi, gia đình tôi có bán miếng đất, các chị đều được cho một khoản nhỏ, riêng vợ chồng chị gái thứ tư được cho gấp đôi vì khó khăn hơn. Tôi cảm thấy không đúng, anh rể thứ tư chơi bời đổ nợ cả tỷ đồng thì phải tự đi làm mà trả nợ, chuộc tội cho thói ham vui bên ngoài, hoặc bên nhà anh tự tìm cách trả nợ cho anh, không thể gắn mác là hoàn cảnh khó khăn được. Đối với tôi, khi đã chịu khó làm ăn kinh doanh mà thua lỗ, hoặc nỗ lực đi làm mà vẫn không gặt hái được nhiều mới gọi là khó khăn, ba mẹ muốn cho anh bao nhiêu chẳng ai ý kiến gì, đằng này ăn chơi vay nợ còn quy cho hoàn cảnh khó khăn, càng góp phần làm cho bản tính ỷ lại, ăn bám của anh rể tăng thêm.
Đến hiện tại anh rể vẫn ăn nhậu, không đi làm, còn dẫn bạn nhậu về nhà chốt cửa lại. Riêng tôi cảm thấy buồn và như kẻ thừa trong nhà, ai cũng được để mắt quan tâm đến. Tôi đề nghị mua chiếc xe mới, cho cả nhà có phương tiện đi lại an toàn (lúc đó ba mẹ và tôi đều chạy chiếc xe hỏng nặng, chiếc xe từ lúc anh tôi bỏ họ, đòi mua 15 năm trước), vậy mà bị chửi là khốn nạn, đòi hỏi, phân bì với các chị.
Thời điểm đó, mọi thứ như chạm đến giới hạn cuối cùng của tôi, tôi tức giận và dọn đồ ra khỏi nhà trong oan ức và tủi thân. Lúc dọn đồ chuẩn bị đi, anh trai còn lên mặt dạy đời, tôi bực dọc nói anh là cái thá gì mà nói chuyện với tôi, anh sống phải với tôi chưa mà mở miệng đạo lý. Anh trai nhào vào đánh và đòi làm hại tôi. Bao nhiêu năm qua, tôi luôn cố gắng học tập và làm việc, có cái gì ngon cũng nhớ đến mọi người trong nhà mà mọi người lại đối xử với tôi như vậy. Cha mẹ trọng nam khinh nữ, phân biệt đối xử đã khiến tôi đau khổ một, các chị tôi đều là những người có tri thức lại hùa theo chửi bới tôi là kẻ bất hiếu, ganh tỵ với anh em ruột thịt trong nhà khiến tôi đau khổ 10. Dường như tôi không còn chốn nương tựa, như một kẻ thừa thãi trong nhà, tất cả đều chống lại tôi. Tôi quyết định đi khỏi nhà ngay trong đêm.
Mấy hôm sau, ba mẹ liên lạc với bạn trai tôi rồi nói anh khuyên tôi về nhà, bảo anh đừng kể lại chuyện trong nhà cho ba mẹ nghe. Tôi về nhà nhưng quyết không nghe bất kỳ lời nào từ ai trong nhà nữa. Tôi giam mình trong phòng, không ăn uống gì cho đến gần ngày cưới. Ba mẹ tôi vẫn cố chấp, không thừa nhận cách phân biệt đối xử với tôi, câu cửa miệng muôn thuở của ba mẹ và các chị tôi là “do tôi nghĩ”, ba mẹ công bằng hết. Tôi cạn lời với mọi người rồi, nhưng vẫn nhẫn nhục, im lặng cho đến ngày cưới. Tôi quyết định mua xe trả góp để có phương tiện, ba mẹ chắc cũng xấu hổ vì đã làm vậy với tôi nên đưa tiền cho bạn trai, bảo mua xe cho tôi. Trong thâm tâm tôi không cần số tiền đấy, nhưng vì muốn yên ổn cũng phải chấp nhận sự dàn xếp của ba mẹ.
Sau khi cưới, mọi thứ lặp lại như cũ, đỉnh điểm có một hôm ba đi đám cưới, tôi mới mổ hạch ở hai bên nách, chưa lành, vẫn gồng mình chịu đau đớn tự lái xe đi khám lại, rồi nhờ chồng qua nhà chở mẹ tôi đi khám bệnh vì mẹ bị ốm. Anh trai thản nhiên xách xe đi uống cà phê như không có chuyện gì. Các chị tôi biết chuyện vẫn biện hộ cho anh là thiếu sót, đáng thương, còn tôi là thứ bất hiếu, ích kỷ, tôi đau khổ đến tột cùng. Sống trong nhà, hàng ngàn lần tôi nghĩ dại vì cách đối xử bất công của mọi người. Ngày ba lâm bệnh nặng, tôi bận việc nhưng cũng tranh thủ sáng ra chợ mua đồ về ép nước hoa quả cho ba uống, ba không thể ăn được nữa, cho đến khi ba mất. Thế mà sau này, chị cả chửi bới tôi, bảo tôi không ngó ngàng gì khi ba ốm.
Hôm 49 ngày của ba, chị ấy quát: “Xin phép tao chưa, đất đó ba nói cho tao rồi, tao muốn bán”. Trong khi trước đó, tôi đề nghị mượn bãi đất trống đó để quay video làm kênh kiếm tiền, có hỏi trước mẹ, sau đó chị cũng biết. Trước đó cũng có một chị hàng xóm mượn đất đó trồng hoa màu để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chẳng ai ý kiến gì. Đến lúc tôi hỏi mượn thì mọi người cáu gắt. Chị lo sợ tôi giành tài sản đất đai thôi, chứ chẳng tốt lành gì. Ba có nói cho chị thì cũng chỉ là nói miệng, không có di chúc, chưa có cắt ra và chưa làm sổ đỏ. Tôi mượn làm video, đâu có lấy miếng đất của chị đâu, chị muốn bán thì nói với tôi, tôi rất vui vẻ đón nhận, đằng này chị quát tôi trước mặt mọi người, như thể tôi cướp đất đai gì của chị vậy.
Sau này mẹ tôi còn nói đỡ cho chị, chị lo tôi không làm được sẽ tiêu tốn nhiều tiền của vào đó mà không thu được gì, nên mới nói vậy với tôi. Tôi thấy rất giả tạo, vì bản tính chị như thế nào tôi là người rõ hơn ai hết. Từ nhỏ chị đã luôn coi rẻ sự cố gắng của tôi, tôi không giỏi giang bằng ai, cũng chưa bao giờ mở miệng thốt ra câu mình giỏi giang xuất chúng hơn bất kỳ ai, nhưng nhờ sự chăm chỉ nên cũng được học sinh giỏi, ngang hàng với các bạn giỏi trong lớp. Thế nhưng về nhà các chị đều nhỏ to với nhau, bảo tôi ngu mà cũng được học sinh giỏi. Những lúc như thế tôi rất buồn, vì không được động viên, không được tôn trọng. Tôi không cần ai khen mình giỏi hay gì hết, vấn đề là sự tôn trọng nỗ lực của tôi, một lời động viên cũng không có, chỉ nhận được sự khinh bỉ, mỉa mai sau lưng từ chính các anh chị mình.
Quay trở lại vấn đề nếu mọi người khẳng định chị lo tôi không làm video được sẽ tiêu tốn nhiều tiền của vào đó mà không thu được gì, nên mới nói vậy với tôi, vậy anh trai tôi bỏ học giữa chừng, chưa học hết cấp 3, không lao động, chưa từng làm việc ở bất kỳ công ty nào, tại sao mọi người lại dám lấy sổ đỏ thế chấp vay tiền mở quán bida cho anh làm ăn kinh doanh, trong khi trước đó anh không chịu đi làm, nên trong nhà phải bán xe máy cày cho anh lấy tiền, anh cũng phá sạch.
Lúc ba còn sống, có cả ba mẹ và cậu, tôi đã nói không cần đất đai tài sản gì trong nhà hết, chỉ muốn được đối xử công bằng. Ai cũng đều im lặng vì bản thân biết rõ đã làm nhiều chuyện không phải với tôi. Tôi nghĩ như thế này, hiếu thảo là cha mẹ cho ăn học thì phải ráng học tập cho đàng hoàng, để không lãng phí tiền của công sức của cha mẹ, lúc ba mẹ ốm đau thì lo lắng, có gì ngon có gì tốt nhớ đến cha mẹ, tự lực cánh sinh, không bám víu ba mẹ và ỷ lại, không coi ba mẹ như cái máy đẻ tiền suốt ngày chạy về vay mượn, không để cha mẹ phải còng lưng ra trả nợ cho mình. Còn có ở gần mà phá gia chi tử thì hành cha mẹ chứ có hiếu gì. Sống không ra gì, làm liên lụy và gây ra đau khổ cho chị em mình, như thế chỉ dày vò nhau dưới danh nghĩa người nhà chứ anh em gì nữa. Thật sự tôi muốn từ bỏ mọi thứ để chấm dứt mọi đau khổ.
Hồng Hạnh