Khi Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết miễn học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, chiều 22/5, tôi không chỉ nhìn nhận đây là một chính sách hỗ trợ xã hội thuần túy. Điều tôi thấy rõ hơn cả là sự thể hiện sinh động bản chất nhân văn và ưu việt của một Nhà nước thực sự vì dân, vì tương lai lâu dài của đất nước.
Tôi càng tin tưởng vững chắc vào bước đi ấy khi Tổng Bí thư Tô Lâm từng phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh cần tiến tới miễn học phí, viện phí cho toàn dân. Đây là một tầm nhìn – một lựa chọn thể chế mang tính nhân đạo sâu sắc, xuất phát từ tinh thần “dân là gốc”, là trung tâm, là mục tiêu và động lực của mọi chính sách. Và nếu phải chọn một lĩnh vực để bắt đầu, thì tôi tin, giáo dục chính là điểm khởi đầu đúng đắn nhất.
Là người đã nhiều năm theo dõi về văn hóa, tôi thấu hiểu rằng giáo dục không chỉ là tri thức, mà còn là cơ hội. Cơ hội để một đứa trẻ nghèo ở miền núi có thể vươn lên bằng chính khả năng của mình. Cơ hội để những đứa con của công nhân, nông dân, người lao động có thể bước vào giảng đường đại học mà không bị rào cản tài chính ngăn trở. Cơ hội để tạo dựng một xã hội học tập, nơi mọi người đều có điều kiện phát triển công bằng.

Học sinh tại một trường THPT ở TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long, Nam Anh).
Tôi từng nghe lãnh đạo địa phương huyện Mường Lát (Thanh Hóa) kể về một nữ sinh lớp 11 phải nghỉ học một học kỳ để theo mẹ ra nước ngoài làm thuê, vì không có tiền nộp học phí và mua đồng phục đầu năm. Nhờ sự vào cuộc của nhà trường và chính quyền, em đã trở lại lớp, nhưng câu chuyện ấy cứ day dứt mãi trong tôi.
Nếu không có chính sách bao phủ toàn diện, giấc mơ học tập của những em học sinh hoàn cảnh tương tự có thể vụt tắt trong lặng lẽ. Đó là lý do khiến tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách miễn học phí như một bước đi cấp thiết, mở ra một “hành lang công bằng” cho phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai gần.
Nhưng tôi cũng hiểu rằng, miễn học phí không phải là đích đến cuối cùng. Nó chỉ là bước khởi đầu. Bởi người dân sẽ không chỉ bằng lòng với việc “không phải đóng tiền học”, mà còn kỳ vọng vào một môi trường giáo dục ngày càng tốt hơn về mọi mặt. Miễn học phí, nhưng nếu lớp học vẫn chật chội, giáo viên vẫn quá tải, học sinh vẫn phải học thêm tràn lan – thì công bằng vẫn chỉ là trên danh nghĩa.
Vì vậy, tôi nghĩ Quốc hội và Chính phủ cần triển khai chính sách miễn học phí song hành với các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Phải đầu tư đủ ngân sách, đảm bảo phân bổ công bằng theo vùng, theo địa phương. Tránh tình trạng “cào bằng” khiến các tỉnh, huyện nghèo bị quá tải và không thể bảo đảm được chất lượng giáo dục tối thiểu. Trong bối cảnh các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM – nơi phân tầng thu nhập rất sâu sắc, thì điều đó càng cấp thiết.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu, trong đó có tôi, quan tâm là nguy cơ học sinh chuyển từ trường tư sang trường công khi học phí trường công được miễn. Đây là mối lo có thật, nhưng theo tôi, không nên quá lo lắng. Như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phân tích, các trường tư hiện nay đã và đang khẳng định được vị thế, thương hiệu và cách tiếp cận riêng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Hệ thống giáo dục cần được nhìn nhận như một tổng thể hài hòa giữa công lập và tư thục – chứ không phải hai “mặt trận” đối kháng nhau. Trường công cần nâng cao chất lượng, trường tư cần phát huy thế mạnh linh hoạt, sáng tạo của mình. Chính sự đa dạng và cạnh tranh lành mạnh ấy mới làm nên một hệ sinh thái giáo dục thực sự phát triển.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng quá tải ở trường công, Nhà nước cần chủ động mở rộng mạng lưới trường học, đặc biệt ở các khu vực đông dân, ngoại thành và những vùng đang đô thị hóa nhanh. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho trường tư thục tiếp tục phát triển, chia sẻ gánh nặng xã hội hóa giáo dục, đảm bảo quyền lựa chọn cho phụ huynh và học sinh.
Vấn đề mà tôi đặc biệt quan tâm nữa là tình trạng các khoản phí ngoài học phí trong trường học vẫn còn rất lớn. Miễn học phí, nhưng nếu các khoản “thu thỏa thuận”, “đóng góp tự nguyện”, “học thêm ngoài giờ”… vẫn được tổ chức tràn lan, thì chính sách ưu việt này có nguy cơ bị làm lu mờ. Tôi tán thành kiến nghị của đại biểu Trương Xuân Cừ, khi phát biểu ở tổ, rằng cần kiểm soát và hạn chế tối đa các khoản thu khác trong nhà trường, nhất là ở bậc phổ thông. Những khoản thu này nhiều khi không thực sự cần thiết nhưng lại gây áp lực lớn cho các gia đình thu nhập thấp. Nhà nước đã lo được học phí, thì cũng phải lo cho cả tính minh bạch, công bằng của hệ thống tài chính học đường.
Tôi rất ủng hộ khi Tổng Bí thư chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án tổ chức buổi học thứ hai trong ngày để giảm bớt nhu cầu học thêm. Đây là một bước cải cách đúng hướng. Học sinh không nên phải tiếp thu kiến thức trong một môi trường căng thẳng, thiếu thời gian và lệ thuộc vào các lớp học thêm ngoài chương trình chính thức. Một nhà trường mạnh phải là nơi học sinh có thể phát triển toàn diện mà không cần phải tìm đến các “giáo trình ngoài luồng”.
Tôi tin rằng, những chỉ đạo gần đây của Tổng Bí thư – đặc biệt về định hướng miễn viện phí và học phí toàn dân – chính là sự tiếp nối rõ ràng của tinh thần Nhà nước kiến tạo, phục vụ, nhân văn. Với giáo dục, sự miễn phí ấy không đơn thuần là xóa bỏ rào cản tài chính, mà còn là một tuyên ngôn chính trị – rằng không một đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau, không một gia đình nào phải đánh đổi giấc mơ học tập chỉ vì nghèo. Và miễn học phí không phải là điểm kết thúc, mà là khởi đầu cho một hành trình cải cách lớn hơn. Chúng ta cần tiếp tục cải cách chương trình học, phương pháp giảng dạy, chế độ cho giáo viên, quản trị nhà trường. Cần tích hợp công nghệ số vào giáo dục, mở rộng không gian học tập, tăng cường tự chủ và đổi mới sáng tạo. Miễn học phí là điều kiện cần – nhưng chất lượng và công bằng thực sự mới là đích đến.
Tôi mong rằng, vào mỗi dịp đầu năm học mới, mọi phụ huynh – dù ở Hà Giang hay Hà Nội, dù là cán bộ hay công nhân – đều có thể nói với con mình rằng: “Con hãy học hết mình, vì Nhà nước luôn đồng hành cùng con”. Đó sẽ là hình ảnh đẹp nhất của một quốc gia thực sự phát triển bằng tri thức, công bằng và lòng nhân ái.
Tác giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn là thạc sĩ chuyên ngành quản lý di sản và nghệ thuật tại Đại học Bắc London (University of North London); tiến sĩ quản lý văn hóa tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Ông hiện là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Ông đã từng có gần 25 năm làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, và là Viện trưởng trước khi chuyển sang làm công tác chuyên trách tại Quốc hội.
Những chủ đề quan tâm của ông là quản lý văn hóa, quản lý di sản và nghệ thuật, truyền thông mới, công nghiệp văn hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!