CẦU NỐI SONG PHƯƠNG
Ông Võ Tá Hân (77 tuổi) không thể nào quên tháng 4.1988, với tư cách Chủ tịch Hội Thương gia Canada tại Singapore (CBA), ông đã dẫn đầu một đoàn doanh nhân Canada về TP.HCM. Từ đó, mở ra kênh kết nối kinh tế quan trọng cho Việt Nam với các nước phương Tây.

TS Võ Tá Hân
ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Sinh ra tại Huế và lớn lên ở Sài Gòn – TP.HCM, năm 20 tuổi, ông Hân nhận học bổng USAID và sang Mỹ du học. Sau đó, ông tốt nghiệp thủ khoa bằng cử nhân rồi lấy bằng thạc sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 1973 với luận văn “Khu chế xuất và Việt Nam sau chiến tranh” (đề tài này sau đó được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước dịch thành tập tài liệu trong tổng luận “Kinh tế đối ngoại” và được áp dụng thực tế).
Năm 1974, ông làm chuyên gia ngân hàng quốc tế cho Bank of Montreal (Canada), làm việc tại các thành phố Montréal và Toronto, sau đó chuyển sang phụ trách thị trường Philippines, Đài Loan, các nước Đông Nam Á. Ông định cư tại Singapore từ năm 1981. Năm 1986, khi nhận tin điều động sang Hàn Quốc để phụ trách khu vực Bắc Á, ông quyết định rời ngân hàng, ở lại Singapore và gia nhập Tập đoàn Hong Leong. Ông giữ chức Tổng giám đốc Singapore Finance, là thành viên Hội đồng quản trị City Developments và Chủ tịch CBA.
Hồi tưởng lại, TS Hân cho biết từ đầu những năm 1980, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam có nhiều định hướng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại với các nước, trong đó có Singapore. Một trong những người được chọn cho sứ mệnh đặc biệt này là ông Nguyễn Văn Đức (Charles Đức) – trí thức Việt kiều từng học ở Pháp và Hà Lan. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), ông Charles Đức tìm đến TS Hân để chuyển lời mời làm cố vấn Đổi mới.
Sau chuyến dẫn đoàn doanh nhân Canada về nước, đến tháng 9.1988, TS Hân tổ chức tiếp đón đoàn của ông Phan Văn Khải, khi đó là Chủ tịch UBND TP.HCM, sang Singapore khảo sát mô hình phát triển.

TS Hân đưa về nước 1.500 cuốn sách đầu tiên khi Việt Nam còn đang bị cấm vận
ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Lúc bấy giờ, do quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore còn chưa mặn mà, đoàn không thể tham quan chính thức nên TS Hân phải tận dụng các mối quan hệ cá nhân, như đưa đoàn lên tầng cao của tòa nhà IBM (thuộc Tập đoàn CDL – Hong Leong) để ngắm cảng Singapore…
Trong buổi họp đoàn thuyết trình về mô hình Singapore và con đường Việt Nam cần phải đi, ông Hân nhớ mình đã nói ngắn gọn: “Việc đầu tiên là các anh phải để dân chúng tự do làm ăn!”. Sau đó, ông trình bày hết thảy 14 trang giấy viết tay, về tiềm năng của Việt Nam, các giải pháp tăng trưởng kinh tế, chống lạm phát và tham nhũng… Ông còn trao tận tay ông Phan Văn Khải cuốn sách Singapore, The Socialist Model That Works và đề cập rằng sự thành công của đảo quốc này đến từ việc kết hợp kỷ luật xã hội chủ nghĩa với hiệu quả của kinh tế thị trường.
Sau đó, với tư cách Chủ tịch CBA, TS Hân tổ chức một buổi họp quan trọng để đoàn tiếp xúc với lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn tại Singapore, với sự góp mặt của hai phó đại sứ Mỹ và Canada. Tại đây, Việt Nam phát đi thông điệp muốn làm bạn và hợp tác kinh tế với các nước, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
CBA sau đó tổ chức họp báo, mời các hãng truyền thông lớn đến đưa tin. Thấy thông tin, chính phủ Singapore liền phản ứng. Bộ Ngoại giao nước này thậm chí còn dọa trục xuất ông Hân. Tuy nhiên, bất chấp sức ép, trắc trở từ nhiều phía, TS Võ Tá Hân vẫn tiếp tục tổ chức đều đặn cho các đoàn công tác từ Việt Nam sang Singapore. Các buổi trao đổi xuất hiện ngày một nhiều, nội dung trải dài nhiều ngành từ ngân hàng, bất động sản, thương mại, du lịch, cho tới công nghệ thông tin.
Điểm xuyết là vào cuối năm 1991, ông Hân đưa đại diện Cục Phát triển thương mại Singapore – phái đoàn chính thức của nhà nước Singapore – về Việt Nam. Dù ban đầu phía Singapore còn một số ngần ngại nhưng chuyến thăm đã diễn ra thành công ngoài mong đợi.

TS Võ Tá Hân với ông Phan Văn Khải, khi đó là Chủ tịch UBND TP.HCM, năm 1988
ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

TS Hân làm cầu nối, tổ chức cho đoàn của ông Phan Văn Khải tham dự buổi họp tiếp xúc với lãnh đạo của một số tập đoàn, công ty ở Singapore vào năm 1988
ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Ngay sau đó, TS Hân được yêu cầu viết một bản điều trần trình lên Thủ tướng Lý Quang Diệu ngày 6.2.1992, nêu rõ những lợi ích mà Singapore có thể đạt được nếu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trong bản điều trần, ông Hân đề xuất 10 hướng hợp tác cụ thể như kết nối các cơ quan cao cấp của nhà nước hai bên, chia sẻ kinh nghiệm quản lý mô hình Singapore, cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang du học tại Singapore. Và hầu hết đều được chính phủ Singapore triển khai.
Đến tháng 4 cùng năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức sang thăm Singapore và ký Hiệp thương bảo vệ đầu tư, mở ra một bước ngoặt trong tiến trình phá băng ngoại giao giữa hai nước. Bang giao ngày một cải thiện và tới ngày 24.9.1992, Việt Nam – Singapore ký kết Hiệp định thương mại. Đến năm 1994, Vietnam Airlines mở đường bay vào đảo quốc sư tử. Theo ông Hân, đây chính là “bàn đạp” vững chắc để Việt Nam từng bước “tiến ra biển lớn” và hội nhập sân chơi kinh tế toàn cầu.
“CHỞ” CHỮ VỀ QUÊ HƯƠNG
Bên cạnh nỗ lực âm thầm gieo những hạt mầm trong vận hội ngoại giao, hành trình góp sức cho sự chuyển mình của đất nước không thể không nhắc đến hành trình bền bỉ tặng sách của gia đình TS Võ Tá Hân.
Giấc mơ “biển sách” gửi về quê hương giữ rịt lấy ông không khác gì mong muốn Việt Nam ngày càng trở nên hiện đại.

TS Hân dẫn phái đoàn chính thức của nhà nước Singapore về Việt Nam vào cuối năm 1991
ẢNH: NVCC
Ông kể chậm, rõ ràng về cái năm 1988: “Lúc ấy về lại quê nhà, ghé vài hiệu sách ở trung tâm Sài Gòn, tôi thấy sách, đặc biệt là về khoa học, kỹ thuật, còn nghèo nàn quá. Trên chuyến bay rời Việt Nam, tôi không cầm được nước mắt. Điều này đưa lối tôi tới một quyết định: bằng mọi giá, phải tìm sách đưa về nước”.
Nói là làm, ông viết ngay một lá thư và gửi đi khắp nơi để xin sách tặng cho Viện Kinh tế Hà Nội và Viện Kinh tế TP.HCM. Mỗi nơi ông xin vài quyển, dần dần gom được 1.500 cuốn sách đầu tiên. Từ đó ông làm quen với Nhà xuất bản Simon & Schuster/Prentice Hall để dần dần mua lại sách với giá rẻ, hàng chục nghìn cuốn mỗi lần.
Tuy nhiên, thời điểm đó, đưa sách về Việt Nam không hẳn dễ dàng. Container đầu tiên nặng 17 tấn, chứa khoảng 20.000 quyển, suýt bị giữ lại. Lý do là khi ấy, sách nằm trong danh mục hàng hóa bị Singapore cấm vận Việt Nam. Để lách luật, ông đành khai là “giấy vụn”. Để rồi, khi sách về đến Viện Kinh tế TP.HCM, ông vỡ òa khi Viện long trọng tổ chức buổi triển lãm và lễ tặng sách. Ông Phan Văn Khải, khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đã ghé thăm triển lãm và gửi thư khen ngợi. TS Hân kể lại chính bức thư này trở thành “bùa hộ mệnh” giúp chương trình tặng sách của ông được thuận buồm xuôi gió về sau.
Từ những ngày đầu tiên ấy, qua hành trình tặng sách gần 40 năm, TS Hân đã trao tặng hơn 1 triệu cuốn sách với tổng giá trị hàng chục triệu USD cho các thư viện, trường đại học và cao đẳng trên cả nước.
Sách ông gửi về có giá trị chuyên môn cao. Ông tự bỏ tiền túi, tự vận chuyển, tự liên lạc các nơi để trao tặng. Dù cũng có lúc đứng giữa những “làn đạn” nghi ngờ và chỉ trích, ông vẫn tìm thấy được sự an ủi từ những lá thư viết tay của những người “chịu ơn” mình. “Có người là cựu bộ đội, nhờ đọc sách ở Viện Kinh tế mà sau này trở thành tiến sĩ ngành quản lý. Có người từng cầm chiếc nhẫn cưới đi mua sách, rồi tự học, tự chế đĩa vệ tinh, học tiếng Anh qua CNN, sau thành công, tặng lại vợ… 3 chiếc nhẫn”, ông nhắc lại.

TS Hân đón đoàn của ông Phan Văn Khải sang Singapore năm 1988
ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Năm 2010, khi TS Hân nghỉ hưu, trở về Mỹ định cư và dự tính dừng chương trình tặng sách, nhưng định mệnh đã khiến ông chưa thể rời xa Việt Nam. Lúc đó, trong một dịp tình cờ, ông đã gặp bà Lê Thị Mỹ Châu. “Đó là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng đầy tâm huyết và nặng lòng với đất nước. Chính cô ấy đã tình nguyện tiếp tục thay tôi thực hiện sứ mệnh này”, ông Hân kể.
Bà Châu cũng bồi hồi nhớ lại: “Khi đó, tôi thấy công việc này rất có ích, cũng là tâm nguyện của những người Việt Nam xa xứ luôn hướng về quê hương. Tôi nói với anh Hân: “Em về Việt Nam thường xuyên nên em sẽ là Việt Nam của anh. Việc ở Việt Nam, em sẽ tiếp tục thay anh”. Từ đó, tôi phụ trách toàn bộ các khâu hậu cần và tổ chức”.
Gần đây nhất, hồi tháng 12.2024, bà Châu đại diện gia đình tặng 1.018 đầu sách trị giá 2,7 tỉ đồng cho Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Không dừng ở sách giấy, thông qua mối quan hệ với Nhà xuất bản World Scientific, gia đình ông đã đưa 500 đầu sách điện tử (ebook) đến 5 trường đại học tại TP.HCM, giúp sinh viên tiếp cận những tri thức mới nhất của thế giới.
Nhìn lại hành trình đã qua, giờ đây với mái đầu đã bạc, TS Võ Tá Hân muốn gửi gắm trách nhiệm tri thức này lại cho người trẻ. Ông nói không có củi thì lửa tắt, do đó, ông tin rằng nhà nước cũng cần có nhiều chính sách để thu hút, kết nối và giữ chân thế hệ trẻ kiều bào để góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh, tự tin vươn ra thế giới với vị thế vững chắc.