Ký ức khó phai và dấu mốc lịch sử: Điện về Cao Lãnh
Nhớ lại thời điểm khó khăn đó, ông Nguyễn Văn Hùng – thường gọi là chú Hùng “guốc”, nguyên công nhân vận hành tại nhà máy điện Cao Lãnh – kể ông vẫn nhớ như in hình ảnh 8 chiếc máy phát diesel hoạt động luân phiên ngày đêm để duy trì nguồn điện phục vụ người dân trong khu vực. Ông cho biết: “Có 8 cái máy chạy dầu, 4 cái chạy thì 4 cái nghỉ, luân phiên nhau. Nhưng do phải hoạt động liên tục nên nhiều máy hư, phải sửa hoài. Điện thiếu thốn lắm, người dân mong có đủ điện cũng không thể đáp ứng hết được”.
Do phụ thuộc vào nhiên liệu vận chuyển bằng đường bộ, không ít lần các trạm bơm, trạm phát điện phải ngưng hoạt động vì… hết dầu. Riêng Nhà máy điện Cao Lãnh đặt gần khu vực nay là Khu công nghiệp Trần Quốc Toản – được tiếp nhiên liệu thuận lợi hơn. Tuy vậy, công suất nhà máy này lại hạn chế khiến nguồn điện thiếu ổn định, chập chờn. Cảnh sống trong bóng tối, chờ từng giờ có điện đã trở thành ký ức in sâu trong lòng nhiều thế hệ người dân Đồng Tháp.
Thế rồi chủ trương tiếp nhận điện lưới quốc gia từ trạm 66 kV Mỹ Thuận về Cao Lãnh, diện mạo ngành điện tại Đồng Tháp lúc bấy giờ mới thực sự thay đổi. Ngày 2.9.1987 – một dấu mốc không thể quên – lễ khánh thành đóng điện chính thức diễn ra, mang theo niềm vui khôn xiết của hàng ngàn người dân vùng đất sen hồng.

Đội thi công đầu tiên ở Đồng Tháp
ẢNH: ĐIỆN LỰC ĐỒNG THÁP
Ông Nguyễn Văn Việt, nguyên Phó giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp, người trực tiếp tham gia kéo những đường dây đầu tiên tại tỉnh, không giấu được niềm xúc động, nhớ lại: “Tôi cùng anh em công nhân làm ngày làm đêm. Khi đường dây hoàn thành, tận mắt thấy bóng đèn đầu tiên sáng lên ở Cao Lãnh, ai cũng rưng rưng. Cảm giác lúc đó tự hào lắm!”.
Từ thời điểm đó, công cuộc xây dựng và mở rộng mạng lưới điện nhanh chóng được triển khai về các huyện, thị vùng sâu, vùng xa. Những cung đường xuyên đồng hoang, vượt sông rạch chằng chịt được mở lối bằng đôi tay và khối óc của hàng trăm cán bộ, công nhân ngành điện. Phương tiện lúc đó còn rất thô sơ. Chưa có trụ bê tông, người thợ phải dùng gỗ thông làm trụ đỡ, tự chế thiết bị để thi công.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – hay còn gọi là chú Tuấn “đen”, từng tham gia đội thi công – hóm hỉnh kể: “Lúc đó đâu có xe tải, xe cẩu như bây giờ. Tụi tui vác từng cây gỗ đi dựng trụ. Gỗ thông thì trơn, muốn leo lên sửa phải có thang, mà thang cũng phải chở bằng xe đạp! Mỗi người một đầu, đi giống như xe đạp đôi trong công viên Văn Miếu. Nghĩ lại, không hiểu sao lúc đó làm được!”.
Không chỉ thiếu thốn phương tiện, đội ngũ công nhân ngành điện còn phải đối mặt với địa hình hiểm trở và cả yếu tố an ninh. Ở khu vực biên giới, nhiều đoạn tuyến kéo ngang qua vùng giáp ranh, nơi mà dư âm chiến tranh vẫn còn âm ỉ. “Sợ nhất là lính Pôn Pốt nhìn nhầm mình khiêng trụ gỗ thành khiêng pháo rồi đánh qua là chết bất đắc kỳ tử chứ giỡn. Nguy hiểm lắm chớ” – chú Tuấn nhớ lại.
Gian khổ hun đúc ý chí
Tuy vậy, có những ấn tượng khó phai. Trong hành trình đưa điện về Tân Hồng, Tháp Mười – nơi nổi tiếng với những cánh đồng bạt ngàn, xa khu dân cư – ngày ấy, nhưng công nhân ngành điện lực miền Nam không thể quên cái nắng gắt và điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến mọi người không thể làm việc suốt cả ngày.
Chú Hùng “guốc” chia sẻ: “Trưa nắng như đổ lửa, làm buổi chiều là chịu không nổi. Vậy là cả đội thống nhất dốc sức làm từ sáng sớm, đến trưa nghỉ, chiều lo chuẩn bị vật tư, lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Nhờ đồng lòng mà công trình vẫn về đích đúng tiến độ”.
Đằng sau mỗi đường dây điện giăng lên là mồ hôi, là cả tuổi thanh xuân của biết bao công nhân ngành điện. Họ âm thầm vượt qua gian khó, không một lời ca thán. Những người công nhân ấy, chẳng khác nào những “con nhện” cần mẫn, miệt mài giăng tơ khắp ruộng đồng Đồng Tháp, kết nối ánh sáng văn minh đến từng mái nhà.

Thợ điện miền Nam băng đồng, lội ruộng mang ánh sáng đến từng mái nhà
ẢNH: ĐIỆN LỰC ĐỒNG THÁP
Từ sức người đến công nghệ số
37 năm trôi qua kể từ ngày điện lưới quốc gia đầu tiên về Cao Lãnh, hệ thống điện tại Đồng Tháp hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới – hiện đại, thông minh và tự động hóa.
Tại Công ty Điện lực Đồng Tháp, các công nghệ hiện đại như hệ thống SCADA đã giúp giám sát, điều khiển lưới điện từ xa. Công tơ điện tử đo xa dần thay thế việc ghi chỉ số thủ công, giảm nhân lực, tăng độ chính xác và hỗ trợ khách hàng theo dõi chỉ số tiêu thụ một cách minh bạch. Hệ thống CRM (quản lý quan hệ khách hàng) và các ứng dụng số khác cũng được triển khai đồng bộ, phục vụ người dân nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Các Điều độ viên – Trung tâm Điều khiển xa tại Phòng điều độ giám sát và thao tác đóng/cắt thiết bị từ xa
ẢNH: THANH TUYỀN
Công tác khắc phục sự cố cũng thay đổi toàn diện. Không còn cảnh công nhân vác trụ, gánh dầu, hay leo trèo trên trụ gỗ giữa nắng gió như ngày xưa. Thay vào đó là xe nâng, camera giám sát, phần mềm cảnh báo sự cố – tất cả hướng đến mục tiêu hiện đại hóa ngành điện và phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
Từ những bước chân lấm lem bùn đất năm nào đến một hệ thống điện tự động hóa, vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả – hành trình của ngành Điện Đồng Tháp là biểu tượng của sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Đó không chỉ là câu chuyện về một ngành nghề, mà còn là hành trình của hàng ngàn con người, lặng thầm giăng tơ ánh sáng, dựng xây cuộc sống mới cho quê hương.
Những khó khăn đã qua, như những sợi tơ đầu tiên bám vào cột gỗ, không đơn thuần là thử thách – mà chính là nền móng để ngành Điện Đồng Tháp tiếp tục phát triển, vươn cao trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng.