Chiều 28.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Tố tụng hình sự.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Tố tụng hình sự
ẢNH: GIA HÂN
Hà Nội có thể bố trí 50 – 60 công an mỗi xã, phường
Tại tờ trình, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, dự thảo luật sửa đổi tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để thực hiện yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, dự thảo luật sửa đổi quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan điều tra từ mô hình 3 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện) chuyển thành 2 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh).
Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định liên quan các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư.
Ngoài ra, sửa đổi quy định về tổ chức bộ máy Viện KSND, TAND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 03 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực)…
Nêu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho hay, Bộ Công an đề nghị bổ sung thẩm quyền điều tra viên của cơ quan điều tra bố trí trưởng, phó công an xã tại dự thảo luật.
Ông Long lý giải, ngày 12.4.2025, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 60 Trung ương 11, quyết định tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: tỉnh – xã, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, đảm bảo cả nước giảm 60 – 70% số lượng đơn vị cấp xã hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, thực hiện chủ trương này thì số lượng đơn vị công an cấp xã cũng giảm từ 60 – 70% so với hiện nay. Do đó, quy mô trung bình số lượng công an xã cũng tăng khoảng 3 lần so với hiện nay.
“Báo cáo các đồng chí, thực hiện việc này, đối với ở cấp xã hiện nay, quy mô chúng tôi bố trí khoảng từ 30 – 60 cán bộ công an xã. Như Hà Nội có thể khoảng 50 – 60 cán bộ công an xã”, ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo tại phiên họp
ẢNH: GIA HÂN
Đề xuất công an xã có một số thẩm quyền điều tra
Lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh, công an xã sau sáp nhập là một cấp công an, vừa có hoạt động phòng ngừa vừa phải phân công một số điều tra viên công an tỉnh làm trưởng, phó công an xã hiện nay.
Do đó, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định để cho phép trưởng, phó công an xã là điều tra viên trung cấp hoặc cao cấp thuộc công an tỉnh thì có một số quyền hạn điều tra, khởi tố với các vụ án, vụ việc ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn xã.
Các quyền hạn được bổ sung theo ông Long gồm: trực tiếp tổ chức và chỉ đạo thụ lý tin tố giác tội phạm; khởi tố điều tra; quyết định phân công, thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra được bố trí tại công an xã; kiểm tra các hoạt động thụ lý giải quyết nguồn tin tội phạm vụ án hình sự; quyết định biện pháp ngăn chặn; truy nã, đình nã….
“Nếu được các đồng chí đồng ý xin được phối hợp cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp tình hình phòng chống tội phạm hiện nay”, ông Long nói tại phiên họp.
Giải trình tại phiên họp, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho hay, tới hôm nay ông mới nhận được đề xuất chính sách này của Bộ Công an và đây là chính sách rất mới, trong quá trình hai bên phối hợp soạn thảo dự luật chưa có.
Ông đề nghị cần cân nhắc rất kỹ lưỡng và đây là vấn đề lớn nên sẽ tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Thường vụ Quốc hội để hai bên cần trao đổi với nhau, sau đó trình bổ sung cho phù hợp.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nghiên cứu việc bổ sung tại điều 37 về thẩm quyền của một số điều tra viên với các tiêu chuẩn rất cao từ điều tra viên công an tỉnh cử xuống công an xã làm việc.
Ông đề nghị Viện KSND tối cao và Bộ Công an có thảo luận để làm sao giải quyết các công việc thuận lợi nhất, vừa tôn trọng quyền con người, quyền công dân nhưng cũng đảm bảo đỡ quá tải cho cơ quan điều tra cấp trên và bảo đảm khẩn trương xử lý các vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở.
“Đây là yêu cầu rất cao và không trái đường lối nhưng rất thận trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về nguyên tắc còn các cơ quan bàn để có thiết kế cụ thể”, ông Định lưu ý.