Mối nguy từ nạn mua bán các trang mạng

Mối nguy từ nạn mua bán các trang mạng

bởi

trong
Mối nguy từ nạn mua bán các trang mạng

Hình ảnh kèm bài viết xin tiền từ thiện trên một trang mạng giả bệnh viện – Ảnh: K.HƯNG (chụp màn hình)

Đặc biệt, những trang được tạo ra từ lâu (có thể từ 1 năm hoặc lâu hơn) càng có giá trên không gian mạng.

Tài sản số này đang bị lợi dụng. Chủ sở hữu những fanpage nếu không tỉnh táo thì sẽ vô tình tiếp tay cho nạn lừa đảo online.

Một ngày đầu tháng 5-2025, một người bạn của tôi than thở trên Facebook rằng vừa bị lừa chuyển khoản ủng hộ bệnh nhân của một fanpage có tên Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Theo chia sẻ của bạn, khi đọc bài viết kêu gọi ủng hộ từ bệnh viện này thì thấy mọi thông tin rất “hợp tình hợp lý”: bài viết chỉn chu, hình ảnh rõ ràng, fanpage có đến hơn 3.000 người theo dõi, riêng bài viết đã có đến 8.000 lượt like… 

Sau khi chuyển khoản xong, Facebook của bạn tôi lại hiển thị một fanpage khác có tên Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang cũng đăng một bài viết tương tự.

Tôi vào các fanpage kể trên và thấy một điểm chung: các trang Facebook này đều được tạo từ nhiều năm trước nay được đổi tên để chạy quảng cáo lừa đảo. Các tổ chức hoặc cá nhân đứng đằng sau đã tạo trang từ trước hoặc mua lại từ các hội nhóm trên mạng xã hội

Một trang giả danh Bệnh viện Nhi Hà Nội vốn có tên là Điện lạnh TPHCM và mới được đổi tên từ tháng 5-2025, trang Bộ phận Tiếp nhận ATTT (lừa hỗ trợ lấy lại tiền) được tạo từ năm 2020 với tên ban đầu là PH Watch…

Một người bạn tôi (làm trong ngành tiếp thị số) cho biết với những fanpage có tuổi đời trên một năm, đã có sẵn lượng người theo dõi nhất định dễ dàng chạy quảng cáo, dễ “qua mặt” đội ngũ kiểm soát của Facebook và ít gặp phải trường hợp bị hạn chế quảng cáo như những fanpage được tạo mới. 

Với những trang có lượt người dùng thật theo dõi sẵn thì càng dễ dàng tận dụng được nguồn “khách hàng tiềm năng”.

Đó là lý do mà trong thời gian qua trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt trang mạo danh bệnh viện, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… để lừa đảo người dùng. Gần đây, có những trang mạo danh các bộ ngành như trang giả mạo Bộ Tài chính gắn tích xanh với số lượng người theo dõi gần 7.000.

Không chỉ mua fanpage cũ, đổi tên, đăng bài để lừa đảo, các đối tượng đứng đằng sau còn lợi dụng lỗ hổng quảng cáo trên Facebook để tiếp cận người dùng. Sau khi “sang tên”, các cá nhân, tổ chức này dễ dàng chạy quảng cáo đúng nhóm đối tượng họ cần nhắm đến. 

Đó là lý do mà các bài viết kêu gọi ủng hộ bệnh nhân ở các trang giả mạo bệnh viện có đến hàng ngàn lượt like, lượt chia sẻ và lượt tiếp cận khổng lồ.

Có cách nào để nhận biết trang Facebook thật và giả? Làm sao biết trang nào đã được mua, sang tên để lừa đảo? Câu trả lời là hãy xem tính minh bạch của fanpage. 

Tại trang chủ của fanpage, bạn đọc bấm vào phần giới thiệu rồi chọn mục Tính minh bạch của trang, chọn tiếp mục Xem tất cả sẽ thấy ngày tháng trang được tạo, tên trang đầu tiên và tên trang sau khi đã đổi. Với những trang được đổi thành một cái tên khác biệt hoàn toàn bạn đọc hãy cẩn trọng, đó có thể là dấu hiệu lừa đảo.

Trên mạng xã hội Facebook, mỗi người dùng đều có thể tạo nhiều fanpage khác nhau để giải trí, bán hàng hoặc lan tỏa thương hiệu cá nhân. Đó có thể xem là một tài sản số rất có giá trị.

Tuy nhiên, khi sở hữu những trang mạng với lượng lớn người theo dõi thì hãy xem đó là cộng đồng của mình, người dân của mình.

Nếu không có nhu cầu sử dụng nữa thì hãy đóng fanpage hoặc chỉ bán cho người quen để họ dùng vào những mục đích tốt đẹp.