Mở rộng ‘làn xe’ cho xuất khẩu sầu riêng

Mở rộng ‘làn xe’ cho xuất khẩu sầu riêng

bởi

trong

Đường thông nhưng vẫn vướng cổng rào

Dù mở cửa cho sầu riêng VN từ cuối năm 2022, nhưng trong suốt hơn 2 năm qua, Trung Quốc chỉ cấp 567 mã số vùng trồng cho VN. Tuy nhiên, mới đây nhất, số mã vùng trồng nước này cấp cho VN tăng mạnh. Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT), cho biết: “Định kỳ 3 tháng/lần Cục tập hợp hồ sơ đề xuất từ các địa phương gửi đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) xem xét phê duyệt. Từ tháng 9.2023, họ chưa phê duyệt thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nào nhưng lần này lại đặc biệt khi có số lượng cao bất ngờ với 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói”.

Tỉnh Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất nước ta với sản lượng thu hoạch ước khoảng 400.000 tấn, gần bằng các tỉnh ĐBSCL. Điều quan trọng là Đắk Lắk và các tỉnh Tây nguyên sắp bước vào vụ thu hoạch trong tháng 7 tới. Vì thế, việc số lượng mã số vùng trồng được cấp phép tăng gấp đôi cũng giống như “mở rộng đường từ 1 lên 2 làn xe”. Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, vui mừng thông báo: “Theo số liệu mà tôi mới tiếp cận bước đầu, tỉnh nhà có hơn 100 mã số vùng trồng. So với hiện tại, diện tích được cấp phép tăng gấp đôi ba lần và tổng diện tích được cấp phép đến thời điểm này chiếm từ 50 – 60% tổng diện tích trồng sầu riêng của toàn tỉnh”. 

“Việc mã số vùng trồng được mở rộng đồng nghĩa với thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm sầu riêng xuất khẩu. Làm sao biến cơ hội thành kết quả cụ thể bằng sản lượng sầu riêng xuất khẩu thành công gia tăng tương ứng mới là điều quan trọng. Chúng ta cần tiến hành số hóa những mã số vùng trồng sầu riêng, gắn liền với tọa độ địa lý, quy mô diện tích, sản lượng, quy trình canh tác…, phải tiến hành kiểm soát ngay từ vùng trồng và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Khi sản phẩm được kiểm soát từ gốc và có liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu thì ngành sầu riêng mới có thể phát triển bền vững”, ông Côn nói thêm.

Mở rộng ‘làn xe’ cho xuất khẩu sầu riêng

Xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc cần hướng tới nâng cao chất lượng và an toàn, truy xuất nguồn gốc

ẢNH: CHÍ NHÂN

Chia sẻ niềm vui với ngành sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), nói: Trong giai đoạn đang gặp nhiều thách thức hiện nay, đây là thông tin rất tích cực. Nó thể hiện nỗ lực của người nông dân và các cơ quan chức năng VN. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ vui được một nửa vì “đường thông nhưng cổng rào chưa thoáng”. Hiện nay, sầu riêng Thái Lan mở được “luồng xanh”, tức giảm tần suất kiểm tra ở cửa khẩu nên chỉ mất 2 – 3 ngày để vào thị trường Trung Quốc. Những doanh nghiệp chưa từng vi phạm hầu như chỉ phải chịu kiểm tra hành chính thông thường. Ngược lại, sầu riêng VN phải chờ kiểm định chất lượng 100% nên riêng khâu này đã mất ít nhất 3 ngày. Đó là chưa kể phải xếp hàng chờ đến lượt để được kiểm định. Toàn bộ quá trình đưa hàng từ VN vào Trung Quốc hiện nay mất từ 8 – 10 ngày. Việc này vừa mất thời gian và làm tăng chi phí logistics nên sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng giảm. Đây là thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận và giải quyết từ gốc là quản lý vùng trồng.

Tư duy lại cho ngành hàng sầu riêng

TS Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN tại Trung Quốc, phân tích: Việc được cấp thêm mã số vùng trồng mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng là sầu riêng phải đảm bảo chất lượng, đặc biệt kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng chất vàng O và kim loại nặng, đây là các chỉ tiêu Trung Quốc kiểm tra rất gắt gao. “Bà con nông dân nên tuân thủ quy trình canh tác an toàn, chú ý đến yếu tố thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu. Cơ quan quản lý tăng cường giám sát, hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo sầu riêng VN đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Để xuất khẩu bền vững vào thị trường Trung Quốc, chúng ta cần phải xây dựng tinh thần và cách làm như khi xuất hàng đi Nhật Bản, EU. Điều này không chỉ cần thiết với mặt hàng sầu riêng mà tất cả các loại rau quả, hàng hóa nói chung”, TS Trà My lưu ý.

Bà con nông dân nên tuân thủ quy trình canh tác an toàn, chú ý đến yếu tố thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu. Cơ quan quản lý tăng cường giám sát, hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo sầu riêng VN đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Để xuất khẩu bền vững vào thị trường Trung Quốc, chúng ta cần phải xây dựng tinh thần và cách làm như khi xuất hàng đi Nhật Bản, EU. Điều này không chỉ cần thiết với mặt hàng sầu riêng mà tất cả các loại rau quả, hàng hóa nói chung.

TS Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN tại Trung Quốc

Là người trực tiếp kinh doanh xuất khẩu sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk), chia sẻ: “Để xuất khẩu bền vững, chúng tôi thực hiện liên kết 3 bên là doanh nghiệp với HTX sầu riêng Đoàn Kết (Buôn Hồ) và đơn vị kiểm định chất lượng là Công ty CP KHCN Hoàn Vũ. Điều này nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo sản xuất đúng quy trình kỹ thuật ngay từ vườn. Toàn bộ sản phẩm từ vùng trồng sẽ được đơn vị kiểm định theo dõi sát. Chúng tôi đang chuẩn bị lấy mẫu đất trên toàn bộ diện tích HTX để kiểm định, hạn chế tuyệt đối rủi ro. Sầu riêng là ngành hàng có giá trị cao và chúng tôi muốn tham gia thị trường bằng những sản phẩm chất lượng tốt nhất vì nó gắn liền với uy tín thương hiệu của doanh nghiệp”.

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng lưu ý tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng không còn là “cuộc đua song mã” của Thái Lan và VN mà hiện nay có cả Philippines, Malaysia, Campuchia và sắp tới còn có một số nước khác. Do vậy, bên cạnh tập trung vào thị trường trọng tâm Trung Quốc cần mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, Ấn Độ, EU, Mỹ… Ngoài ra, thị trường nội địa cũng rất quan trọng; hiện nay, một ký sầu riêng trên thị trường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trung bình cũng 100.000 đồng/kg. Mức giá này không phải dễ tiếp cận với đông đảo người dân. Phải làm sao để sản phẩm có thể tiếp cận đông đảo người tiêu dùng trong nước và phải là những sản phẩm chất lượng chứ không phải hàng “giải cứu”.

Chuẩn hóa quy trình trồng sầu riêng

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT), cho biết tồn dư chất cadimi trên sầu riêng chủ yếu đến từ quy trình canh tác. Người dân sử dụng quá nhiều loại phân bón, có loại chưa phù hợp với cây sầu riêng. Bên cạnh đó, tồn dư cadimi còn được phát hiện trên đất trồng mới không phù hợp với cây sầu riêng.

Để giải quyết vấn đề này, Cục đã phối hợp với Viện Nông hóa, Viện Cây ăn quả miền Nam… xây dựng 3 giải pháp kỹ thuật chuẩn hóa quy trình canh tác, loại bỏ tồn dư cadimi. Đặc biệt, đang xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất dành riêng cho cây sầu riêng. Dựa vào bản đồ này, người dân sẽ chọn được vùng đất trồng phù hợp để trái sầu riêng đạt chất lượng cao nhất.

Phan Hậu